Hiện nay, chị Trang (34 tuổi, Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Brenden (46 tuổi) và con trai ở Sydney, Úc. Trước khi tiến tới kết hôn, chị và anh Brenden có khoảng thời gian 2 năm hẹn hò. Tuy nhiên, trong 2 năm đó chưa một lần nào chị nhận được lời tỏ tình hay cầu hôn của anh dành cho mình. Chính điều này không chỉ làm chị thắc mắc mà bố mẹ chị cũng lo lắng và sốt sắng giục cưới gấp dù khi ấy chị mới 27 tuổi.
Tổ ấm nhỏ của chị Trang.
Yêu trai Tây, bố mẹ lo lắng giục cưới khẩn cấp
Trước khi quen nhau, chị Trang từng là nhân viên kế toán tại ở TP. HCM. Còn anh Brenden là nhân viên kế toán tài chính tại Sydney. Những tưởng 2 con người chẳng có mối liên hệ nào, ở cách xa hàng chục nghìn cây số ấy sẽ chẳng bao giờ có thể gặp nhau vậy mà cái duyên cái số lại run rủi gắn kết cả 2 quen biết nhau.
Chị Trang kể, chị có dì ruột và các chị em họ ở Úc, trong đó chị họ của chị là bạn hàng xóm với ông xã. Khi anh Brenden đến Sài Gòn học và trở thành giáo viên dạy Tiếng Anh, người chị họ ấy đã giới thiệu chị làm quen với anh để có thể giúp anh nơi xứ lạ và ngược lại đó cũng là cơ hội tốt cho chị học tiếng Anh.
“Ấn tượng của mình đối với anh là một người cao to, đẹp trai. Lúc đó anh đang học khoá học ngắn hạn để trở thành giáo viên, anh mới đến Sài Gòn không lâu, và không biết nhiều về nơi này”, chị Trang nhớ lại.
Vậy là từ đó, chị và anh thường xuyên gặp nhau vào cuối tuần. Và chẳng biết từ khi nào những buổi cuối tuần ấy vô tình trở thành những buổi hẹn hò mà chị không hề hay biết.
2 năm quen, anh chưa bao giờ tỏ tình với chị.
Trong khoảng hơn 2 năm quen nhau, chị Trang chưa từng nhận được lời tỏ tình, thậm chí là một câu nói “Em làm bạn gái anh nha” từ anh Brenden. Anh cứ như vậy ở bên chị, dành cho chị sự quan tâm mỗi ngày dù đi đâu làm gì và cả những bó hoa trong các dịp lễ. Mặc dù anh có giới thiệu chị với bạn bè, ba mẹ qua video call và khi đến Việt Nam du lịch hay đồng hành cùng chị mỗi lần về quê nhưng chưa một lần nào anh khẳng định mối quan hệ với chị. Chính điều này không chỉ khiến chị mà còn khiến bố mẹ chị lo lắng hơn cả. Và sau 2 năm, không thể để con gái quen một anh chàng Tây mà không biết trước tương lai, bố mẹ chị đã quyết liệt giục cưới.
“2 năm hẹn hò, anh được niềm tin nơi mình, đi đâu làm gì cũng báo cáo. Anh còn làm việc chăm chỉ, chi tiêu hợp lý nên mình cảm thấy anh là một bến đỗ an toàn. Vì muốn ba mẹ an tâm và mình cũng hiểu đủ về anh nên mình đã là người chủ động lên kế hoạch cho một đám cưới. Anh rất vui và hợp tác. Phải nói, mình là một người từng trải trong tình yêu, mình nhận thấy anh ấy đủ tốt, là một người phụ nữ mạnh mẽ nên mình sẽ nắm lấy những gì mình muốn”, chị Trang cho hay.
Bố mẹ chị lo lắng phải giục chị "chốt sổ" gấp.
Sau kết hôn, cứ thiếu gì bố mẹ chồng lại cho tiền
Được biết, đám cưới của chị Trang và anh Brenden diễn ra ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và ở Tp. HCM với sự tham gia đầy đủ của gia đình, bạn bè của anh Brenden. Và một tháng sau, chị ra mắt họ hàng, bạn bè ở Sydney bằng bữa tiệc buffet do bố mẹ chồng tổ chức.
