Dịch vụ thuê người yêu nở rộ dịp cận Tết

Tết đến, câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?" từ gia đình khiến nhiều người trẻ rơi vào tình huống khó xử. Để đối phó, không ít người tìm đến dịch vụ thuê người yêu.

Muôn hình vạn trạng dịch vụ thuê người yêu

Cứ mỗi dịp Tết đến, Khánh Linh, 28 tuổi, sống tại Hà Nội, lại đối mặt với "cơn mưa" câu hỏi từ họ hàng và người thân: “Bao giờ lấy chồng?”, “Sao chưa dẫn người yêu về?”. Là nhân viên marketing của một công ty lớn, Linh dành phần lớn thời gian cho công việc. Đam mê sự nghiệp và mong muốn xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc khiến cô nàng tạm gác lại chuyện yêu đương sang một bên. Thế nhưng, áp lực gia đình ngày càng lớn, đặc biệt khi bố mẹ tuyên bố thẳng thừng: “Năm nay, không có bạn trai thì đừng về nhà ăn Tết.”

Nhiều bạn trẻ áp lực chuyện yêu đương ngày Tết. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Nhiều bạn trẻ áp lực chuyện yêu đương ngày Tết. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Quyết không làm bố mẹ buồn lòng, Linh tìm đến dịch vụ thuê người yêu được quảng cáo khá rầm rộ trên Facebook. Sau nhiều lần cân nhắc, cô nàng chọn một chàng trai 28 tuổi, có ngoại hình ưa nhìn và cách nói chuyện khá khéo léo. Trước ngày ra mắt, hai người dành một tuần để trao đổi kỹ lưỡng về gia cảnh, sở thích và những câu chuyện cá nhân để có thể "nhập vai" một cách chân thực hơn. Phía người bạn trai "hờ" còn được Linh dặn dò mua quà biếu bố mẹ, phụ bếp và trò chuyện với họ hàng.

“Mình chưa bao giờ thấy bố mẹ hài lòng đến thế. Bố còn mời rượu bạn ấy, trong khi mẹ thì khoe khắp xóm rằng con gái mình cuối cùng cũng tìm được người tử tế,” Linh chia sẻ.

Sau buổi ra mắt đầu tiên, Linh tiếp tục thuê anh chàng gọi điện hỏi thăm bố mẹ để giữ vững “vỏ bọc” người bạn trai lý tưởng. Mỗi tháng, cô trả cho người bạn trai này một khoản phí gọi là phí duy trì vai trò, tránh việc gia đình nghi ngờ.

Chịu chung nỗi ám ảnh với Khánh Linh, Minh Quân (29 tuổi), hiện đang là nhân viên IT tự do, chia sẻ lại câu chuyện của mình: “Năm ngoái, ngày mùng 2 Tết, khi mình còn đang ngủ, mẹ bất ngờ bước vào phòng và nói: ‘Dọn dẹp gọn gàng đi, trưa nay nhà mình có khách. Bác Mai sẽ dẫn con gái đến, xem mắt đi cho mẹ.’ Mình sững người, không biết phải phản ứng thế nào. Cảm giác lúc đó vừa bối rối, vừa bất lực".

Từ sau lần xem mắt bất đắc dĩ ấy, anh bắt đầu cảm thấy sợ mỗi khi Tết đến. Bố mẹ Quân luôn thúc giục anh lấy vợ, trong khi anh lại chưa sẵn sàng cho mối quan hệ nghiêm túc.

“Công việc bận rộn, chưa tìm được người phù hợp, nhưng bố mẹ không quan tâm. Với bố mẹ mình, cứ gần 30 mà chưa có người yêu bị coi là 'ế',” Quân nói.

Để tránh những buổi “xem mắt” không mong muốn, những câu hỏi khó chịu từ họ hàng, năm nay Quân quyết định thử một giải pháp mới: thuê bạn gái đóng giả người yêu về quê ra mắt. Người mà Quân thuê là H.P, 26 tuổi, một cô gái có kinh nghiệm làm “người yêu thuê” được hơn hai năm. Trước khi về quê ra mắt gia đình, cả hai đã dành thời gian tìm hiểu thông tin về nhau, từ công việc, sở thích cho đến những chi tiết nhỏ trong câu chuyện tình giả tưởng hai người dự định kể với gia đình Quân.

“P. rất chuyên nghiệp. Bạn ấy còn gợi ý tôi nên chuẩn bị quà cho bố mẹ và họ hàng để tạo ấn tượng tốt. Chúng tôi cùng thống nhất những tình huống có thể xảy ra, như nếu bố mẹ hỏi khi nào cưới hay lý do vì sao chưa về thăm nhà sớm hơn,” Quân kể.

