Người phụ nữ kết hôn 6 lần trong 10 năm
Năm 26 tuổi, chị Phương nghỉ việc và kết hôn với người chồng đầu tiên dưới sự giới thiệu của bà mối. Nhưng chị không ngờ rằng chưa đầy một năm sau cưới, chồng đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.
Lúc đó chị Phương vẫn còn trẻ, nên qua lời bà mối, chị lại đi thêm bước nữa. Nào ngờ, không lâu sau đó, người chồng thứ 2 lại qua đời.
Tiếp theo, chị Phương lấy thêm 3 người chồng, nhưng 1 người mất trong một vụ tai nạn, hai người kia thì tự đề nghị ly hôn. Tuy nhiên sau khi ly hôn, hai người chồng cũ này của chị Phương cũng lần lượt qua đời, một người vì tai nạn xe hơi, người kia bị ung thư.
5 cuộc hôn nhân đầu tiên của chị Phương đều kết thúc trong thất bại, chị sinh được tổng cộng 4 người con. Quyền nuôi dưỡng 4 đứa con này không thuộc về chị Phương và chị phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng.
Chị Phương đã kết hôn 6 lần trong 10 năm.
Khi ly hôn với người chồng thứ 5, chị Phương đã ngoài 30 tuổi. Đối với chị Phương, việc phải chu cấp cho 4 đứa con là một vấn đề lớn.
Để gánh vác trách nhiệm của một người mẹ, chị đã rời quê hương đến Quảng Đông làm việc. Sau khi định cư ở Quảng Đông, chị tìm được một công việc ổn định tại nhà máy, số tiền kiếm được chị chia đều thành 5 phần, trong đó 4 phần gửi cho 4 đứa con, 1 phần để bản thân trang trải các chi phí sinh hoạt.
Ngoài công việc thường ngày, chị còn tìm được một công việc bán thời gian. Nhưng không ngờ số phận lại trêu đùa chị Phương, chị đã kết hôn lần thứ 6 với một người đàn ông họ Trần.
Anh Trần có 1 em trai và 1 em gái. Vì gia đình nghèo nên anh phải chịu nhiều khó khăn để giúp bố mẹ nuôi dạy các em. Cũng vì thế mà 50 tuổi anh mới kết hôn.
Được biết, cả hai gặp nhau qua mai mối, khi đó chị Phương 35 tuổi. Khi gặp anh Trần, chị chợt phát hiện ra mình vẫn còn khao khát tình yêu. Dù 5 người chồng trước đây đã qua đời nhưng chị biết rằng đây hoàn toàn chỉ là một tai nạn. Anh Trần cũng vừa gặp đã yêu chị Phương.
Chị kết hôn với người chồng thứ 6.
Cặp đôi sống trong nhà thuê, cùng nhau đi làm. Không lâu sau, cả hai tiết kiệm được một khoản tiền. Khi mối quan hệ giữa hai người thân thiết hơn, anh Trần muốn có một đứa con với chị Phương càng sớm càng tốt trước khi về già.
Không lâu sau, chị Phương quả thực đã mang thai đứa con của anh Trần. Khi chị Phương mang thai được 6 tháng, hai người tổ chức đám cưới và chính thức trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, đây chính là lúc bất hạnh bắt đầu.
Bi kịch tái diễn khi người chồng thứ 6 qua đời vì tai nạn
Không lâu sau khi kết hôn, chị Phương sinh cho anh Trần một cô con gái. Anh rất vui mừng và càng cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để cho con cuộc sống tốt hơn.
Anh từng làm việc ở một nhà máy sản xuất ván, tuy ổn định nhưng lương không cao. Vì thế anh đã chuyển sang làm việc khác, tuy mệt nhưng lương lại tốt hơn.
Thế nhưng, sau khi nhảy việc không lâu, anh đã vô tình bị thương khi làm việc và phải nằm viện hơn 1 tháng. Khi xuất viện, bác sĩ cho biết mặc dù bệnh của anh đã khỏi nhưng kể từ bây giờ anh sẽ không thể làm việc nặng được nữa.
Gia đình anh Trần không còn cách nào khác là phải rời Quảng Đông để về quê. Sau khi về quê, anh Trần mua một chiếc xe máy và kiếm tiền bằng nghề xe ôm.
Điều này khiến chị Phương rất lo lắng, bởi trước đó một người chồng cũ của chị cũng vì đi xe máy và tai nạn. Do đó, chị Phương khuyên chồng không nên đi xe máy. Biết vợ lo lắng điều gì, anh Trần an ủi vợ: “Em không phải lo đâu. Đừng có sợ. Bi kịch không thể xảy ra liên tục được”. Dưới sự động viên của chồng, chị Phương đã đồng ý cho chồng làm nghề xe ôm.
Tuy nhiên, biến cố lại ập đến. Khi con gái chưa đầy 1 tuổi, anh Trần đang đi xe máy thì xảy ra va chạm với ô tô ở ngã tư. May mắn thay, anh vẫn sống sót và được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Lần này, anh Trần phải nằm viện hơn 8 tháng. Trong thời gian này, anh đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và phải truyền dịch, dùng thuốc và điều trị bằng thiết bị y tế hàng ngày.
