Tôi là con một trong gia đình. Bố tôi mất trong một vụ tai nạn giao thông khi tôi mới 6 tuổi. Sau này, nghe mọi người kể lại, thời điểm ấy, mẹ tôi đã rất sốc, bà mất vài tháng mới chấp nhận được sự thật là chồng đã ra đi mãi mãi.
Suốt bao nhiêu năm qua, có rất nhiều người đàn ông đến đặt vấn đề với mẹ nhưng bà đều gạt đi không đồng ý. Bà sợ nếu bà đi bước nữa, tôi sẽ bị thiệt thòi. Vì vậy, bà quyết định ở vậy nuôi tôi ăn học đến khi trưởng thành.
Ảnh minh họa
27 tuổi, tôi quen và yêu chồng hiện tại. Anh là người ngoại thành Hà Nội, gia đình có truyền thống kinh doanh, cũng có tiếng khá giả trong vùng.
Lúc tôi đưa anh về ra mắt, mẹ tôi tỏ ra khá ưng người con rể tương lai này. Mới gặp lần đầu nhưng tôi thấy bà rất vui. Bà nói, bà mừng khi thấy tôi tìm được một người đàn ông tốt để gửi gắm cả đời.
Sau này, khi chúng tôi kết hôn, mua nhà, sinh con và sinh sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng, vợ chồng tôi có cho các con về thăm bà. Lúc nào bận quá không về được, mẹ tôi sẽ bắt xe từ quê lên thăm chúng tôi.
Mỗi lần mẹ vợ lên chơi, chồng tôi đều rất ân cần, chu đáo. Anh luôn mời mẹ ở lại chơi thêm. Rồi anh cũng là người chủ động lái xe đưa đón mẹ ra bến xe, thậm chí còn chuẩn bị quà gửi về quê cho anh em họ hàng. Những lúc như vậy, tôi thấy rất ấm lòng, cảm thấy mình đã chọn cho mẹ một người con rể tốt.
Có lần, tôi thủ thỉ với chồng chuyện đón mẹ từ quê lên ở hẳn cùng chúng tôi nhưng anh chỉ cười. Anh nói chắc gì mẹ đã thích cuộc sống nơi thành phố. Cứ để bà ở quê cho yên bình, thoải mái, có xóm giềng kề bên.
Bẵng đi một thời gian, tôi cũng không nhắc lại chuyện đó nữa. Nhưng cách đây hơn một năm, mẹ tôi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng hay quên, không nhớ cả những chuyện vừa mới xảy ra.
Lo cho sức khỏe của mẹ, tôi đã đón bà đưa đi khám thì được thông báo bà mắc bệnh Alzheimer của người già, rất nguy hiểm khi ở một mình.
Sau khi biết bệnh tình của mẹ, tôi nói lại với chồng chuyện đón mẹ lên ở cùng để tiện bề chăm sóc. Tuy nhiên, anh không đưa ra câu trả lời đồng ý hay không mà trì hoãn nói cứ để theo dõi bệnh tình của mẹ xem thế nào. Anh sẽ nhận việc đưa bà đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Còn chuyện lên ở cùng thì tính sau. Khi ấy, sức khỏe của mẹ tôi vẫn ổn nên tôi không cố thuyết phục chồng.
Nhưng càng ngày bệnh tình của mẹ tôi càng có chiều hướng trầm trọng hơn. Anh em họ hàng ở quê liên tục gọi điện thúc giục tôi chuyện đón mẹ lên thành phố để tiện điều trị. Mọi người sợ bà ở một mình sẽ sinh ra chuyện không hay.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ là lần này chồng tôi một mực từ chối việc đón mẹ vợ lên sống chung để điều trị bệnh cũng như phụng dưỡng bà đến cuối đời. Anh nói, anh không phải là đứa con bất hiếu, không muốn phụng dưỡng mẹ vợ. Bằng chứng là thời gian qua, anh luôn hết lòng ân cần, chu đáo với mẹ.
Song để sống chung với một người bệnh tật, lúc nhớ lúc quên, làm đảo lộn cuộc sống của gia đình mình thì anh không muốn. Hơn nữa, chồng tôi còn cho rằng, hai con tôi đều đang ở độ tuổi dậy thì, tâm lý có nhiều thay đổi, chúng sẽ rất khó chịu nếu bà ngoại bệnh tật sống cùng.
Vì vậy, chồng tôi đưa ra hai phương án, một là để mẹ ở quê và thuê một người giúp việc về chăm sóc. Hai là đưa mẹ tôi vào viện dưỡng lão ở trên thành phố. Tất cả chi phí anh sẽ lo.
Sau khi nghe chồng nói vậy, tôi khá khó nghĩ. Tôi muốn sống cùng mẹ để có tình cảm người thân, để bà đỡ cô đơn những lúc ốm đau bệnh tật. Nhưng chồng tôi lại không muốn như vậy. Anh muốn dùng tiền để giải quyết vấn đề.
Giờ tôi nên cương quyết đón mẹ lên sống chung hay làm theo một trong hai phương án chồng đưa ra. Xin mọi người cho tôi lời khuyên.