Sau khi cưới, hai vợ chồng tôi ổn định cuộc sống trên thành phố, còn bố mẹ chồng thì ở quê. Thi thoảng khi rảnh rỗi hoặc ở quê có việc thì hai vợ chồng mới về thăm ông bà.
Nói về cuộc sống của hai vợ chồng, chồng tôi đi làm văn phòng, tôi ở nhà kinh doanh online. Không phải khoe chứ thu nhập của tôi còn cao hơn cả chồng. Cũng nhờ đó mà hai đứa mới mua được nhà, sắm được xe, chứ dựa vào đồng lương đi làm thuê, không biết phải đến ngày tháng năm nào.
Vì công việc kinh doanh bận rộn nên tôi phải thuê giúp việc để chăm con và làm việc nhà. Nhưng không vì lẽ đó mà tôi bỏ bê chồng con, không biết nấu nướng. Thi thoảng tôi vẫn vào bếp trổ tài, dành thời gian chơi với con.
Hôm vừa rồi giỗ ông nội chồng, con cháu tập trung đông đủ ở nhà bà để chuẩn bị công việc hậu cần từ rất sớm. Vợ chồng tôi cũng sắp xếp công việc để về quê.
Vì giỗ ông nội chồng nên vợ chồng tôi sắp xếp công việc về quê từ sớm để lo cỗ bàn. (Ảnh minh họa)
Giỗ ông là công việc chung, ấy vậy mà các cô các bác lại đùn đẩy hết cho dâu trưởng, tức mẹ chồng tôi. Vậy là 6 mâm cỗ, hầu hết đều do tôi và mẹ chồng làm, còn các bác các cô có người mãi tới giờ ăn mới sang, có người tới sớm hơn cũng chỉ ngồi le ve nhặt cọng rau, củ hành là thôi.
Đến khi bưng mâm cơm lên, mọi người còn bình phẩm nọ kia, chê món này nấu nhiều quá lãng phí, chê món này trình bày không đẹp mắt… Khó chịu lắm nhưng phận con cháu nên tôi cũng đành im cho qua chuyện.
Bình phẩm cỗ bàn chán chê, một bác gái lại lôi chuyện nhà tôi ra nói:
- Trong số con cháu, vợ chồng cái Nhung là khá nhất. Nó nhanh nhẹn, tháo vát, nghe bảo bán hàng chạy lắm đấy. Mà tất cả cũng nhờ anh chị họ hàng bên nội mua hàng cho mới giàu được như vậy ấy chứ. Nghe nói nhà cháu dâu còn thuê cả người giúp việc, không biết có người giúp việc rồi thì giờ có biết rửa bát, có rửa được mấy mâm cỗ không nhỉ?
Tôi tức anh ách, không hiểu sao lại có người kém duyên đến thế nữa. Đúng là mấy chị họ bên nội thi thoảng có mua hàng cho tôi. Nhưng tính tôi cả nể, khi ai bên họ hàng nhà nội nhờ mua tôi đều lấy giá gốc chứ không tính lãi, coi như không có của cho thì mình mua dùm anh chị, chứ người trong nhà không tính toán làm gì.
Mỗi năm họ cũng chỉ mua vài lần, mỗi đơn 400 – 500 nghìn đồng thì giàu nỗi gì. Thế mà giờ lại mang tiếng nhờ anh chị mới giàu, nghe có nực cười không cơ chứ? Đã vậy còn nói giọng khích bác để chút nữa tôi rửa bát, chẳng nhẽ tôi cùng mẹ chồng làm 6 mâm cỗ còn chưa đủ hay sao?
Nghe bác gái móc mỉa, tôi tức lắm nhưng vì muốn đẹp mặt chồng và bố mẹ chồng nên giữ im lặng. (Ảnh minh họa)
Bức xúc như thế nhưng vì muốn đẹp mặt chồng và bố mẹ chồng nên tôi cố nhịn trong lòng mà không nói ra. Đúng lúc này, mẹ chồng tôi có lẽ cũng không giữ được bình tĩnh nữa mà lên tiếng:
- Bao năm qua mình tôi âm thầm làm nên các bác, các thím cứ quen thói đi. Bây giờ đã lên chức bà hết rồi thì cũng chịu khó làm đi. Cứ soi xét, dúi hết việc vào tay dâu con thì ai dám ở với mấy bà nữa. Hơn chục mâm cỗ nay mẹ con tôi nấu rồi, phần dọn nhường các bà, chứ rảnh quá lại lôi nhau ra bình phẩm, nói mát mẻ mà ảnh hưởng tình cảm gia đình.
Còn chuyện con dâu tôi kinh doanh, tiện đây tôi cũng nói luôn. Nó làm ăn khấm khá, mua được nhà to xe xịn là do chúng nó làm ngày làm đêm, chịu thương chịu khó mới được như vậy. Chứ ngồi mà trông chờ vào vài đơn hàng họ hàng mua thì cháo cũng không có mà húp.
Nghe mẹ chồng tôi nói xong, ai nấy im re. Mọi người ngại quá nên sau đó đánh trống lảng sang chuyện khác để thay đổi không khí bữa cơm.
Ăn xong, mẹ tôi ra bàn ăn hoa quả, tỏ rõ thái độ nhường phần dọn dẹp lại cho mọi người. Tôi cũng muốn lên ngồi cùng mẹ, nhưng giữ chút thể diện cho các cô các bác nên vẫn xúm vào dọn dẹp cùng. Có lẽ vì ngại nên bác gái lúc nãy mỉa mai tôi đã lên tiếng bảo tôi cứ nghỉ ngơi, để mọi người làm.
Bác đã có lời, tôi chẳng giữ kẽ nữa mà lên ngồi cạnh mẹ chồng ăn hoa quả luôn. Hai mẹ con nhìn nhau cười, tôi rất biết ơn mẹ vì đã bênh vực con dâu.