Trong gia đình, trách nhiệm của đàn ông và phụ nữ đều như nhau, ai cũng cần phải có ý thức vun đắp thì hôn nhân mới bền chặt được. Tuy nhiên dù sống ở thời hiện đại nhưng một số người phụ nữ vẫn mang tư tưởng đã lấy chồng thì chồng phải nuôi mình, phải chăm sóc cho mình.
Vợ chồng anh Trần (sống ở Trung Quốc) đã lấy nhau nhiều năm, nhưng vì nhà nghèo nên họ vẫn phải sống trong căn nhà thuê lụp xụp. Tuy nhiên, dù điều kinh tế khó khăn là vậy nhưng vợ anh Trần lại không chịu đi làm.
Chị luôn nghĩ rằng kiếm tiền là việc của đàn ông, vợ chỉ cần sinh con và làm nội trợ là được. Nhưng trên thực tế, chị cũng chẳng phải làmột bà nội trợ giỏi. Chị ở nhà nhưng không chịu dọn dẹp nhà cửa cũng chẳng nấu ăn, mỗi ngày chồng đi làm về đều phải lao vào bếp nấu cơm cho chị. Điều này khiến anh Trần vô cùng mệt mỏi và khó chịu.
Một ngày nọ, người chồng phải làm việc tăng ca. Bụng đói meo mà về nhà cơm vẫn chưa nấu, vợ thì ngồi trên giường nhàn nhã lướt điện thoại không thèm nấu ăn.
Không thể chịu đựng được nữa, anh Trần quát vợ: “Hoặc là em ra ngoài làm việc kiếm tiền, hoặc là em ở nhà dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm để anh về có cơm nóng ăn. Em có biết anh đi làm vất vả thế nào không hả?”.
Anh Trần rất bức xúc khi đi làm về lại thấy vợ ngồi nhàn nhã bấm điện thoại trên giường, cơm không chịu nấu.
Nhưng người vợ cười khẩy nói: “Anh nghèo tôi đâu có chê bai anh, nhưng tại sao anh lại ghét tôi vì không làm việc? Chẳng phải vì anh kém cỏi, kiếm tiền ít nên không thể cho tôi cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc sao? Đường đường là đàn ông mà lại ép vợ ra ngoài đi làm kiếm tiền, anh không biết xấu hổ à?”.
Những lời này khiến cơn giận của anh Trần bùng nổ. Anh ném quần áo của vợ lên giường rồi quát lớn: “Một mình tôi làm sao nuôi nổi một gia đình? Không kiếm tiền thì lấy đâu ra tiền để cô mua quần áo, lấy đâu ra tiền tiết kiệm đây? Tôi đã trả tiền thuê nhà, nếu cô không đi làm thì dọn ra khỏi nhà đi. Tôi sẽ không nuôi kẻ lười biếng”.
Bị chồng đuổi ra khỏi nhà, vợ anh Trần uất ức nói: “Tôi đã cho anh tuổi thanh xuân và sinh cho anh một đứa con. Anh không nuôi tôi thì ai sẽ nuôi tôi? Anh là đồ vô tâm, đừng hòng đuổi được tôi đi!”.
Không chịu nổi người vợ lười biếng, anh Trần tức tối đuổi vợ khỏi nhà. (Ảnh minh họa)
Chưa rõ mâu thuẫn của vợ chồng anh Trần đã được giải quyết hay chưa, nhưng vụ việc nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Đa số mọi người đều bênh vực người chồng, chê trách người vợ quá lười biếng.
Đã là vợ chồng thì phải tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Trong câu chuyện này, người vợ không tôn trọng sức lao động, sự đóng góp của chồng, không làm tròn trách nhiệm với gia đình cũng không giúp đỡ chồng. Nếu người vợ vẫn tiếp tục không biết quan tâm, san sẻ gánh nặng với chồng thì sớm muộn gì cuộc hôn nhân này cũng tan vỡ.
Khi vợ hoặc chồng bạn lười biếng!
Một trong những thách thức khó chịu nhất trong hôn nhân chính là trong nhà chỉ có một người quán xuyến hầu hết tất cả mọi việc, còn người kia thì chẳng để tâm đến việc gì cả. Đó chắc chắn là tình huống rất tủi thân và bực bội. Và nếu bạn có người chồng hoặc vợ lười biếng và không có sự kết nối, hỗ trợ nào với bạn, thì đây là một số cách bạn để bạn cải thiện tình hình:
- Chia sẻ về nỗi thất vọng của bạn với nửa kia, nhưng không cằn nhằn đay nghiến hay mỉa mai.
- Xác định nguyên nhân sâu xa về sự “lười biếng” của nửa kia.
- Hãy tìm điều gì đó mà vợ/chồng bạn đang làm tốt và thường xuyên nói về điều đó. Hãy khuyến khích hành vi đó. Sự động viên của bạn có thể giúp nửa kia tạo ra một số thói quen hiệu quả hơn.
- Đề nghị thực hiện cùng nhau. Nếu sự lười biếng của vợ/chồng bạn diễn ra chủ yếu là ở nhà, thay vì chỉ giao việc nhiệm vụ, hãy lên những kế hoạch mà hai bạn có thể làm cùng nhau. Chẳng hạn như thay vì giao việc nhà cho nửa kia, ép nửa kia đứng dậy tập thể dục thì bạn hãy làm cùng họ.
- Duy trì tiêu chuẩn cao. Đừng nhượng bộ và hạ thấp tiêu chuẩn của chính mình bằng cách nghĩ “Nếu chồng/vợ tôi không quan tâm thì tại sao tôi phải làm?”. Nếu bạn bị sự lười biếng của nửa kia cuốn theo thì cuộc sống của bạn có thể sẽ ngày càng tệ đi đấy.