Mới đây, một người dùng mạng Weibo (Trung Quốc) đã đăng tải một đoạn video ghi lại cách dạy con đặc biệt của một ông bố cửu vạn. Nhiều người xem xong không khỏi xúc động rơi nước mắt.
Kèm theo đoạn video, người này cho hay: "Trẻ con ham chơi có lúc không chú ý học hành, người bố này bình thường rất yêu quý con trai. Khi con kiểm tra bị điểm kém, ông không đánh, không mắng, chỉ nói con chờ mình làm xong việc. Cứ như vậy, người bố để con trai nhận rõ được thực tế, cha mẹ đã vì con cái mà hy sinh những gì, để cậu bé biết mà phấn đấu".
Theo thông tin được chia sẻ, sự việc xảy ra ở Tuyền Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc). Cậu bé trong đoạn video đang theo học tại một trường tiểu học ở địa phương. Hôm đó, cậu bé mang bài kiểm tra được 47 điểm (thang điểm 100) tới nhà kho nơi người bố đang làm việc, muốn bố ký tên để nộp lại cho giáo viên.
Nhìn vào bài kiểm tra điểm kém của con, người bố thoáng qua chút sững sờ, sau đó nhẹ nhàng nói: “Con đứng chờ, bố phải bốc xong xe hàng này đã”.
Vừa dứt lời, ông bố nhanh chóng quay lại với công việc đang làm, liên tục lặp đi lặp lại động tác chuyển hàng, xếp từng bao hàng nặng lên vai, chuyển ra xe tải và buộc lại. Đứng nhìn bố làm việc nặng nhọc và vất vả nhưng không kêu than một lời suốt 30 phút, cậu bé mắt ngấn lệ, cả người run rẩy khiến tờ giấy kiểm tra và chiếc bút trên tay cũng run theo.
Ông bố cửu vạn không hề nặng lời mắng mỏ khi thấy con bị điểm kém, chỉ lặng lẽ làm việc nhưng hành động đó đã đủ để cậu con trai học được một bài học lớn.
Ngay sau khi được chia sẻ, đoạn video đã thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng, phần lớn mọi người đều nhận xét cách dạy con của ông bố cửu vạn này rất tốt, cậu con trai nhất định hiểu được những điều mà bố muốn nói.
Trong khi ông bố cửu vạn nói trên nhận được “cơn mưa” lời khen, một bà mẹ ở Trung Quốc lại bị phê bình ngay tại chỗ vì có cách nuôi dạy con sai lầm khi nhờ cảnh sát “dọa dẫm” con trai.
Cụ thể, cách đây mấy ngày, anh Từ - chủ một siêu thị ở khu dân cư số 28 khu Bàn Long Thành, quận Hoàng Pha, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) phát hiện một bé trai quàng khăn đỏ đứng một mình bên vệ đường.
Thời gian tới trường đã qua nhưng cậu bé vẫn không rời đi. Lo cậu bé gặp chuyện không may, anh đã dắt cậu sang siêu thị của mình, cho cậu bé ăn sáng, đồng thời hỏi tên, tuổi rồi báo cảnh sát.
Cảnh sát nhận được tin báo đã nhanh chóng có mặt tại siêu thị của anh Từ. Họ cố gắng nói chuyện với cậu bé để tìm hiểu thông tin nhưng cậu bé một mực không chịu nói về bố mẹ, trường học. Khi cảnh sát hỏi lý do không đi học, cậu bé cũng chỉ im lặng lắc đầu.
Cảnh sát cuối cùng đành phải đưa cậu bé lên xe, vừa tiếp tục hỏi chuyện vừa thông qua tên tuổi của cậu để tìm người thân. Không lâu sau đó, cảnh sát đã liên lạc được với anh Diêu là cha của cậu bé. Tuy nhiên, anh Diêu bận việc nên mẹ của cậu bé đã thay chồng tới đón con về.
Theo lời kể của người mẹ, cậu bé trước đó từng bỏ nhà đi mấy lần. Cậu bé nhờ rõ thông tin gia đình nhưng không chịu nói, nguyên nhân là vì không muốn về nhà, cũng không muốn bố mẹ biết cậu bỏ học.
"Thằng bé đã từng bỏ đi thế này mấy lần. Sáng nay nó bỏ đi vì cãi nhau với bố chuyện đi học. Chúng tôi cũng tìm kiếm cả nửa ngày rồi", người mẹ cho hay.
Nhân có mặt cảnh sát ở đó, người mẹ muốn nhờ họ “dọa dẫm” cậu bé một chút, tránh việc cậu lại tiếp tục bỏ nhà đi. Vừa nghe lời đề nghị của người mẹ, cảnh sát lập tức từ chối, đồng thời phê bình chị ngay tại chỗ.
Một nhân viên cảnh sát nói: "Con cái phần lớn chịu ảnh hưởng bởi cha mẹ. Cha mẹ nên hướng con cái biết phân biệt đúng sai, phân biệt nguy hiểm, khoan dung và nghiêm khắc phải đi đôi với nhau".
Cảnh sát cũng khuyên người mẹ cần quan tâm hơn tới việc quản lý và giáo dục con cái, không nên tạo ra trong con hình ảnh cảnh sát "đáng sợ", "ghê gớm", phòng trường hợp trẻ không dám kêu cứu cảnh sát khi thực sự gặp chuyện bất trắc.
Người mẹ nghe những lời cảnh sát nói thì vô cùng ngượng nghịu và xấu hổ, hứa sẽ cố gắng thay đổi phương cách giáo dục con cái. Chị cũng không quên gửi lời cảm ơn đến anh Từ và cảnh sát vì đã giúp đỡ.