10 năm trước, tôi ly hôn. Lý do vì chồng tôi ngoại tình. Nhưng điều khiến tôi đau hơn là câu anh ta nói khi đề nghị ly hôn:
- Em không xứng với gia thế nhà anh.
Tôi vẫn nhớ như in, ngay từ khi mới cưới, bố chồng đã luôn khinh thường tôi ra mặt. Có lần tôi nấu cháo, ông thẳng tay đổ cả nồi vào thùng rác, rồi lạnh lùng buông một câu:
- Đúng là dân quê chưa bao giờ thấy cái gì tốt, có mỗi việc nấu cháo thôi cũng không xong.
Nực cười thay, nhà chồng tôi khi đó chỉ là đại gia mới nổi trong ngành bất động sản. Thế nhưng trong mắt họ, tôi mãi chỉ là đứa nhà quê không xứng bước chân vào nhà họ.
Sau ly hôn, tôi giành quyền nuôi con. Khi đó, con trai tôi mới 5 tuổi. Và đến giờ đã 10 năm trôi qua rồi, tôi vẫn chưa tái hôn, cũng chẳng có người yêu.
Sau ly hôn, tôi giành quyền nuôi con trai. (Ảnh minh họa)
Suốt nhiều năm qua, tôi coi con là cả thế giới, là ánh sáng duy nhất trong những ngày tháng u tối, là động lực để cố gắng. Còn chồng cũ, anh ta chỉ gửi tiền trợ cấp đúng hạn, ngoài ra chẳng mấy khi đoái hoài.
Tôi nhớ mãi mùa đông năm con trai học lớp 6, nó bị gãy chân trong giờ thể dục. Nửa đêm, con sốt cao, tôi gọi cho chồng cũ, gọi đến 17 cuộc nhưng anh không một lần bắt máy.
Tệ hơn là phản ứng của bố chồng cũ. Khi biết chuyện, ông không tới thăm cháu mà chỉ viết lên mạng xã hội: "Đó là cái giá phải trả khi không nghe lời tôi. Đáng đời".
Đêm đó, tôi ngồi gục ở hành lang bệnh viện, khóc như mưa. Và cũng chính lúc ấy, tôi thề với lòng mình rằng tôi sẽ không để con phải gánh thêm bất kỳ vết thương nào từ gia đình đó nữa.
Tối qua, chồng cũ bất ngờ gọi điện. Anh báo tin bố anh mất, rồi khẩn khoản:
- Anh biết em hận anh, nhưng bố anh dù sao cũng là ông nội của thằng bé. Em cho con đến viếng ông, coi như tròn chữ hiếu.
Tôi khẽ bật cười, bất giác thốt ra 3 từ:
- Chữ hiếu ư?
Thấy anh im lặng, tôi nói tiếp:
- Anh còn nhớ những năm con gọi điện chúc Tết ông bà nội mà không ai buồn nghe máy không? Anh có nhớ khi con đỗ vào lớp chọn, nó nhắn tin khoe với ông, và chỉ nhận lại đúng một chữ 'ừ'. Bao năm nay, mỗi lần con thấy bạn được ông nội đón về, nó chỉ cúi đầu im lặng. Anh có biết tôi đau đến mức nào không? Giờ bố anh mất, anh mới nhớ ra mối quan hệ huyết thống này sao?
Tối qua, chồng cũ bất ngờ gọi điện, báo tin bố anh mất. (Ảnh minh họa)
Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu. Rồi anh khẽ nói:
- Anh xin lỗi. Anh biết anh và bố mẹ anh đã sai. Nhưng… bố anh đi rồi, em không thể tha thứ sao?
Tôi hít một hơi thật sâu:
- Tôi không phải là người máu lạnh. Tôi chỉ đang bảo vệ con trai mình thôi. Bao nhiêu năm qua, tôi một mình nuôi nó lớn lên. Tôi thà bị người đời nói mình tàn nhẫn, còn hơn để con mình chịu thêm một lần tổn thương nữa.
Sau khi cúp máy, con trai tôi bước ra, khẽ nói:
- Mẹ ơi, con nghe hết rồi. Mẹ đừng buồn. Con nghĩ mẹ đlàm đúng, con sẽ nghe theo mẹ.
Tôi ôm con vào lòng, nước mắt rưng rưng. Từng ấy năm, hai mẹ con nương tựa vào nhau, vậy mà con chưa một lần than phiền, cũng chưa từng nhắc về bố.
Đêm đó, chồng cũ nhắn một tin ngắn:
- Huyền à, anh xin lỗi. Anh nợ em và con trai quá nhiều.
Tôi nhìn màn hình điện thoại nhưng không trả lời. Có những tổn thương không thể xoa dịu chỉ bằng hai từ xin lỗi. Nhưng tôi hiểu, tha thứ không phải vì người khác, mà là để buông bỏ cho chính mình và cho con.
Sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau, tôi đưa con trai đến viếng bố chồng cũ. Trước bàn thờ người đã khuất, tôi chỉ nói nhẹ nhàng:
- Con thắp cho ông một nén nhang, để lòng mình thanh thản.
Con cúi đầu, không giận, không trách, chỉ có sự bình thản của một đứa trẻ đã lớn lên trong tình yêu thương, dù không đủ đầy từ cả hai phía. Tôi nhìn con, lòng nhẹ đi đôi chút. Có lẽ dạy con trưởng thành, cũng là dạy con biết tha thứ. Không phải để quên, mà để sống tiếp với lòng thanh thản hơn.