Khi bước chân vào hôn nhân, ai cũng hẹn thề và mong đợi có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, hai vợ chồng sẽ nắm tay nhau tới già, nhưng có phải đôi nào cũng giữ được lời thề hẹn đó đâu. Không ít cặp đôi đã “đứt gánh giữa đường”, có đôi chia tay trong văn minh lịch sự nhưng có đôi lại như trở thành kẻ thù của nhau.
Tiểu Trương (sống ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết, thời mới cưới, mối quan hệ giữa cô và chồng rất tốt. Vì yêu nhau say đắm nên khi cưới cô cũng không đòi chồng một xu sính lễ. Nhưng có lẽ vì điều này mà anh ta không trân trọng cuộc hôn nhân của mình.
Sau khi có con, trong gia đình bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Chồng cô không quan tâm đến gia đình nữa và hai người thường xuyên cãu nhau vì những chuyện vụn vặt.
Giữa vợ chồng có mâu thuẫn, giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng có mâu thuẫn. Điều quan trọng là người chồng không đứng về phía vợ, không có chính kiến cũng như khả năng phân biệt đúng sai. Thời gian trôi qua, cuộc hôn nhân của họ cứ như thế mà đặt dấu chấm hết.
Tiểu Trương và chồng có với nhau một cậu con trai.
Sau khi ly hôn, vì không có khả năng nuôi con nên Tiểu Trương không thể tranh giành quyền nuôi con. Cô nghĩ rằng đợi sau khi kiếm được tiền sẽ quay lại đón con, nhưng điều cô không ngờ là con đã bị dạy những điều xấu khi ở với bố.
Mới đây, Tiểu Trương lén về nhà thăm con trai.
Sau nhiều lần gợi nhắc, cuối cùng đứa bé cũng nhận ra Tiểu Trương là mẹ mình. Lúc này, đứa bé nắm lấy tay cô, chỉ vào phía góc tường rồi nói: “Mẹ đi qua đó đi, đừng để bà nội nhìn thấy. Bà nội sẽ không cho con gặp mẹ đâu”.
Đau khổ tột cùng, Tiểu Trương đành nghe theo con tiến tới góc tường để nói chuyện với con. Cô kiễn nhân nói với con trai: “Mẹ nói con nghe, con đừng nghe lời bà và bố nói. Không phải mẹ không cần con. Là mẹ phải đi làm kiếm tiền mua đồ ăn và gửi về cho con đi học. Vậy mẹ hỏi con nhé, con có tin lời bà nội không?”.
Đứa trẻ lắc đầu tỏ ý không tin. Cô cũng kiên nhẫn nói với con rằng, con là người quan trọng nhất trên đời với cô, sẽ luôn yêu thương thằng bé.
Mới đây Tiểu Trương đã phải lén lút đến gặp con trai ở chân tường.
Nhìn thấy thái độ của con trai, người phụ nữ vô cùng hài lòng. Bởi cô biết, con trai đã lớn và có khả năng tự đưa ra phán đoán, không còn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của bố và bà nội.
Khi biết chuyện này, cư dân mạng rất bức xúc. Bố mẹ ly hôn, con cái là nạn nhân lớn nhất, tại sao lại có thể gieo rắc những suy nghĩ xấu xa về mẹ vào đầu một đứa trẻ? Một cuộc hôn nhân thất bại không bao giờ là vấn đề của một người mà có nhiều bên hùn vốn.
Có được cấm nửa kia gặp con sau ly hôn không?
Sau ly hôn, vì nhiều lý do khác nhau mà người vợ/người chồng không muốn cho nửa kia gặp con. Có thể là vì thù hận nửa kia nên mới khiến họ phải đau khổ khi chịu cảnh không được gặp gỡ, nhận lại con cái. Có thể là vì sợ mất con, nửa kia gieo rắc những ý xấu vào đầu con,…
Tuy nhiên sau khi ly hôn, bố mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Nếu một bên cấm cản việc thăm nom con cái thì đó là vi phạm pháp luật.
Chỉ khi bố, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Hôn nhân tan vỡ là điều vô cùng đáng tiếc. Nhưng một khi đã có con chung, sau khi ly hôn hai vợ chồng nên chia tay nhau trong văn minh, lịch sự, đừng ngăn cấm quyền thăm nom con cái, cũng đừng nói xấu bố/mẹ chúng trước mặt chúng. Đứa trẻ vốn đã bất hạnh rồi, việc gieo ấn tượng xấu này vào tâm trí nó sẽ chỉ càng làm tổn hại đứa trẻ sâu sắc thôi.