Tôi thấy ân hận vì mình đã quá tin vào anh. (Ảnh minh họa)
Chúng tôi kết hôn mới được hơn hai tháng. Trước đó là khoảng thời gian gần ba năm yêu nhau. Hai bên gia đình đã đi lại từ lâu, coi hai đứa như con cái trong nhà, chỉ đợi đến khi tôi có việc làm thì làm đám cưới. Tôi học Đại học Thương mại Hà Nội ra, cũng chạy hết chỗ này đến chỗ kia, mãi mới kiếm được công việc tạm gọi là ổn định, mặc dù không liên quan nhiều đến chuyên môn đã học.
Trong lúc đó thì chồng tôi đã đi làm ở một chi nhánh ngân hàng nhỏ, thu nhập được tính theo doanh số, vì thế cũng có tháng thu nhập khá, có tháng chỉ trung bình. Hai bên gia đình quyết định cho hai đứa làm đám cưới. Theo mẹ chồng tôi, phải cho cưới thì con trai mới biết giành dụm tiền nong, không tiêu xài phung phí vì phải có trách nhiệm với gia đình.
Quả thực, tôi cũng thấy chồng là người tiêu xài hơi “vô tư”. Anh thích ăn diện, thích thể hiện là người sành điệu, từ áo sơ mi, đến giày, thậm chí là đôi tất cũng phải được chọn mua cẩn thận ở chỗ nọ chỗ kia. Điều này ngược với tôi. Một phần vì tôi sinh ra trong một gia đình bình dân, bố mẹ, anh chị em đều có thói quen chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm. Ngoài cách tiêu pha của anh có vẻ không ổn ra còn thì mọi thứ đều khiến tôi rất vừa ý. Anh là người hoà nhã, dễ gần, xởi lởi, nhiệt tình với bạn bè, cũng là người có chí tiến thủ.
Tôi nghĩ đàn ông cũng như phụ nữ, ai cũng có ưu điểm, nhược điểm, không thể đòi hỏi người ta hoàn hảo được, vì bản thân mình cũng có hoàn hảo đâu. Thỉnh thoảng tôi chỉ nhắc khéo anh về việc chi tiêu, anh cười cười rồi bảo lúc nào trở thành vợ chồng, anh sẽ đưa hết mọi khoản cho vợ giữ. Tôi muốn quản, muốn cho anh ăn mặc thế nào cũng được. Còn bây giờ thì để cho anh thoải một tí. Tôi thấy anh nói thế nên cũng cho qua.
Chúng tôi cưới nhau xong, bên nhà chồng cũng chật nên bố mẹ cho hai đứa được ra ở riêng. Tất nhiên nhà chưa mua được nên phải đi thuê, bố mẹ hỗ trợ cho mỗi tháng 3 triệu đồng. Mẹ chồng tôi còn bảo bao giờ sinh con thì bà sẽ cho thêm cả tiền thuê người giúp việc. Kể ra như thế là chúng tôi quá sướng so với nhiều bạn bè. Chồng tôi, y như lời hứa, đưa luôn cho vợ cái thẻ ATM của anh.
Hàng tháng cơ quan chuyển tiền lương vào đấy, nhiều ít tôi sẽ nắm được tất. Tôi nửa đùa nửa thật hỏi thế còn thu nhập ngoài lương thì sao? Chồng tôi nói chắc như đinh đóng cột: Anh sẽ đưa tất. Phụ nữ phải là người tay hòm chìa khoá, anh không can thiệp. Tôi thấy anh nói quá đúng ý mình. “Chồng là cái giỏ vợ là cái hom” mà.
Chuyện cứ như thế thì cũng chả có gì phải bàn, hai vợ chồng với sự hỗ trợ của bố mẹ chồng thì không phải lo lắng gì cả, có con lúc nào cũng được, không phải lo về chi tiêu. Nhưng đột nhiên một ngày, đang làm việc ở cơ quan, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người bạn chồng tôi.
Sau vài câu vòng vo chán chê anh mới đi vào nội dung chính. Rằng chồng tôi có vay của anh vài lần, tổng cộng cũng gần một trăm triệu đồng để lo cho đám cưới. Anh ấy có hứa là sau khi cưới, ổn định cuộc sống sẽ thanh toán. Nhưng gần đây anh gọi lại thì chồng tôi nói bây giờ mọi khoản thu chi trong nhà do vợ quản, lo toan hết. Anh bạn dè dặt hỏi tôi có thể thanh toán khoản tiền đó giúp anh không?
