Cũng may chị xử lý việc nhà kịp thời để sau này không phải hối hận. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thị Hoài (Hải Dương) mồ côi mẹ từ bé, một mình bố chị "gà trống nuôi con" khôn lớn. Chị ra Hà Nội làm ăn, rồi kiếm được một tấm chồng. Cưới nhau xong thì cả hai thuê nhà để sinh sống chứ không dám mơ tới chuyện mua nhà vì bố mẹ hai bên đều nghèo.
May thay năm ngoái dự án làm đường mở ra, đưa mảnh đất nhà bố chị ra mặt đường. Được giá bố chị bán luôn, chia cho chị 400 triệu đồng để lấy vốn làm ăn. Chị định mở quán bán đồ ăn vặt, nhưng chồng bảo vay thêm tiền ngân hàng và anh em, bạn bè mua cái nhà, và đã mua được căn hộ 2 phòng ngủ. Có nhà, từ nay anh chị chỉ còn lo "kéo cày" trả nợ bằng lương của chồng, còn lương của chị lo cho gia đình là ổn.
Về nhà mới thì chị Hoài có thai, rồi sinh con nên phải nghỉ việc và chồng phải cáng đáng tất tài chính cho gia đình. Nào ngờ dịch bệnh bùng phát, công ty chồng phải nợ lương nhân viên khiến gia đình nhỏ lao đao. Chồng muốn chuyển việc nhưng xin mấy nơi chưa được. Sốt ruột vì kinh tế nên con mới 4 tháng chị cũng tìm việc làm và đi làm ngay với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Không có lương của chồng nên cũng không thể thuê giúp việc, đành nhờ mẹ chồng lên trông cháu để cả hai đi làm. Tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, ai ngờ dịch dã bùng phát nên em gái chồng lấy chồng gần đó liền đưa con trai 3 tuổi đang học mẫu giáo phải nghỉ dịch về gửi luôn để "bà tiện thể trông hai cháu". Cũng từ đó cứ trưa thứ bảy hai vợ chồng cô ấy lại đến nhà chị thăm mẹ và anh chị đến tối chủ nhật mới về.
Cả tuần đi làm, cuối tuần lại nai lưng ra nấu nướng, dọn dẹp cho cả nhà em chồng, không có thời gian nghỉ ngơi nên chị Hoài rất mệt mỏi. Em chồng thì không biết điều, cứ tới bữa mới đến, không bao giờ phụ chị dâu nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp, còn đòi ăn đồ tươi, đồ ngon... Tự dưng suất lương dè sẻn chi tiêu để lo bỉm sữa, nuôi con nay nuôi thêm mẹ chồng, còn đèo bòng cháu rồi vợ chồng cô em…
Chịu không nổi chị Hoài đành bảo chồng nói em gái gửi tiền nuôi cháu, nhưng anh chỉ ậm ừ. Khi thành phố hết dịch, chị mừng vì cháu đi học lại thì thoát cảnh thiếu thốn, tằn tiện chi tiêu. Ai ngờ mẹ chồng lại bảo cô em "cứ để cháu cho bà trông". Hoảng quá chị phải nói với mẹ chồng là lương chồng thấp phải lo trả nợ. Lương chị phải lo cho cả nhà nên không thể cáng đáng cháu và đãi đằng thường xuyên được. Mẹ chồng không nói gì.
Hôm sau ăn tối xong mẹ chồng đem 1 triệu đồng vỗ lên mặt bàn, bảo chồng chị đó là tiền nuôi cháu, rằng cháu mới 3 tuổi ăn uống đáng là bao, nhưng vợ anh nói thế nên cô ấy trả. Chồng chị nổi đóa mắng chị keo kiệt, tính đếm với cả ruột thịt... Mẹ chồng cũng hùa theo mắng mỏ nàng dâu khiến chị tức giận mà không nói lại được. Tệ hơn là chồng ôm gối ngủ riêng 2 tuần rồi, mẹ chồng thì ra lườm, vào nguýt như thể nàng dâu có tội lớn, không khí gia đình rất nặng nề.
Chị Hoài nghĩ im lặng không phải là cách hay, nhưng không muốn để lâu thêm phức tạp, bởi còn phải lo làm ăn, lo trả nợ. Tháng đó lĩnh lương về, chị bảo:
- Tiền lương của anh tiếp tục trả nợ ngân hàng. Tiền lương của em chia đôi. Anh cầm 1 triệu nuôi cháu, với 5 triệu này lo cho mẹ, cho cháu và đãi đằng mọi người. Còn lại hai mẹ con em tự lo.
Mẹ chồng nhìn con trai, chồng còn sĩ diện hất tay chị khiến tiền rơi xuống đất. Chị lặng lẽ nhặt lại đặt lên kệ tivi. Sáng hôm sau chị ẵm con chào mẹ chồng rồi xách túi đi làm. Mẹ của bạn chị vừa về hưu, nghe chị kể hoàn cảnh bèn nhận trông bé với giá 1 triệu đ/tháng. Tối về chị vừa nấu ăn, vừa chơi với con rồi ôm nhau ngủ thẳng giấc.
Được 2 tuần thì 6 triệu chị đặt trên kệ tivi biến mất, mặt chồng thì như đeo đá. Vợ chồng cô em cũng không tới ăn uống hai ngày cuối tuần nữa. Tuần sau nữa thì cháu ngoại về đi học mẫu giáo, mẹ chồng thì… về quê với ông. Chị Hoài biết nhà chồng đã thấm cảnh khổ sở của chị nửa năm qua, biết chồng hiểu phải tằn tiện chi tiêu để trả nợ là thế nào. Chị chờ anh mở cửa về phòng làm lành, và chị sẽ nói:
- Em cũng phải kiếm sống như anh, trách nhiệm gia đình nội ngoại như nhau, việc nhà như nhau… nên không có chuyện một người nai lưng ra làm cho nhiều người khác ung dung hưởng. Dịch bệnh thì không biết bao giờ mới hết, trong khi phải trả cả đống nợ nần, đã không thương cảm giúp đỡ thì cũng đừng làm phiền quá. Có gì thì cởi mở nói chuyện, không phải cậy đông ăn hiếp rồi tự ái ngủ riêng.
Chị cũng mừng vì đã không hoảng sợ khóc lóc trước mẹ chồng, còn nhìn ra sự việc sớm và nghĩ ra được cái "chiêu lầy" để giải quyết ngay. Nếu để tới mức mọi người nổi sân hận, ấm ức, tức bực cài cắm vào người thì đời sống vợ chồng mất cân bằng, vấy bẩn mọi khía cạnh trong các mối quan hệ vợ chồng. Chưa kể những cảm xúc đau buồn, tức giận, ai oán, phẫn nộ phun ra… làm tổn thương nhau, rồi hành xử theo bản năng thì về sau hối hận cũng khó có thể nhìn mặt nhau mà bình an nữa.