Cô gái chuyển giới nổi tiếng Bến Tre: Nhiều năm sau mẹ mới gọi tôi là con gái

Mia Nguyễn là người chuyển giới được ngưỡng mộ bởi học thức, tài năng và sự duyên dáng.

Cô gái chuyển giới nổi tiếng Bến Tre: Nhiều năm sau mẹ mới gọi tôi là con gái - 1

Mia Nguyễn, người phụ nữ chuyển giới được cộng đồng tôn trọng và ngưỡng mộ

Mia Nguyễn (tên thật là Nguyễn Công Đức, quê Bến Tre) là người được cộng đồng những người chuyển giới ở Việt Nam tôn trọng và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ vì chị có học thức: từng tốt nghiệp đại học ngành Du lịch và Quản trị kinh doanh, từng công tác nhiều năm trong Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm hỗ trợ cộng đồng thuộc Bộ xã hội Úc với tư cách là chuyên gia tâm lý và hiện tại là giám đốc công ty tư vấn tâm lý, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhóm yếu thế…

Ngưỡng mộ vì chị duyên dáng và “phụ nữ” trong từng cử chỉ, lời nói và ngưỡng mộ vì chị có một tình yêu trọn vẹn.

Hành trình đi tìm bản ngã của Mia Nguyễn – cô gái chuyển giới nổi tiếng “đất dừa” Bến Tre có nhiều khác biệt. Chị từng bị kỳ thị, từng đau đáu với câu hỏi “tôi là ai?”, từng phải sống hai cuộc sống khác nhau trong cùng một thời điểm… Thế nhưng, chị dám đấu tranh để sống là chính mình, dám bung thoát ra bên ngoài để khám phá thế giới mới, dám học hỏi, tích luỹ kiến thức để có được vị trí như hiện tại. Với chị, chuyển giới chỉ là cột mốc, còn thay đổi cuộc đời lại ở một thời điểm rất khác.

Cùng trò chuyện với Mia Nguyễn để hiểu thêm về hành trình tìm lại chính mình của chị:

Cô gái chuyển giới nổi tiếng Bến Tre: Nhiều năm sau mẹ mới gọi tôi là con gái - 2

Mia Nguyễn hiện tại làm việc trong lĩnh vực tâm lý

Bước xuống bàn mổ với hình hài mới, là con gái từ trong ra ngoài, cảm xúc của chị thế nào?

Lúc đó, bản thân thấy nhẹ nhàng lắm. Cơn đau thể xác không bằng những trăn trở trong tâm hồn. Phẫu thuật chuyển giới là một lựa chọn đúng đắn, giúp tôi có động lực bước tiếp.

Thời gian hậu phẫu, tôi chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống. “Mình sẽ làm gì, học gì, sắp xếp công việc thế nào để được an nhiên và hạnh phúc”. Khi về Việt Nam, tôi được mẹ chăm sóc nhưng bà vẫn chưa quen với hình hài mới của tôi. Phải vài năm sau, bà mới gọi tôi là con gái.

Chị từng nói, chuyển giới chỉ là một cột mốc trong cuộc đời, còn “tấm vé” thay đổi số phận lại nằm ở thời điểm khác?

Với riêng tôi, chuyển giới chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Tôi bắt đầu sống, làm việc, học tập như một người phụ nữ trong khoảng 4 năm trước khi phẫu thuật và điều đó làm tôi hạnh phúc hơn cả việc ngoại hình tôi trông thế nào. Vậy nên, sau khi chuyển giới, tôi thấy mình không khác gì so với trước đây. Chỉ có cơ thể tôi thay đổi, còn tâm hồn và phẩm cách của tôi đã là phụ nữ từ rất lâu trước đó.

Năm 24 tuổi, tôi thực sự “thấy mình”. Đó cũng là năm tôi nỗ lực xin visa sang Úc học tập và sinh sống. Tấm visa ấy đã thay đổi cuộc đời tôi, còn phẫu thuật chuyển giới sau này chỉ là cột mốc để trở thành người phụ nữ trọn vẹn.