Tôi ớ người ra. Thật, tôi không thể hình dung được là chồng lại có thể khoán trắng khoản nợ của anh cho tôi. Tiền anh vay làm gì, chi tiêu, mua sắm gì, từ bao giờ, trước lúc chúng tôi cưới nhau tôi đâu có biết. Sao bây giờ anh lại "sang tên" khoản nợ đó cho tôi? Tôi có cảm giác y như mình bị lừa vậy.
Vẫn chưa hết, mấy ngày sau còn hai người bạn nữa cũng gọi đến cho tôi với nội dung tương tự. Khoản nợ đã tăng lên hơn hai trăm triệu đồng. Chồng tôi đang đi công tác nên tôi cắn răng đợi anh về. Anh vừa về, do quá ức chế, chẳng chờ anh hỏi han gì, tôi đã nói luôn đến ba khoản nợ.
Chồng tôi lặng đi mất một lúc rồi mới bối rối công nhận. Tôi hỏi, sao anh không nói với em từ trước khi cưới? Bây giờ vỡ lở ra, em tự dưng thành người mắc nợ. Mà rõ ràng tiền làm đám cưới đều do hai bên bố mẹ bỏ ra, không bắt hai đứa đóng góp gì cả, vậy là anh nói dối họ về việc vay tiền. Chồng tôi lúng túng xin lỗi, thú nhận thực ra lúc đó là vay chỗ này để trả chỗ khác thôi.
“Còn trước đó anh vay làm gì?”, tôi hỏi tiếp. Anh ngập ngừng nói là để chi tiêu cá nhân. Anh nói thêm, anh không dám nói vì sợ em không chịu cưới. Tôi thấy giận chồng quá mức. Còn cố hỏi một câu, rằng bây giờ anh định trả người ta thế nào, thì anh bảo anh chưa nghĩ ra. Chắc phải để dành rồi trả dần dần
Tôi chẳng nói được gì nữa. Đâu phải anh không biết về thu nhập của hai vợ chồng. Cả hai mỗi tháng được hơn chục triệu đồng, tôi lại đang có bầu, rồi làm sao dành dụm trả nợ được? Tôi có cảm giác đúng là mình bị lừa. Đêm nằm uất không ngủ được.
Tôi thấy ân hận vì mình đã quá tin vào anh. Anh có thể giấu được việc này thì cũng có thể giấu được việc khác, tôi không còn chút lòng tin nào với chồng nữa. Rồi thì gia đình nhỏ này sẽ tiếp tục duy trì thế nào với một thành viên phải nói là vô trách nhiệm như thế? Nhưng chả nhẽ mới cưới vài tháng đã đưa nhau ra tòa? Tôi nằm khóc cả đêm không tìm được hướng thoát. Xin chuyên gia cho tôi một lời khuyên?
CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Chuyên gia tư vấn Tâm lý Trịnh Trung Hòa |
Tôi rất cảm thông với nỗi lo và buồn của bạn trước khoản nợ mà chồng “sang tên” cho bạn. May mà khoản nợ không lớn lắm so với nhiều trường hợp nợ hàng tỷ mà tôi biết trong quá trình tư vấn. Cho nên bạn đừng quá tức giận dùng những lời lẽ quá nặng nề dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên cũng phải giải quyết thế nào để anh ta biết sợ không dám làm thế nữa.
Trước hết bạn cần có cuộc nói chuyện từ tốn với chồng để tìm ra cách nào êm thấm nhất. Giải pháp của anh ta là trả dần mỗi tháng một ít, vậy phải cụ thể ra mỗi tháng bao nhiêu? Bao lâu thì hết nợ? Chủ nợ có chấp nhận điều đó không?
Nếu không thì phải có phương án khác. Thí dụ mỗi tháng dành tiền bố mẹ chồng cho để trả nợ dần. Hoặc nói thật hết với bố mẹ chồng để ông bà hỗ trợ thêm. Theo tôi nghĩ chắc ông bà cũng không lạ gì chuyện này vì không ai hiểu con bằng cha mẹ. Khi ông bà cho tiền thuê nhà để vợ chồng con ra ở riêng là có thể ông bà đã biết con trai chỉ ăn bám vào cha mẹ nên phải tách ra cho tự lập.
Câu chuyện của bạn cũng là bài học đắt giá cho những ai yêu đương tìm hiểu không đi sâu vào cuộc sống thực tế. Có triết gia từng nói rằng, vợ chồng bàn chuyện tương lai mà không bàn đến tiền bạc thì chẳng khác gì nói đùa.