Ngày mùng 3 Tết, P. cùng Quân về quê. Bằng sự khéo léo và tinh tế, P. nhanh chóng chiếm được cảm tình của gia đình. “P. giúp mẹ mình nấu cơm, rửa bát, nói chuyện vui vẻ với bố và rất tự nhiên khi gặp họ hàng. Ai cũng khen mình khéo chọn bạn gái,” Quân nhớ lại.

Các hội nhóm thuê người yêu trên nền tảng Facebook có lượng thành viên khủng lên tới hàng trăm nghìn. (Ảnh chụp màn hình)

Các hội nhóm thuê người yêu trên nền tảng Facebook có lượng thành viên khủng lên tới hàng trăm nghìn. (Ảnh chụp màn hình)

Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm chuyên cung cấp dịch vụ thuê người yêu, thu hút từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên. Theo quản trị viên của một cộng đồng trực tuyến với hơn 120.000 thành viên, dịch vụ này đã tồn tại hơn một thập kỷ nhưng chỉ thực sự trở nên phổ biến trong khoảng một năm gần đây.

"Khách hàng thường thuê bạn gái để đi chơi, gặp gỡ bạn bè, thậm chí ra mắt gia đình trong các dịp quan trọng. Giá dịch vụ dao động tùy theo mục đích và thời gian," vị quản trị viên chia sẻ. Cụ thể, chi phí cho một buổi cà phê hoặc đi chơi kéo dài 2-3 tiếng thường ở mức tối thiểu là 2 triệu đồng. Nếu thuê người yêu đi du lịch hoặc về quê ra mắt gia đình, giá có thể tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba, dao động từ 4 đến 6 triệu đồng. Đặc biệt, các yêu cầu "cao cấp" hơn như ngoại hình đẹp, cao trên mét 7, giao tiếp tốt, biết nấu ăn sẽ đi kèm với mức giá dịch vụ cao hơn, thường lên tới con số hàng chục triệu đồng.

Bảng chi phí dịch vụ cho thuê người yêu của một công ty cung cấp dịch vụ có chi nhánh ở HN và TPHCM (Ảnh chụp màn hình).

Bảng chi phí dịch vụ cho thuê người yêu của một công ty cung cấp dịch vụ có chi nhánh ở HN và TPHCM (Ảnh chụp màn hình).

Nên tôn trọng quyết định của con cái

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ cho biết hiện nay, nhiều bạn trẻ đang dần thay đổi quan niệm về hôn nhân. Họ không vội vàng kết hôn mà muốn tạo dựng sự nghiệp, nâng cao trình độ bản thân và đảm bảo nền tảng tài chính vững chắc trước khi bước vào cuộc sống gia đình.

"Việc kết hôn khi chưa ổn định về tài chính tạo ra nhiều áp lực, mâu thuẫn trong hôn nhân và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gai gia đình, đặc biệt là con cái. Điều này khiến nhiều người trẻ lựa chọn trì hoãn hôn nhân cho đến khi cảm thấy thực sự sẵn sàng", ông Nam Anh giải thích.

Theo chuyên gia, người trẻ nên chia sẻ thẳng thắn với gia đình về quan điểm và kế hoạch sống. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Theo chuyên gia, người trẻ nên chia sẻ thẳng thắn với gia đình về quan điểm và kế hoạch sống. (Ảnh minh họa: Hương Giang)

Theo ông, việc thuê người yêu chỉ là biện pháp tạm thời, nếu bị phát hiện, gia đình sẽ tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn tới mâu thuẫn, mất niềm tin. Chuyên gia cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, việc chia sẻ thẳng thắn với gia đình về quan điểm và kế hoạch sống là một lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng các mánh khóe, chiêu trò.

"Sự thấu hiểu giữa con cái và gia đình là rất quan trọng. Nếu không thể hiểu nhau, những vết rạn nứt trong gia đình sẽ khó có thể hàn gắn", ông nói.

Đồng thời, chuyên gia cũng lưu ý, việc tìm kiếm dịch vụ thuê người yêu cần phải rất thận trọng, bởi lẽ hiện nay chưa có những quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia. "Khi lựa chọn dịch vụ này, người dùng cần tìm hiểu kỹ về công ty, điều khoản hợp đồng và luôn yêu cầu sự bảo vệ quyền lợi cá nhân", ông khuyến cáo.

Kết hôn hay không, kết hôn khi nào, với ai là lựa chọn cá nhân. Tuy nhiên, áp lực từ xã hội và gia đình vẫn là điều mà nhiều người trẻ phải đối mặt. “Hạnh phúc của con cái là yếu tố quan trọng nhất, không phải là việc kết hôn sớm hay muộn. Cha mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn của con và đồng hành cùng con trong những quyết định quan trọng của đời mình,” chuyên gia kết luận.