Vitaly Chaikovsky được nhận xét là người hay ghen tuông, luôn kiểm soát mọi động thái của hôn thê. Ảnh: Sun.
Tháng 9/2020, Vitaly Chaikovsky, 29 tuổi, đã bị kết tội giết người bằng hành vi tàn bạo sau khi thiêu sống hôn thê Anastasia Kovaleva, 22 tuổi, vào tháng 7/2019 ở Zaporizha, Ukraine.
Theo hồ sơ tòa án, vụ giết hại xảy ra sau khi Chaikovsky buộc tội hôn thê đi tắm biển để "khoe thân cho những người đàn ông khác ngắm". Trong lúc cãi nhau, Kovaleva đã nói rằng cô muốn chia tay vì thấy mối quan hệ của họ không đi tới đâu.
Ngay lúc này, Chaikovsky tưới cả can xăng mà anh ta đã mua sẵn từ trước tại một trạm xăng lên người Kovaleva rồi châm lửa thiêu sống cô. Những người chứng kiến kể tại phiên tòa rằng Kovaleva đã la két trong đau đớn khi bị chồng sắp cưới biến thành "quả cầu lửa".
Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, Kovaleva qua đời sau 8 ngày điều trị.
"Tôi không hề muốn làm cô ấy bị thương. Tôi chỉ muốn dọa để cô ấy không bỏ rơi tôi. Đó thực sự là một tai nạn", Chaikovsky nói tại phiên xét xử.
Tuy nhiên, tòa vẫn kết tội Chaikovsky giết người tàn bạo có toan tính từ trước và tuyên án anh ta 15 năm tù.
Một người bạn của nạn nhân cho hay bị cáo luôn cố gắng kiểm soát mọi động thái của Kovaleva, thường xuyên buộc tội cô tán tỉnh những đàn ông khác.
"Vitaly rất ghen tuông. Anh ta đọc mọi tin nhắn trên điện thoại cô ấy, lúc nào cũng thấy lo lắng và nghi ngờ khi cô ấy trò chuyện với đàn ông hoặc người quen. Anh ta bắt cô ấy nghỉ việc và không cho rời khỏi nhà mà chưa xin phép", người này nói.
Hoang tưởng ghen tuông và cách nó giết chết các mối quan hệ
Ghen tuông là điều khá bình thường trong tình cảm. Ở mức độ vừa phải, nó khiến cho tình yêu thêm thú vị và bền chặt. Tuy nhiên, khi cơn ghen xảy ra thường xuyên và trở nên mất kiểm soát thì bạn cần phải xem lại. Ghen tuông hoang tưởng giết chết các mối quan hệ như việc ai đó thường xuyên đổ nước nóng vào chậu cây.
Hội chứng này được các chuyên gia sức khỏe tâm thần đặt tên theo vở kịch cổ điển rất thành công "Othello: Vị tướng Ma-rốc ở Venice" (Othello: The Moor of Venice) của Shakespeare. Nhân vật chính trong vở kịch là tướng Othello, một người đàn ông đến từ Ma-rốc luôn nghi ngờ về sự không chung thủy của vợ mình – nàng Desdemona. Cuối cùng vì không thể kiểm soát được cơn ghen của mình, Othello giết chết người vợ rồi tự sát.
Các chuyên gia đã tìm ra nhiều điểm tương đồng của Othello và những người mắc chứng ghen tuông hoang tưởng. Bệnh nhân rơi vào vòng lẩn quẩn và ám ảnh bởi sự nghi ngờ vô cớ với người mình yêu.
Chưa dừng lại ở đó, người mắc hoang tưởng ghen tuông luôn tự đưa ra các phán đoán, đồng thời khẳng định đối tác là người giả dối.
Ảnh minh họa
Người hoang tưởng ghen tuông có cách hành xử hoàn toàn phi lý. Mối quan tâm lớn nhất của họ trong các mối quan hệ tình cảm là tìm kiếm một cách cẩn thận bằng chứng, chứng tỏ bạn tình không chung thủy. Tuy nhiên, họ chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy mà không xem xét sự hợp lý của các bằng chứng liên quan.
Họ sẽ liên tục kiểm tra điện thoại di động, máy tính cá nhân của đối tác. Sự mù quáng còn thể hiện ở ý nghĩ bạn đời đã thay đổi thói quen kể từ khi phản bội họ.
Hội chứng Othello có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hành động ghen tuông dễ dẫn đến mất kiểm soát và gây hại đến những người bên cạnh.
Theo Healthline, người ghen tuông luôn cảm thấy tình yêu mình nhận được là quá ít ỏi. Họ thường xuyên sống trong cảm giác không an toàn, hằn học và thậm chí có hành vi nguy hiểm đến các "tình địch" trong trí tưởng tượng.
Những người ghen tuông hoang tưởng rất khó để giữ các mối quan hệ tình cảm, họ cần được được điều trị tâm lý sớm nhất có thể.