24 tuổi, đã có một công việc ổn định đủ để lo cho em trai ăn học, chị vẫn quyết định sang Úc để rồi phải rửa chén thuê, phục vụ quán bar… Có phải ở Việt Nam quá bí bách với giới thứ 3 nên chị tìm miền đất khác để tự do hơn?

Không hẳn vậy. Khi đó, tôi đã tốt nghiệp đại học và có công việc đáng mơ ước ở Việt Nam. Tôi không phủ nhận, Việt Nam những năm đầu 2000 vẫn còn nhiều định kiến với người LGBT (cộng đồng thuộc giới tính thứ 3) nhưng tôi chưa bao giờ giấu giếm giới tính thật ngay cả khi đi học và đi làm. Tôi nghĩ, do môi trường công việc về du lịch, lữ hành khá cởi mở nên tôi được đón nhận.

Tôi chọn đi Úc vì nhiều lý do, công việc lúc đó bắt đầu bão hòa, tôi cần thay đổi và tôi khi đó còn rất trẻ nên muốn khám phá thế giới, cho bản thân cơ hội học tập nhiều hơn. Tại Úc, tôi nhận ra rõ ràng khát khao làm đàn bà của mình sau nhiều năm im tiếng. Tôi không phủ nhận mà bắt đầu học cách quan tâm, nuôi dưỡng bản thân, không làm gì tổn thương cơ thể và cuộc sống sau này.

Cô gái chuyển giới nổi tiếng Bến Tre: Nhiều năm sau mẹ mới gọi tôi là con gái - 3

Chị có tình yêu đẹp với người đàn ông ngoại quốc 

Rất nhiều cô gái chuyển giới chia sẻ rằng, cuộc sống của họ quá khó khăn cả về công việc lẫn tình yêu. Họ phải đối diện với sự kỳ thị của cộng đồng. Chị thì khác, có học thức, địa vị, tình yêu và hôn nhân trọn vẹn… Vì đâu mà chị có được cuộc sống đáng ngưỡng mộ như hiện tại?

Tôi cho rằng, cuộc sống thực tế với bất kỳ ai cũng không bao giờ là màu hồng. Riêng người chuyển giới sẽ gặp nhiều rào cản hơn trong tình yêu, công việc và mưu cầu hạnh phúc. Bản thân tôi cũng vậy, có những giai đoạn trong đời tôi thấy mất cân bằng, căng thẳng, tự ti liên quan đến giới tính nhưng tôi không bao giờ cho phép mình ghét bỏ chính mình.

Mỗi ngày được sống là một ngày tôi tự hoàn thiện bản thân, làm những việc có ích cho xã hội, điều đó giúp tôi nhận lại yêu thương và sự trân trọng từ người xung quanh. Với tôi, những vấp ngã, thử thách chỉ làm ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn, hiểu được điều đó, tôi có cái nhìn bao dung với khó khăn phải đối mặt. 

Chuyển giới là một hành trình cả đời, từ khi bạn quyết định sống với giới tính mình mong muốn cho đến khi nhắm mắt. Thế nên, đừng vội vàng mà hãy có kế hoạch thật chi tiết cho cuộc sống, công việc, sức khỏe của mình. Nếu có khó khăn hãy tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân hay các chuyên gia.

Nên nhớ là bạn không đơn độc. Dẫu chặng đường bạn chọn có nhiều thử thách nhưng đó là một hành trình tuyệt vời, hãy tận hưởng từng phút giây bởi chính bạn sẽ được sống, được thở, được yêu như cách bạn muốn.

Mẹ chị từng nói: “Trở thành phụ nữ không khó, nhưng sống là một người phụ nữ thì có muôn vàn khó khăn, thử thách”. Sau những năm tháng sống như một người phụ nữ, chị có thấy đúng?

Tôi nghĩ điều mẹ tôi trăn trở vẫn còn đúng ở thời điểm hiện tại. Sau nhiều năm sống cuộc sống của người đàn bà tôi mới nhận ra, còn quá nhiều định kiến, khuôn mẫu, chuẩn mực mà phụ nữ phải mang vác khiến họ khó có được hạnh phúc trọn vẹn. 

