Với nhiều người, lấy chồng là canh bạc lớn nhất của cuộc đời. Tính toán đủ đường thì đôi khi vẫn phụ thuộc vào duyên số, vào sự may rủi của đời người. Và với chị Phạm Thị Sang (38 tuổi, quê Đồng Nai, hiện đang sinh sống tại Bỉ) cũng vậy. “Sang giống như đang đánh bạc với cuộc sống. Cũng may mọi chuyện đều tốt đẹp!”, chị Sang chia sẻ.
Với chị Sang, lấy chồng như đánh bạc với cuộc sống.
Ghét chồng từ cái nhìn đầu tiên, nhưng… ghét của nào trời trao của đó
Chị Sang cho biết, chồng chị sang Bỉ từ năm 6 tuổi, hiện anh làm cảnh sát và thông dịch viên tiếng Việt – Bỉ. Năm 17 tuổi, khi đó chị Sang vẫn còn là một cô thôn nữ ở vùng nông thôn. Năm ấy, anh Vũ – chồng chị lại về thăm quê nên hai người mới có cơ duyên gặp nhau.
“Người thân của anh là hàng xóm nhà tôi. Người đấy mách với chồng tôi rằng: “Ở xóm có con bé Sang được lắm, qua tán đi”, thế là anh qua nhà tôi chơi.
Tôi nhớ không lầm thì khi ấy anh qua nhà tôi chơi vào buổi tối. Tôi không tiếp mà để má tiếp anh. Má gọi mãi tôi mới ra, nhưng vừa nhìn thấy cánh tay xăm trổ của anh là tôi hết hồn luôn, ghét không muốn tiếp”, chị Sang kể.
Chị Sang quen chồng năm 17 tuổi, sau 3 năm thì chồng đón sang Bỉ.
“Hôm nào anh cũng tới nhà tôi chơi, ngồi từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm mới về. Anh tới chẳng làm gì hết, cứ ngồi cạy móng tay vậy thôi. Thấy anh ngồi lì ở nhà mình tôi ghét lắm vì đi đâu, làm gì cũng bất tiện, bị làm phiền. Đã thế anh còn lầm lầm lì lì, chẳng nói chẳng năng gì”, chị Sang nhớ lại.
Nhưng được cái anh cũng dễ tính. Bữa trưa, bữa tối thì ở lại ăn cơm cùng nhà chị Sang. Có gì ăn đó, chưa ăn canh cua rau đay bao giờ nhưng anh không từ chối, cũng ăn luôn cà ghém, mắm tôm luôn.
Hồi đó nhà chị nuôi tằm nên chị bận hái lá dâu từ sáng đến tối, không có thời gian tiếp anh. Nhưng thấy chị xách bao lá dâu nặng, anh cũng chạy ra ruộng xách dùm rồi chỉ các em học bài, nên dần dần không còn ghét anh như trước nữa.
Sau một tháng, anh Vũ xin phép gia đình chị Sang cho anh đặt trầu để anh yên tâm về Bỉ. “Nhớ cái ngày đi đăng ký kết hôn, tôi chưa đủ tuổi nên phải chờ vài tháng nữa cho tròn 18 tuổi. Vậy đó, tôi chẳng có chuyện tình lãng mạn gì đâu. Tôi ít nói chuyện với anh lắm, vì không biết nói gì. Anh khá khô khan, ít ga lăng nên tôi không có một lời cầu hôn, tỏ tình nào. Khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn thay đổi cuộc sống nên quyết định lấy chồng xa mà không cần tìm hiểu.
Đúng là vợ chồng là duyên nợ. Chúng tôi lấy nhau buồn vui đều có, phản đối cũng có nhưng cho dù thế nào chúng tôi cũng đi được với nhau hơn 20 năm rồi”, chị Sang kể.
Sau khi đăng ký kết hôn xong, anh Vũ đi 3 năm mới về Việt Nam làm giấy tờ cho chị Sang qua Bỉ.
Cưới trước yêu sau, hai vợ chồng như nước với lửa và bí quyết giữ gìn hôn nhân
Giống như nhiều người khác, lúc mới chân ướt chân ráo tới nơi đất khách quê người chị Sang cũng có nhiều bỡ ngỡ và cảm thấy cô đơn. “Tôi qua Bỉ mọi thứ giống như bơi giữa biển vậy, cô đơn và rất buồn. Buồn vì nhớ gia đình. Cô đơn vì chồng đi làm suốt đến nửa đêm mới về do lúc đó anh còn làm nhà hàng. Mà người Việt qua Bỉ lúc đó đều vậy. Làm việc trong nhà hàng nhiều lắm mà không cần biết tiếng”, người phụ nữ nghẹn ngào nhớ lại khoảng thời gian đó.
Sau khi sang Bỉ được 6 tháng, chị Sang được quận chấp nhận là người ở hợp pháp và có thể đi làm. Chị bươn chải đủ nghề từ phát báo quảng cáo, rửa bát ở nhà hàng tới phụ bếp, làm khách sạn và hiện tại chị mở một tiệm nails nhỏ và làm Youtuber, chia sẻ cuộc sống ở Bỉ.
Tổ ấm hạnh phúc của chị Sang.
Về chuyện vợ chồng, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chị dần dần có tình cảm với chồng. Sau 5 năm, vợ chồng chị Sang đón con trai đầu lòng, hiện tại đã 11 tuổi, biết phụ giúp bố mẹ nhiều công việc nhà.
Mẹ một con cho biết, vợ chồng chị như nước với lửa, tranh cãi khá nhiều. Mỗi lần như vậy, chồng chị luôn là người xuống nước trước, 20 năm rồi đều vậy nên gia đình vẫn êm ấp.
Chị Sang chia sẻ: “Biết tôi hay giúp gia đình bên Việt Nam, anh không bao giờ ý kiến. Trong công việc nhà và chăm con, đa số là tôi làm, nhưng khi chồng không đi làm, chồng đều chủ động phụ giúp tôi mọi việc”.
Có người nói, con đường ngắn nhất đến trái tim đàn ông là đi qua dạ dày. Câu nói này đúng với gia đình chị Sang. Chị nói, chồng rất thích những món ăn chị nấu, cho nên cãi nhau hay giận đến mấy thì có đồ ăn ngon là chồng lại cho qua mọi chuyện.
Chị Sang và con trai 11 tuổi.
“Chồng tôi được cái ít nói, đến giờ vẫn vậy nhưng rất thương vợ con. Tôi có thể không đi chơi mà không cần chồng đi cùng, nhưng anh thì không. Nếu không có vợ đi cùng, anh sẽ không đi. Ngày xưa trước khi lấy, tưởng anh ăn chơi lắm ai dè không rượu chè không hút thuốc.
Hiện tại tôi thấy cuộc sống như bình bình lặng lặng như thế này là đủ rồi, không đòi hỏi gì nhiều thêm nữa. Tuy chồng không bao giờ thể hiện ra nhưng những gì mà anh làm cho tôi đã nói lên tất cả”, chị Sang kể.
Bên cạnh đó, chị cũng có lời khuyên gửi tới các chị em, phụ nữ nên làm chủ được tài chính của mình thì sẽ không lo gì. Chị nói: “Lo của mình thôi, còn của chồng thì kệ. Tôi nghĩ đơn giản lắm, của mình thì mãi là của mình, còn không phải của mình cố gắng níu kéo thì nó đứt cũng vậy”.