Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là đề tài muôn thuở. (Ảnh minh họa)
Tự minh oan cho mình
Chị Hồ Thị N. (Hà Nội) là con gái một gia đình trí thức, kinh tế khá giả nên chỉ biết học và đoảng việc nhà. Anh Nguyễn Văn A. lại là con trai cả trong một gia đình lao động trung lưu. Họ cưới nhau đã 10 năm và gia đình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn (bố anh A. bị tai biến, không còn khỏe), mẹ chồng quen ăn sung mặc sướng nên khi bố chồng bệnh phải giảm bớt chi tiêu.
Đã thế dịp Covid vừa qua, công việc của chồng chị thu nhập không đủ lo cho bố mẹ chồng và em trai đang học đại học. Đúng lúc này chị lại có thai bé thứ hai, cần mua sắm nhiều thứ nên tiền đưa cho mẹ chồng hàng tháng ít đi, thái độ ngọt ngào của mẹ chồng với chị giảm hẳn, săm soi lườm nguýt chị.
Thương chồng, chị N. về nhà xin xỏ bố mẹ đẻ để vun vén cho gia đình chồng, chị cũng giấu hẳn những diễn tiến không vui giữa mẹ chồng nàng dâu vì sợ anh buồn.
Con trai đi làm từ sáng đến tận chiều tối mới về mà mẹ chồng luôn thủ thỉ chuyện mẹ chồng, nàng dâu, thêm mắm, dặm muối, thậm chí ăn đứng nói đụng, ăn không nói có, dựng chuyện lên để nói xấu con dâu. Bà còn dùng thủ đoạn trước mặt con trai thì vờ hiền lành, chiều con dâu… Nhưng con trai ra khỏi cửa là nhiếc móc con dâu không tiếc lời, sai làm cái này, bắt làm cái nọ và hoạnh họe... Nhiều khi bị chồng trách móc "làm dâu ăn ở không tốt với mẹ chồng", chị có nói lại thì anh lại mắng tiếp: "Mẹ tốt thế mà dám nói xấu mẹ".
Ấm ức và đã sắp sinh nên chị N. quyết chứng minh cho chồng biết. Nhân lúc mẹ chồng và chồng đi vắng, chị đã lắp một loạt máy nghe trộm từ phòng ăn, phòng bếp, phòng khách, kệ đặt điện thoại bàn, gần cửa ra vào (nơi bà hay đứng buôn với xóm giềng nhất), phòng ngủ của bà và của chị (nơi mẹ chồng hay nói xấu chị với con trai).
Hàng ngày chị nghe lại các đoạn băng, lưu cất để dùng khi cần. Nghe rồi chị mới biết mẹ chồng quá tệ với nàng dâu mà ai cũng tin. Nhưng chị lại thương bà quá giỏi tưởng tượng, luôn phải căng mình lo nói xấu con dâu... và chị thấy vui vui vì mình là đề tài giải trí bất tận cho bà.
Khi chị đưa những trích đoạn ghi âm cho chồng nghe khiến anh choáng với mẹ đẻ, choáng cả với vợ dùng cách đó với mẹ chồng. Chị thủng thỉnh bảo cực chẳng đã mới phải minh oan. Dần dà chồng nhận ra gánh nặng mà vợ im lặng chịu đựng bấy lâu nay, và xin bố mẹ cho ra ở riêng trước khi vợ ở cữ. Dù bố mẹ chồng giữ, nhưng anh quyết đi để giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Anh hứa sẽ gửi phần nào chi tiêu đỡ đần bố mẹ, còn chi phí phát sinh xa sỉ thì mẹ phải tự lo.
Ai dè mẹ chồng lại nảy sinh ý định làm nàng dâu thành mẹ đơn thân. Bà liên tục gọi chồng chị về nhà ăn cơm, mời mấy cô gái trẻ đến nhà chơi, cô nào có cảm tình còn mời ở lại để "tiện" chăm sóc anh khi vợ ở cữ. May là chồng chị yêu vợ con, thương con và hiểu ý đồ lôi kéo anh bỏ vợ con nên chị không mất chồng.
