Tôi lấy chồng ngót nghét đã chục năm. Bố mẹ chồng sinh được 4 người con gồm 2 trai, 2 gái và chồng tôi là con trai cả. Chính vì vậy, sau khi cưới hai vợ chồng tôi về ở với bố mẹ chồng để tiện chăm sóc ông bà cũng là để tôi học cách thờ cúng tổ tiên, bởi đó là trách nhiệm của dâu trưởng.
Nghe có vẻ nặng nề nhưng thực ra không phải vậy. Bố mẹ chồng là người hiền lành, tử tế, có quan niệm khá tân tiến nên cuộc sống làm dâu của tôi không đến nỗi nào.
Ông bà đã về hưu nên cơm nước hàng ngày thường là ông bà lo hết, vợ chồng tôi đi làm về là cơm canh đã sẵn sàng rồi, sau đó dọn dẹp qua nhà cửa thôi. Song, vào những ngày cuối tuần, mẹ chồng hay “phụ đạo” thêm cho tôi vài món để sau này còn làm cỗ cúng, bởi ông bà tuy dễ tính nhưng về khoản này lại rất kỹ.
Chú và hai cô tuy đã lập gia đình và ra ở riêng nhưng sống cách đây không xa, người xa nhất cũng chỉ cách có 30km. Do đó tháng nào nhà tôi cũng có một buổi tụ họp đông đủ các thành viên trong nhà, mỗi tháng một lần đều như vắt tranh.
Mỗi tháng gia đình tôi đều tụ họp một lần. (Ảnh minh họa)
“Biết là các con đã lớn, mỗi người một việc nhưng máu mủ ruột rà không thể bỏ được. Thà ở xa bố mẹ không trách làm gì, nhưng các con đều ở gần đây cả. Mỗi tháng tụ họp một lần là để các con nhớ rằng các con còn có một gia đình lớn, để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn với nhau. Bố mẹ cũng ở tuổi gần đất xa trời rồi, chẳng mong gì hơn những lúc gia đình sum họp, tề tựu thế này”, bố chồng tôi từng nói vậy.
Các em không có ý kiến gì, đến ngày lại về nhà. Sáng sớm tôi và mẹ đi chợ, khi các em về thì mấy chị em lại túm tụm với nhau vừa nấu cơm vừa chuyện trò rất vui vẻ, gần gũi.
Cuối tuần vừa rồi gia đình các cô chú lại về ăn cơm. Sau bữa cơm, bố mẹ chồng đột nhiên gọi các con, các cháu tới để đọc di chúc.
- Bố mẹ đã ngoài 70 tuổi, tuy hiện tại vẫn còn khỏe nhưng chẳng biết sẽ đi theo ông bà tổ tiên lúc nào. Nay các con các cháu về đông đủ nên bố mẹ đọc di chúc luôn để tránh sau này anh chị em tương tàn, cãi vã khiến nhà cửa không yên rồi hàng xóm láng giềng cười cho.
Bây giờ các con đều có nhà riêng, mỗi vợ chồng anh Thắng (chồng tôi) là trước nay đều ở chung với bố mẹ nên không có. Căn nhà 4 tầng này bố mẹ sẽ sang tên sổ đỏ cho cu Bom (con trai cả của tôi), vì thằng bé là cháu đích tôn, sau này có nghĩa vụ phải thờ cúng tổ tiên. Bố mẹ còn một khoản tiền tiết kiệm hơn 2 tỷ, sẽ chia đều cho cả 4 đứa. Bố mẹ đã bàn bạc rất kỹ mới đưa ra quyết định này, các con cháu khác không ai được so bì, tị nạnh.
Nghe bố chồng đọc di chúc, tôi sợ hãi run lẩy bẩy. (Ảnh minh họa)
Bởi cu Bom, cháu đích tôn mà bố chồng nói thực chất không phải là máu mủ của ông bà mà là con riêng của tôi với bạn trai cũ.
Năm xưa tôi có thai và bị bạn trai cũ hắt hủi, bố mẹ đẻ xấu hổ, sợ mất mặt với hàng xóm láng giềng nên cấm tôi mang bụng bầu về nhà. Khi đó tôi chẳng thiết sống nữa, toàn nghĩ quẩn. Chính lúc khó khăn nhất thì Thắng đã đến bên tôi an ủi động viên, chấp nhận là bố của con tôi.
Anh cho tôi một đám cưới đàng hoàng, con sinh ra anh đối xử như con đẻ. Bí mật về đứa bé chỉ có hai chúng tôi biết, bố mẹ hay anh em trong nhà tuyệt nhiên không ai hay. Giờ bố mẹ chồng nói để lại căn nhà cho con riêng của tôi, lòng tôi bất an vô cùng.
Khi về tới phòng, chỉ còn hai vợ chồng, tôi cảm thấy tội lỗi quá nên bảo chồng phải nói sự thật cho bố mẹ biết nhưng anh lại cấm cản.
- Chuyện quá khứ đã qua em cứ để cho nó ngủ yên đi. Bây giờ bí mật mà lộ ra, mất ngôi nhà là chuyện nhỏ, nhưng ảnh hưởng tới tương lai của con trai mới là chuyện lớn. Lúc đó nó phải đối mặt với mọi người ra sao? Anh cũng sợ bố mẹ sốc quá lại ảnh hưởng tới sức khỏe, nhỡ có mệnh hệ gì thì áy náy cả đời.
Chồng nói nghe cũng có lý nhưng tôi vẫn lấy lấn cấn trong lòng quá. Bố mẹ chồng và anh em nhà chồng đối xử với tôi quá tốt, tôi không muốn lừa dối họ mãi. Theo mọi người tôi có nên nói sự thật này ra không?