Trong 5 năm yêu Ross, Janey (30 tuổi, ở Durham, Anh) đã tiêu cả núi tiền của bạn trai vào trang phục, đồ trang điểm và phẫu thuật thẩm mỹ.
Tiết lộ trên trên kênh Channel 5, Janey chia sẻ: "Anh ấy biết là không thể nói 'không' với tôi. Tôi sẵn sàng 'cấm vận' chàng một đến 3 tuần nếu không được đáp ứng nhu cầu mua sắm. Trước đây tôi đã áp dụng chiêu này rồi".
Trước khi gặp và yêu Janey, Ross đã chăm chỉ tiết kiệm và cô đã khiến số tiền ở tài khoản ngân hàng của anh sụt giảm nhanh chóng.
Cặp uyên ương bị cảnh báo tài chính vì Janey mua sắm quá tay
"Ross luôn dành cho tôi một khoản tiêu vặt, bắt đầu là 60 bảng (khoảng gần 2 triệu đồng) một tháng nhưng tháng gần đây nhất thì tôi tiêu hết 3000 bảng (khoảng 95 triệu đồng). Tôi thừa nhận mình nghiện mua sắm. Tôi thấy việc đó thật thư giãn và như một liều thuốc màu nhiệm khi buồn chán, không vui", cô nói.
Nói về cách tiêu xài vung tay của vợ chưa cưới, Ross (30 tuổi) thừa nhận anh khá lo ngại nhưng không thể từ chối đòi hỏi của cô, gồm cả yêu cầu mua một chiếc xe Range Rover giá 70.000 bảng (khoảng hơn 2,3 tỉ đồng) và ít nhất 14.000 bảng (khoảng gần 450 triệu) cho phẫu thuật thẩm mỹ để cô có được cơ thể như của Kim Kardashian.
Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ một nhà tư vấn tài chính, cặp uyên ương đã bị cảnh báo rằng số chi tiêu của họ vượt quá mức thu nhập của Ross. Anh hy vọng lời cảnh báo này sẽ giúp Janey cân nhắc kỹ hơn trước khi mua sắm.
Tài chính - một trong những chuyện nhất định phải bàn trước đám cưới
Lập kế hoạch sử dụng tiền cả hai kiếm được trong tương lai là điều rất quan trọng. Ngoài khoản chung mà cả hai cùng đóng góp mỗi tháng, mỗi người có thể cần tích lũy riêng.
Số tiền cần đóng hàng tháng là bao nhiêu - tùy vào mức lương - cần được thảo luận và thống nhất.
Ngoài ra, quyết định khi nào dùng nguồn tài chính chung cũng cần được đồng thuận trước khi cưới.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó còn cần thống nhất một số việc sau:
Kế hoạch tiết kiệm khi nghỉ hưu
Bạn cần lên kế hoạch tiết kiệm đủ cho hai người, bao gồm cả chi phí y tế nếu chẳng may một trong hai ốm đau.
Số tiền nợ
Biết về các khoản nợ của nhau có thể giúp vợ chồng lên kế hoạch giải quyết. Đối phương sẽ cảm thấy bị phản bội khi chồng/vợ che giấu món nợ rồi kết hôn xong mới thú nhận. Hơn nữa, điều này có thể khiến họ không còn tin tưởng vào người mình yêu.
Con cái
Không phải ai kết hôn cũng muốn có con. Hay dù cả hai đều muốn có, cũng cần thảo luận và thống nhất cách nuôi dạy con, những gì sẽ làm nếu những đứa trẻ khuyết tật, cách bạn phản ứng nếu đứa trẻ lớn lên khác những gì cha mẹ kỳ vọng.
Một số người nhất định muốn có con sau kết hôn. Vì vậy, nếu chẳng may không một trong hai không thể có con, họ cần suy tính về việc phải làm tiếp theo: nhận con nuôi, mang thai hộ, thụ tinh ống nghiệm, ly hôn để đến với người khác...
Quan niệm về sự không chung thủy
Chuyện này mỗi người có cách hiểu khác nhau. Ví dụ, một người nghĩ hôn phụ nữ là phản bội nhưng người kia lại cho rằng chỉ cần gặp mặt người yêu cũ đã "không chấp nhận được". Cũng có người cho rằng vợ/chồng yêu người khác mới là phản bội. Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn nên nói rõ quan điểm của mình để tránh hiểu lầm.
Ước mơ và kế hoạch
"Bạn sẽ ở đâu trong 5-30 năm nữa?". Điều này có vẻ giống một câu phỏng vấn xin việc, nhưng nguyện vọng về một gia đình hạnh phúc của một người có thể không phù hợp với ước muốn của vợ/chồng. Ví dụ, chồng bạn có thể muốn dốc lòng để thành công, còn bạn chỉ muốn một cuộc sống ổn định, thu nhập vừa đủ.
Đặt câu hỏi để giúp mọi người hình dung viễn cảnh sống chung sẽ thế nào.
Thỏa thuận về cách sống
Mỗi người có những mối ác cảm riêng. Nói cho nhau biết bạn là người thế nào là lựa chọn khôn ngoan để giữ hôn nhân bền vững. Ví dụ, một người thích ngăn nắp, trong khi vợ/chồng lại không gặp vấn đề gì nếu nhà cửa lộn xộn. Khi thỏa thuận sớm, hai người sẽ có cách ứng xử phù hợp.