Bạn thử nhìn xem, rất ít người chuyển giới nữ được hạnh phúc vì họ gặp phải định kiến nặng nề do bất bình đẳng giới. Một người phụ nữ bình thường mà không thể mang thai sẽ thiệt thòi và bị khinh khi thế nào huống chi là một người phụ nữ chuyển giới. Nên để hạnh phúc, tôi nghĩ xã hội nên hướng đến sự bình đẳng, dù bạn là ai, bạn cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc như tất cả công dân khác.

Tôi cũng hy vọng Luật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất để người chuyển giới như tôi, con cái của chúng tôi, gia đình và tình yêu của chúng tôi được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Cô gái chuyển giới nổi tiếng Bến Tre: Nhiều năm sau mẹ mới gọi tôi là con gái - 4

Mia Nguyễn nhận nuôi một bé gái xinh đẹp

Đối với chị, thử thách lớn nhất khi ở trong vai trò của người phụ nữ là gì?

Khó khăn lớn nhất là làm sao tôi có thể cân bằng giữa vai trò làm vợ, làm mẹ và tự do cá nhân. Tôi của 20 năm trước là một người thích khám phá, ít chịu trách nhiệm và rất bốc đồng. Tôi của 10 năm sau lại thích tự do và khá thực dụng. Nhưng tôi của hiện tại không cho phép bản thân sống như vậy.

Đã là phụ nữ, là vợ, là mẹ tôi phải có trách nhiệm với bản thân, con cái và với bạn đời. Tôi không sống cho riêng mình, mà phải sống vì gia đình. Tôi gọi sự thay đổi đó là quá trình trưởng thành của bản thân.

Chị đã làm thế nào để giữ chân được người đàn ông của mình, một người mà chị nói là rất may mắn khi gặp được để hành trình chuyển giới trở nên trọn vẹn?

Tôi không thích cụm từ “giữ chân” ai đó trong tình yêu. Tôi có một sự ngưỡng mộ và tôn trọng đặc biệt với những người dám yêu người chuyển giới. Tình yêu đó phải thiêng liêng và nhân văn lắm mới có thể đồng hành cùng nhau.

Trong hôn nhân của tôi luôn có sự tôn trọng, bình đẳng và tử tế. Chúng tôi yêu và ngưỡng mộ nhau. Trước tiên, anh ấy phải yêu tôi, yêu tôi của hiện tại và cả quá khứ. Tôi không phải là người phụ nữ hoàn hảo, nhưng tôi có sự cố gắng, cầu tiến và nhân ái.

Bên cạnh đó, tôi có sự tôn nghiêm và tự trọng của bản thân. Không phải tôi là phụ nữ chuyển giới thì sẽ đặt để mình ở vị trí thấp hơn người khác. Trong tình yêu lại càng không nên như vậy.

Ở vai trò làm mẹ, chị đã làm thế nào để kết nối tình cảm với con gái và khiến cô bé yêu thương mình như một người mẹ thực sự?

Tôi không quá khắt khe với con mình. Tôi luôn quan sát, bảo vệ con nhưng không phải bao bọc hay nuông chiều. Tôi phân chia vai trò rõ ràng trong gia đình. Con chịu trách nhiệm về các việc cá nhân, tôi lo ăn uống cho cả nhà, còn anh thì chịu trách nhiệm về tài chính.

Đến trường, con được học kiến thức, bơi lội và nhạc cụ. Điểm số không quan trọng với tôi, điều tôi quan tâm là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình và làm sao giúp con phát triển toàn diện. Quan trọng nhất là con được nói lên quan điểm của mình, chúng tôi là cha mẹ cần tôn trọng và lắng nghe.

Cuối tuần, thỉnh thoảng gia đình sắp xếp cho con đến thăm, nhận nuôi những con vật bị ngược đãi, bỏ rơi tại các trung tâm để con học được kỹ năng thấu cảm với những loài vật yếu thế, những mảnh đời kém may mắn.

Tôi cố gắng nuôi dạy con trong khả năng và sự hiểu biết của mình để con có cơ hội học tập, rèn luyện bản thân trở thành một công dân văn minh, có ích cho xã hội. 

Xin chân thành cảm ơn chị!