Nhiều gia đình xảy ra cãi vã vì tính lười biếng của chồng (ảnh minh họa)
Nằm dài xem tivi và lướt điện thoại
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách nên như nhiều gia đình khác, vợ chồng chị Hòa làm việc online tại nhà. Trước đây, chồng chị hay vắng nhà, có hôm tiếp khách đến đêm mới về, giờ chỉ quanh quẩn trước mặt vợ. Nhìn chồng ra thở dài, vào, ra than vãn khiến đầu người phụ nữ muốn nổ tung.
Không chỉ vậy, con nghỉ học, chồng ở nhà cả ngày, cơm nước phải nấu đủ 3 bữa khiến chị Hòa thêm áp lực. Đặc biệt, dù phải làm việc như nhau nhưng chồng chị vẫn giữ thói quen không làm việc nhà như những ngày chưa xảy ra dịch bệnh.
“Trước kia, anh bảo công việc bận, thường đi sớm về khuya, thôi mình thông cảm. Mình đi làm về trước nên mọi việc trong gia đình cáng đáng hết. Thế nhưng nghỉ dịch ở nhà anh cũng chẳng hề san sẻ việc với vợ. Hết công việc của cơ quan, anh nằm dài xem tivi, lướt điện thoại đến bữa ngồi vào bàn ăn. Cơm nước, dạy con học bài... tất tần tật vẫn đến tay mình”, chi Hòa ấm ức kể.
Chị Hòa cho biết thêm, nếu một, hai ngày còn thông cảm nhưng sự việc tiếp diễn mấy tháng liền chị gần như phát điên khi thấy mình không được san sẻ. Một hôm chị Hòa bị đau đầu, phải uống thuốc rồi đi nằm sớm. Chị cứ ngỡ, thấy vợ không khỏe, chồng sẽ biết lo lắng, xắn tay vào làm...
“Sau một đêm nằm bẹp mình tỉnh dậy bát đũa tối hôm trước ăn xong vẫn nằm nguyên bàn. Quần áo bẩn bừa bộn không được thu gom vào chậu. Hình ảnh quen thuộc trước mắt mình vẫn là chồng nằm lướt điện thoại. Thực sự mình không chịu đựng được nữa nên đã cãi nhau ầm ĩ...”, chị Hòa nói.
Tình cảnh của chị Hoàng Yến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tương tự. Thậm chí chị Yến đã nghĩ đến việc ly hôn vì không chịu nổi sự lười biếng của chồng.
Chị Yến cho biết: “Hiện giờ, chúng tôi đã có hai đứa con trai, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé 2 tuổi rưỡi. Chồng tôi rất lười, có con cái rồi nhưng chưa bao giờ anh san sẻ công việc với tôi. Tôi vẫn phải làm việc, kiếm tiền như anh. Nhiều khi khuyên bảo nhưng anh nói: "Anh vụng về không quen việc hoặc việc này anh không biết làm". Đôi khi tôi thấy mình không còn chút sức lực nào sau khi làm hết mọi việc”.
Học cách sẻ chia
Có chồng ở nhà cùng mà cũng như không khiến chị Yến cảm thấy tủi thân, thậm chí bất lực khi không biết làm thế nào để cải thiện tính lười nhác của chồng.
Chị vẫn phải đi làm kiếm tiền không thua kém gì anh. Chị còn phải kèm theo "một núi" việc như lau nhà, nấu ăn, phơi đồ, chăm con...
“Mình nhận ra, từ ngày lấy nhau đến giờ mình thiếu hẳn một sự sẻ chia từ bạn đời. Dù trước kia, hay bây giờ anh vẫn không hề biết sẻ chia việc nhà với vợ. Mình càng ngày càng ít nói chuyện cùng chồng. Tình cảm vợ chồng cứ thế xa cách...”, chị Yến nói.
Muốn hôn nhân vững chắc hãy học cách chia sẻ (ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mọi gia đình. Việc phải ở nhà nhiều ngày liền trong thời gian giãn cách, tác động rất lớn đến tâm lý của mọi người. Với các cặp đôi, buộc phải ở bên nhau là một thách thức khác. Không chỉ liên tục đối diện nhau mà còn những bất an vì dịch bệnh, lo lắng kinh tế, mệt mỏi vì việc nhà, con cái. Khi tâm trạng bất ổn như vậy, bất cứ một va quệt nào cũng có thể khơi mào cho xung đột nổ ra.
Nguyên tắc "5 Không"
"Một số ông chồng còn nghiễm nhiên coi việc nhà, nấu ăn, dạy con học… là việc nhỏ và "dành" cả núi công việc này cho người vợ của mình. Các ông chồng cứ thử làm tất cả những việc nhỏ này trong một ngày đi để thấy việc "nhỏ" có tốn nhiều công sức, thời gian hay không? Hơn nữa vợ chồng không có sự sẻ chia cũng dễ xa cách tình cảm. Nếu muốn hôn nhân bền vững các ông chồng phải học cách chia sẻ với vợ, nhất là công việc nhà" - Một chuyên gia tâm lý cho biết
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, khi mâu thuẫn gia đình xảy ra, các cặp vợ chồng cũng nên thực hiện tinh thần "5 Không" để "giữ hòa khí gia đình".
Không nên hơn thua: Ai thắng thì hôn nhân ấy cũng bại.
Không cần lo lắng: Thiên tai- dịch bệnh là thứ chúng ta không đoán trước được cũng như không thể ngăn cản được. Hãy bình tâm cùng nhau. Rồi thì mọi thứ sẽ ổn.
Không được leo thang: Mọi cuộc xung đột đừng đẩy chúng đi xa quá mâu thuẫn ban đầu. Đừng giương buồm khi trời giông bão.
Không có gì là không thể: Thời gian giãn cách là điều kiện tốt nhất để hai vợ chồng tập trung sửa chữa lại chính cuộc hôn nhân của mình bằng cách quan tâm, chia sẻ và khám phá nhau nhiều hơn.
Hãy dành khoảng thời gian này để cùng nhau gia cố lại nền tảng cho hôn nhân. Nếu muốn làm sẽ tìm ra giải pháp, không muốn sẽ chỉ thấy những lý do. Bất cứ cuộc hôn nhân nào muốn bền vững phải vun đắp từ hai phía.