Mỗi khi có dịp gặp gỡ mẹ chồng, chị vẫn dạ vâng ngoan ngoãn dù trong lòng âm ỉ nỗi đau. Chị nói với chồng: "Người ngoài nghĩ sai, đối xử tệ với em em cũng mặc, em có thể vờ như điếc nhưng chỉ cần anh hiểu em, ở bên em thì em vẫn vui vẻ được. Mẹ trình độ hiểu biết hạn chế, lạc hậu với cách sống và suy nghĩ của con dâu. Còn em "đạo làm dâu" vụng về. Nếu hai người phụ nữ anh yêu quý nhất mâu thuẫn thì người khổ nhất là chồng – cho nên em chịu thiệt thòi để anh bớt đi một áp lực, tinh thần lạc quan hơn, công việc cũng tốt đẹp hơn, vợ chồng sẽ ít cãi nhau hơn vì mối quan hệ với mẹ chồng, nàng dâu".
Làm sao biết được sự thật?
Các bà mẹ chồng không phải ai cũng tìm cách làm khó con dâu, nhưng quả là có những bà ghê gớm, dối trá. Quan trọng là chồng phải biết tôn trọng sự thật. Nhưng làm sao để biết được sự thật?
Chị N. có nghĩ ra cách minh oan bằng cách đặt máy nghe trộm. Nhưng không phải nàng dâu nào cũng có điều kiện như thế. Mẹ chồng, nàng dâu luôn là vấn đề muôn thủa, đôi khi là không thể dung hoà – và vai trò của người chồng rất quan trọng. Anh ta sẽ đứng ở giữa để dung hoà mối quan hệ giữa vợ và mẹ. Nếu người chồng rất nghe lời mẹ và không có chính kiến, không có suy nghĩ của anh ta về tương lai của gia đình nhỏ, trong khi cuộc sống là thực tế trước mắt… thì sẽ làm vợ đau khổ, thất vọng, cuộc sống ngột ngạt, ức chế tâm lý về tiền bạc, công việc, con cái... dẫn tới mâu thuẫn, bạo hành, thậm chí ly hôn.
Để tránh các xung đột, các chuyên gia khuyên cả vợ lẫn chồng càng ít nói càng tốt. Nhất là người vợ thường là nạn nhân của bạo lực, phải biết kiềm chế, đừng "kích hoạt" sự bạo lực của người chồng bằng những lời nói lúc nóng nảy. Một lần đánh được rất có thể tạo tiền đề để hành vi lặp lại.
Người chồng cũng nên học cách kiểm soát cảm xúc, kiềm chế cơn nóng giận. Tự đặt mình vào vị trí của vợ để tìm hiểu nguyên nhân gây ra những cảm xúc của vợ. Nếu hai vợ chồng cùng bình tâm nhìn lại thực tế đang biến động, sắp xếp lại gia đình, hoạch định hướng đi mới trong tương lai, quan tâm, chăm chút cảm xúc, tâm lý của nhau… mới dễ dàng đưa gia đình vượt qua những khúc mắc, tăng cường kết nối hơn.
Theo Vera Xuân Hường (Chuyên gia tư vấn hạnh phúc gia đình), để ổn định và hòa thuận giữa mẹ chồng nàng dâu, trước hết người chồng cần thể hiện sự quan tâm đến cả mẹ và vợ, chứ không phải là tập trung vào phân định đúng sai. Sau đó chồng phải có bản lĩnh và khả năng nhận thức sự việc một cách có hiểu biết.
Thứ hai là lần lại xem quá trình sống cùng hai người kia ai là người hay nói sai, ai là người chân thành. Bản chất họ ra sao phải biết được.
Thứ 3 là người đàn ông cần xem lại vai trò của mình trong gia đình, và ảnh hưởng ra sao với hai người kia. Đặc biệt là xem lại mối quan hệ với bạn đời đang chưa được gắn bó nên mới dẫn đến các mối quan hệ khác bất ổn.
Tóm lại người chồng cần có vai trò đứng giữa dung hoà mối quan hệ giữa vợ và mẹ. Chồng cần có chính kiến riêng. Với những bà mẹ chồng ghê gớm, con dâu cần biết tự bảo vệ mình. Các bà mẹ chồng dù ghê gớm, ngang ngược thế nào cũng đối phó được, nhưng quan trọng người chồng phải biết tôn trọng sự thật.