Giữa vợ chồng không thể tránh khỏi mâu thuẫn, cãi vã, một khi số lần cãi vã ngày càng nhiều, trong lòng hai người sẽ xuất hiện khoảng cách, thậm chí có thể oán hận nhau và làm nhiều điều sai trái.
1. Vợ chồng cãi nhau lôi cả bố mẹ đôi bên vào “cuộc chiến”
Khi cãi nhau, một số cặp đôi luôn cố gắng giữ bình tĩnh để phân tích vấn đề. Họ lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của nhau, rồi đưa ra quyết định chung, nhờ đó vấn đề được giải quyết êm đẹp.
Một số cặp đôi lại không kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ chọn chiến tranh lạnh hoặc “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình.
Nhưng khi con người mất bình tĩnh, họ dễ thốt ra những lời lẽ khó nghe làm tổn thương nửa kia. Thậm chí, nhiều người còn lôi cả bố mẹ đôi bên vào “cuộc chiến”. Ví dụ như: “Nhìn anh đi, anh bây giờ ý như bố anh”, “Bố mẹ cô không dạy cô cách làm vợ, làm dâu thế nào à?”,…
Khi lôi cả bố mẹ đôi bên vào “cuộc chiến”, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng sẽ càng bị đẩy lên cao trào, vấn đề càng khó giải quyết hơn. Bởi một khi thốt ra những lời này, bản chất của cuộc cãi vã đã hoàn toàn thay đổi, vốn là mâu thuẫn giữa hai người bỗng trở thành mâu thuẫn giữa hai gia đình.
Hơn nữa, những lời này mang tính sát thương rất lớn, tổn thươngđến lòng tự trọng của nhau. Ngay cả khi mâu thuẫn giữa hai vợ chồng được giải quyết thì những lời đó vẫn khắc sâu trong tâm trí nửa kia, khó có thể phai nhòa được, từ đó có thể khiến mối quan hệ vợ chồng dần dần xa cách.
(Ảnh minh họa)
2. Dùng bạo lực gia đình để ép đối phương phải nhượng bộ
Bạo lực gia đình là nguyên nhân khiến nhiều gia đình tan vỡ. Nhiều người che giấu bản thân rất tốt trong thời gian yêu nhau, sau khi kết hôn họ mới cởi bỏ lớp ngụy trang đó.
Chỉ cần đối phương không làm theo ý muốn của mình, họ sẽ xúc phạm đối phương bằng những lời lẽ cay nghiệt, thậm chí dùng vũ lực để buộc đối phương phải nhượng bộ.
Mọi phương pháp bạo lực có thể khiến đối phương tạm thời phục tùng, nhưng không thể khiến đối phương thật sự phục tùng. Cái sự “tạm thời” đó chẳng qua là họ còn vướng bận điều gì đó nên mới cố gắng nhẫn nhịn mà thôi, nhưng rồi sẽ đến một lúc nào đó họ sẽ vùng lên và thoát khỏi cuộc hôn nhân đó.
Nói chung, dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng dùng bạo lực để giải quyết. Hôn nhân tuyệt đối không nên có sự xuất hiện của bạo lực gia đình, nếu không cuộc hôn nhân đó coi như bỏ.
(Ảnh minh họa)
3. Bản thân mắc sai lầm nhưng lại đổ lỗi cho nửa kia
Không ít người như vậy, bản thân mắc sai lầm nhưng khi sai lầm của họ bị phanh phui, họ lại đổ hết lỗi lầm lên nửa kia. Chẳng hạn như ngoại tình, bản thân họ sai nhưng lại trách nửa kia vô tâm, không đáp ứng những yêu cầu của họ,… khiến họ cô đơn nên mới ngoại tình.
Hay đàn ông rượu chè, cờ bạc, một số người lại đổ tại vợ thiếu quan tâm mình, mẹ chồng nàng dâu cãi nhau suốt ngày nên mới khiến họ chán nản, tìm tới những thứ đó để giải sầu.
Nói chung, họ có gan làm nhưng không có gan chịu trách nhiệm, luôn cho rằng mình mới nạn nhân, bị người khác đẩy vào con đường sai trái. Việc này chẳng giải quyết được gì, chỉ khiến mọi người thấy bản thân là một kẻ hèn nhát, yếu đuối, không có trách nhiệm, đồng thời khiến nửa kia càng thêm đau lòng, thậm chí đẩy hôn nhân đến bên bờ vực đổ vỡ.
Có câu “một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa”. Dù giữa nhau không còn tình yêu thì hãy giữ lấy phẩm giá cuối cùng và đừng để khi nhớ về những gì đã xảy ra, trong lòng nhau chỉ còn sự hận thù.
Yêu thì hãy trân trọng, không yêu thì cũng đừng tổn thương. Đến được với nhau rồi chia tay cũng là một loại hoàn hảo, đừng để những thứ từng đẹp đẽ trở nên bị nhuốm bẩn.