Người lái xe gây ra vụ tai nạn đã phải bồi thường 660.000 tệ (khoảng 2,3 tỷ đồng) và gần như toàn bộ số tiền này được dùng để chi trả chi phí y tế cho anh Trần. Chỉ cần anh Trần tiếp tục điều trị thì một ngày nào đó ông sẽ khỏi bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, số phận lại một lần nữa trêu đùa chị Phương. Vào tháng 9, bệnh tình của anh Trần đột ngột chuyển biến xấu và qua đời chỉ sau đó vài ngày.
Khi ấy, chị Phương 36 tuổi và con gái mới hơn 1 tuổi.
Cuộc chiến giành quyền nuôi con với nhà chồng
Trong 9 tháng nằm viện, anh Trần đã chi hơn 200.000 tệ (gần 700 triệu) để thực hiện một số ca phẫu thuật. Ngoài ra còn có tiền tiêm thuốc hàng ngày, thuốc men và các chi phí khác, nên cuối cùng số tiền bồi thường của anh Trần chỉ còn lại 40.000 tệ (gần 140 triệu đồng).
Em trai và em gái của anh Trần đề nghị quyền nuôi cháu gái thuộc về gia đình họ, vì họ có khả năng chăm sóc cháu gái chu đáo hơn. Và nếu như vậy thì tiền bồi thường còn lại sẽ thuộc về gia đình họ để nuôi cháu gái.
Tuy nhiên, chị Phương không đồng ý, chị muốn giành quyền nuôi con gái. “Tôi đã 36 tuổi rồi, sau này không thể kết hôn nữa. Con gái đã trở thành chỗ dựa duy nhất của tôi. Tôi là mẹ nó, đã là mẹ thì phải ở bên con gái”, chị Phương quả quyết nói.
Nhà anh Trần không chịu nhượng bộ: “Cô đã hại 6 người chồng, sao còn dám nuôi con gái?”. Và cũng từ đây, hai chữ “sát phu” đã được gán cho chị Phương.
Cuối cùng, chị Phương đã đưa gia đình anh Trần ra tòa để đòi lại quyền nuôi con cùng số tiền bồi thường của chồng. Sau khi biết bị kiện, gia đình anh Trần đã chọn cách hòa giải.
Gia đình anh Trần không muốn chị Phương nuôi con gái.
Quá trình hòa giải không mấy suôn sẻ, bởi lúc này gia đình anh Trần không chỉ lo lắng ai sẽ là người nhận tiền bồi thường mà thậm chí họ còn cảm thấy nếu giao đứa trẻ cho chị Phương, đứa trẻ cũng có thể sẽ gặp sự cố ngoài ý muốn. Hơn nữa, chị Phương không thể nuôi sống bản thân thì sao chị có thể nuôi con.
Về chuyện này, chị Phương đã lập ra những kế hoạch mới cho cuộc sống của mình trong tương lai và bà sẽ tiếp tục ra ngoài kiếm tiền, nhất định phải dốc hết sức để nuôi con thật tốt. Con gái thì mẹ chăm sóc là tốt nhất.
Cuối cùng, hai bên đã nhượng bộ, gia đình anh Trần trả con và toàn bộ số tiền bồi thường còn lại cho chị Phương. Tuy nhiên, chị Phương chỉ nhận con, còn tiền đưa cho bố mẹ anh Trần để dưỡng già.
Dẫu vậy, nhà anh Trần cũng là những người thấu tình đạt lý. Họ không nhận số tiền đó mà chuyển vào ủy ban thôn, nhờ họ gửi hàng tháng để chu cấp cho con gái chị Phương. Hành động này của nhà chồng khiến chị Phương vô cùng cảm kích.
Sau đó, chị Phương đưa con gái tới Quảng Đông kiếm việc làm. Nói về những gì mình đã trải qua trong 10 năm qua, chị Phương nghẹn ngào: “Tôi biết chăm sóc chồng, nuôi dạy con cái tốt, cảm thấy bản thân cũng rất hiếu thảo với bố mẹ chồng. Tôi cũng đi làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vì thế tôi cảm thấy bản thân là một người vợ, người mẹ đảm đang. Không ngờ rằng những người chồng trước của tôi lại gặp tai nạn khiến tôi phải hứng chịu rất nhiều tin đồn.
Trong tương lai, tôi sẽ không bao giờ kết hôn nữa, tôi sẽ tập trung kiếm tiền và nuôi con gái. Vì tương lai của con gái, khổ cực đến mấy tôi cũng chịu được. Thật may con gái tôi là một đứa trẻ hiểu chuyện, ngoan ngoãn, hiểu được những khó khăn của mẹ. 4 đứa con tôi sinh với chồng cũ hiện vẫn giữ liên lạc với mẹ. Chúng cũng rất quan tâm đến tôi”.