Chồng tôi là con trưởng, sau cưới lại sống chung với nhà chồng nên mọi khoản nặng nhẹ trong gia đình tôi đều phải gánh vác. Mệt nhất là khi nhà có giỗ đám thì tôi cứ xác định tinh thần quay cuồng lo cỗ bàn từ mấy ngày trước. Mọi việc suôn sẻ không sao, chứ có sơ suất gì lại gọi dâu trưởng ra trách mắng. Thành thử cảnh làm dâu của tôi áp lực vô cùng.
Trong khi đó, em dâu tôi lại nhàn vô cùng. Vì sống riêng, lương cao nên nhà có công việc, em ấy vẫn nhàn như không, chỉ cần gọi điện báo bận, gửi ít tiền cho bố mẹ chồng vậy là tất cả đều vui vẻ.
Cùng làm dâu nhưng em dâu tôi nhàn nhã, không tất bật, vất vả như tôi. (Ảnh minh họa)
Buồn nhất là chồng tôi, dù vợ vất vả là thế nhưng chưa bao giờ anh biết trân trọng, thương yêu. Anh quanh năm ngày tháng cứ sáng đi tối về, chăm con, săn sóc bố mẹ đều ỉ hết cho vợ. Vậy mà anh còn suốt ngày càm ràm, chê trách so vợ với em dâu, nói tôi vụng đoảng, không bằng một phần em ấy.
Năm ngoái tới ngày sinh nhật mẹ chồng, tôi phải xin nghỉ nửa ngày công để về đi chợ, nấu cơm chúc mừng bà. Một mình tôi làm 3 mâm cỗ cho gần 20 người ăn, xong lại một mình dọn dẹp. Nhiều việc quá tôi không kịp mua gì tặng bà. Ngược lại em dâu đi làm tới bữa phóng xe sang, tặng bà 1 túi xách tay hàng hiệu, 1 vòng ngọc bích khiến cả nhà ai nhìn cũng xuýt xoa, nức nở khen dâu út tâm lý, chiều mẹ chồng hết mực.
Thực ra, tôi nghĩ chuyện em dâu biếu bố mẹ chồng như thế nào là tùy tâm, quan trọng là tấm lòng và tình cảm. Đằng này ngay tối ấy về phòng, chồng tôi lại càu nhàu trách vợ thiếu quan tâm tới mẹ chồng. Thậm chí anh còn so sánh:
“Cùng là phụ nữ mà thím ấy tinh tế, khéo léo như thế, không những bố mẹ vui mà chồng thím ấy cũng hãnh diện, nở mày nở mặt, hãnh diện vì vợ. Đằng này em xem lại bản thân mình đi, chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Giá như em bằng được một phần của thím ấy thì anh cũng mừng. Tốt nhất sau này em nên học tập theo em dâu mình”.
Thực sự nghe những lời của chồng khiến tôi thất vọng, mệt mỏi vô cùng. Bởi bản thân có cố gắng nỗ lực lo cho cuộc sống gia đình nhà chồng như thế nào đi chăng nữa thì anh vẫn chẳng bao giờ thừa nhận công sức của vợ.
Cho tới cuối tuần đó, bố mẹ chồng tôi ở về quê có ít trứng sạch, sai tôi mang cho dâu út một ít. Tranh thủ chồng được nghỉ ở nhà, tôi rủ đi cùng. Không ngờ vừa tới cửa đã thấy em trai anh đang đeo tạp dề vừa lau nhà, vừa nấu cơm, tí tí lại chạy vào phòng xem con ngủ có yên giấc. Nhìn cảnh ấy, chồng tôi ngạc nhiên lắm vì anh chưa bao giờ thấy em trai làm những việc ấy.
Chồng tôi luôn so sánh vợ với em dâu. (Ảnh minh họa)
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của anh trai, chú ấy cười bảo:
“Vợ em bận lắm, thứ bảy chủ nhật cũng đi suốt có mấy khi ở nhà đâu. Con cái, nhà cửa em phải làm hết. Nói chung vợ em giỏi công việc bên ngoài chứ việc nhà không đảm được như chị dâu đâu. Nhưng thôi, mỗi người một thế mạnh, chị dâu đảm đang, vun vén việc gia đình tốt thì anh yên tâm ra ngoài làm ăn. Em ngược lại chấp nhận lui về phía sau lo con cái, nhà cửa cho vợ phấn đấu. Vợ chồng phải san sẻ, bù trừ cho nhau anh ạ”.
Chồng tôi đứng im còn chưa lên tiếng, chú ấy lại tiếp lời:
“Mà em phải công nhận chị dâu đảm đang thật. Em hay bảo với bố mẹ, anh may lấy được chị dâu, chị ấy giỏi giang, tháo vát, làm việc văn phòng mà vẫn quán xuyến hết việc nhà thay chồng. Bố mẹ có được chị ấy làm dâu trưởng cũng là may mắn”.
Chồng tôi nghe thế ngồi im không nói gì. Từ hôm ấy anh không còn mang vợ ra so sánh với em dâu nữa".