Hiện tại, vợ chồng chị đang sống ở Sài Gòn, chị ở nhà làm nội trợ còn ông xã làm giáo viên dạy tiếng Anh tại TP. HCM. Vợ chồng chị dự định sẽ về Úc định cư khoảng tháng 2/2021.
Chị tự chủ động lên kế hoạch cho đám cưới của mình.
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân với ông xã hơn 12 tuổi, chị Trang cho biết, chồng chị đang là trụ cột kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên anh luôn biết giúp chị việc nhà, biết chơi với con. Kể từ khi kết hôn, vợ chồng chị nhìn xa hơn và có những kế hoạch lâu dài cho tương lai của cả nhà. Không chỉ vậy, cả 2 còn là bạn đồng hành, giúp đỡ, chăm sóc nhau về sức khỏe, tinh thần và san sẻ cùng nhau những áp lực của công việc.
Bố mẹ chồng siêu tâm lý luôn hỗ trợ chị về tài chính.
Chia sẻ chuyện làm dâu xa xứ của mình, chị Trang tâm sự, mặc dù chị ở Sài Gòn còn bố mẹ chồng ở Sydney nhưng tuần nào cũng vậy, ba mẹ thường gọi facetime cho vợ chồng chị và luôn sẵn sàng giúp đỡ về tài chính khi vợ chồng chị cần.
Đối với chị, bố mẹ chồng vô cùng vui vẻ, thân thiện và siêu tâm lý khiến chị chưa bao giờ phải áp lực hay đau đầu trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Chị còn nhớ lần đầu tiên đến Úc thăm gia đình, ở cùng nhà với bố mẹ chồng nhưng chị không phải làm gì. Chị có mẹ chồng tâm lý khi mua cho rất nhiều quần áo, nón, khăn choàng, bao tay, vớ, giày ấm dùng cho mùa đông. Bà còn dự trữ sẵn lương thực của Việt Nam trong nhà, trước khi chị đến. Còn bố chồng làm tài xế chở chị đi du lịch khắp nơi, đưa đón chị đi thăm bạn bè cùng với chồng. Thậm chí, dù đêm khuya hay sáng sớm cũng vui vẻ đưa đón chị và ông xã ở sân bay khiến chị biết ơn họ vì điều đó.
Không chỉ vậy, sau đám cưới, chị còn được bố mẹ chồng cho một khoản tiền để bắt đầu cuộc sống gia đình. Thậm chí, khi vợ chồng chị mua nhà, ông bà cũng giúp đỡ để mua nội thất trước khi dọn vào nhà mới.
“Vợ chồng mình lo cho tương lai của mình nhưng thiếu bao nhiêu là ba mẹ sẽ giúp. Ông bà cũng thường về Việt Nam thăm vợ chồng mình và còn dẫn vợ chồng mình đi du lịch nữa”, chị Trang cười.
Đầu năm sau chị sẽ sang Úc định cư.
Chia sẻ về việc có lo lắng khi sắp tới sang Úc định cư, sống với bố mẹ chồng, chị Trang cười thổ lộ, chị không hề lo lắng gì bởi chị thấy làm dâu Úc không có vấn đề gì. Người Úc không yêu cầu con cái ở chung nhà, họ có tính tự lập cao nên chị không phải sống chung. Vợ chồng chị bán nhà ở Sài Gòn để mua nhà ở bang Tây Úc gần nhà anh Hai và chị Ba còn ba mẹ ở Sydney gần nhà em út. Chị sẽ tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ, quan tâm chăm sóc từ trái tim sẽ đến trái tim. Và sẽ làm tròn trách nhiệm với chồng con.
Là người Việt Nam nên nếu phải “sống chung với bố mẹ chồng” chị cũng thấy không có gì khó khăn bởi bố mẹ chồng Úc không can thiệp vào chuyện riêng mà chỉ đóng góp ý kiến nên chị cảm thấy vô cùng thoải mái.