Tôi 38 tuổi, có vợ và hai con trai. Vợ tôi là người cùng quê, kém tôi 2 tuổi. Cô ấy đang làm kế toán cho một công ty về thực phẩm. Hiện chúng tôi đang sống trong căn nhà 4 tầng nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở nội đô.
Hơn chục năm kể từ khi về chung một nhà, cuộc sống của gia đình tôi nhìn chung không có quá nhiều sóng gió. Vài lần giữa hai vợ chồng cũng có xảy ra mâu thuẫn nhưng sau đó đã được giải quyết trong hòa bình.
Vợ tôi không phải là người phụ nữ xinh đẹp nhưng đổi lại, cô ấy là người hiền lành, yêu thương chồng con và biết vun vén cho gia đình. Tuy nhiên, vợ tôi cũng có nhược điểm là chưa biết tính toán, chi tiêu một cách hợp lý mặc dù có chuyên môn kế toán.
Ảnh minh họa
Lúc nào vợ tôi cũng có quan niệm "thừa còn hơn thiếu". Thế nên, mọi thứ với cô ấy luôn luôn phải đủ đầy. Ngay cả việc nấu ăn hàng ngày cũng tương tự. Nhà chỉ có 4 người nhưng mâm cơm ít nhất cũng phải 3-4 món. Hầu như hôm nào cũng có thức ăn thừa để ở trong tủ lạnh. Chưa kể, mỗi dịp nhà tôi có việc, y như rằng bố con tôi phải ăn đồ ăn thừa đến vài ngày chưa hết.
Ngoài việc hay lo bố con tôi đói nên phải nấu ăn nhiều, vợ tôi còn là người cả nghĩ, hay lo xa. Mỗi khi nhà tôi có việc là cô ấy mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Dù tôi đã khuyên rất nhiều lần rằng lo nghĩ nhiều cũng không giải quyết được gì, thế nhưng cô ấy vẫn không chịu thay đổi. Nhiều lúc toàn tự làm khổ mình. Như chuyện xảy ra mấy ngày hôm nay cũng vậy.
Sau khi đọc thông tin vụ cháy lớn ở chung cư mini, suốt cả ngày hôm đó, cô ấy "canh" máy để cập nhật tin tức từ các báo. Và dĩ nhiên, tôi là người được cô ấy gửi tất cả những cập nhật đó.
Tôi không phải không thương xót, đồng cảm với những gia đình nạn nhân nhưng việc vợ "spam" quá nhiều những thông tin tiêu cực cũng khiến tôi cảm thấy rất phiền. Biết vợ hay nghĩ ngợi, tôi đã khuyên cô ấy không nên đọc quá nhiều những tin tức về vụ cháy nữa vì có vẻ cô ấy bị ám ảnh không tốt nhưng cô ấy không nghe.
Cả tối hôm đó, vợ tôi nằm lướt TikTok, Facebook rồi khóc sưng cả mắt thương những nạn nhân xấu số rồi thương gia đình họ. Cả ngày đi làm vất vả, tối đến thấy vợ như vậy cũng khiến tôi mệt mỏi, nặng trĩu theo.
Đến ngày hôm sau, những thông tin vụ cháy ít dần, tôi mừng vì vợ tôi cũng không tâm sự với tôi nhiều nữa. Thế nhưng, cô ấy lại quay sang bàn với tôi về việc mua các thiết bị phòng chống cháy.
Nhà tôi là nhà đất, không phải xây theo diện "chuồng cọp", vẫn có lối thoát hiểm là trèo lên trên tầng thượng. Nhưng vì an toàn của cả nhà, tôi vẫn đồng ý với ý kiến của vợ, trong nhà có thiết bị phòng cháy vẫn là tốt nhất.
Ban đầu, tôi nghĩ vợ chỉ mua bình cứu hỏa hoặc mua thêm thang dây, thế nhưng, những gì tôi thấy buổi tối hôm đó lại khiến tôi tá hỏa.
Khi tôi mở cửa bước vào, trong nhà tôi ngổn ngang những vật dụng phòng cháy, chữa cháy. Nào là 4 bình cứu hỏa, 2 cuộn thang dây rồi hàng chục cái mặt nạ chống khói, mặt nạ dưỡng khí đến mền chống cháy, ủng găng tay, bộ quần áo phòng cháy, búa thoát hiểm, dây thừng… Tất cả đều được vợ tôi sắm ngay trong một buổi chiều. Cô ấy còn nói không biết còn thiếu thứ gì để còn mua nốt.
Nghe xong câu nói của vợ, tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Vợ tôi mà sắm thêm thì nhà tôi sẽ thành cái kho mini để chứa đồ cứu hỏa mất.
Tôi biết những việc vợ làm cũng là nghĩ đến sự an toàn của cả gia đình, nhưng quả thực, tôi không thể hiểu được tại sao vợ tôi lại mua nhiều đến thế.
Không phải tôi tiếc tiền nhưng riêng việc mua đến 4 chiếc bình cứu hỏa hay tận 2 cái thang dây là tôi thấy không hề hợp lý một chút nào. Chưa kể, những vật dụng này nếu không để cẩn thận, rất dễ bị các con tôi tò mò nghịch ngợm gây nguy hiểm.
Tôi nói những điều đó với vợ thì bị cô ấy cho là tôi không chủ động, không biết lo cho tương lai. Tôi nên làm thế nào để vợ bớt lo xa và chi tiêu hợp lý hơn. Tôi không muốn vì những chuyện tương tự mà vợ chồng bất hòa. Xin mọi người cho tôi lời khuyên.