Chồng tôi mới chuyển việc hơn năm nay. Sang công ty mới, thời gian thoải mái hơn, anh lại sinh ra tính bia rượu, say xỉn tối ngày khiến tôi chán nản vô cùng. Hôm nào anh cũng về nhà trong tình trạng loạng choạng, đi không vững. Có hôm về tới cổng còn lăn luôn ra ngủ, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đùn hết lại cho vợ. Song lần nào vợ góp ý, anh cũng lấy lý do:
“Công việc của anh phải xã giao. Đàn ông phải uống mới ra việc, ra hợp đồng”.
Tôi cũng hiểu trong làm ăn phải có xã giao bia rượu, có điều mọi thứ đều phải có giới hạn, đâu phải người nào làm ăn cũng say xưa bia rượu xuyên ngày. Nhưng nói mãi chồng vẫn chẳng thay đổi, sau tôi chán đành chấp nhận “sống chung với bão”.
Mệt mỏi hơn, thời gian gần đây hầu như cuối tuần nào anh còn gọi bạn nhậu về nhà bắt vợ nấu nướng. Thành ra cuối tuần người ta được nghỉ ngơi, tôi ngược lại cứ nai lưng phục vụ hội bạn bia rượu của chồng. Lần nào cũng ăn uống say sưa rồi nôn mửa ra nhà. Có những khi mệt mỏi quá, tôi bảo:
“Anh muốn tụ tập chè chén gì thì đưa bạn ra quán, đừng suốt ngày kéo về nhà làm ảnh hưởng cuộc sống của vợ con”.
Nói mãi, anh hằn học khó chịu:
“Được rồi. Nói lắm”.
Nhiều lần tôi đã nói với chồng nhưng anh vẫn vậy. (Ảnh minh họa)
Nhưng cũng chỉ được vài ngày là anh lại chứng nào tật ấy.
Hôm đó tôi ốm sốt, nằm bẹp trên giường từ sáng tới chiều. Nhờ anh nấu cho nồi cháo thì anh gắt:
“Anh bận, em úp mì mà ăn”.
Tới tối, anh phóng xe đi mua vịt quay, gà rang muối về bày la liệt ra bàn. Tất nhiên chỉ 15 phút sau là hội bạn nhậu của anh có mặt đông đủ, gào hét, hát hò inh ỏi nhà cửa, mặc cho vợ nói mệt, muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi.
Tôi nằm trong phòng đầu đau, bụng đói, chồng vẫn 'trăm phần trăm' tung hô không quan tâm vợ ốm đau ra sao. Mệt quá, tôi mở cửa nhắc anh giữ trật tự để vợ nghỉ. Đám bạn anh nghe vậy cũng biết ý, nháy nhau:
“Thôi vợ ông ốm thì để bữa khác anh em lai rai sau. Hôm nay mình dừng ở đây thôi”.
Vậy nhưng chồng tôi lại thản nhiên đáp:
“Ôi giời, mấy kiểu sinh sự của đàn bà ấy mà. Các cậu đừng để ý, cứ uống đi. Nhà này của tôi, tôi ăn uống tụ tập tới bao giờ không ai có quyền tham gia, kể cả vợ. Vớ vẩn, tôi tống cổ trả về nơi sản xuất”.
Bạn bè nhắc, chồng vẫn thản nhiên tuyên bố sẽ trả tôi về nơi sản xuất. (Ảnh minh họa)
Không muốn giữ thêm thể diện cho chồng nữa, tôi mở cửa đi ra, đặt luôn đơn ly hôn xuống giữa bàn nhậu, nhìn thẳng mặt chồng nói lớn:
“Không cần đợi anh tống cổ, tự tôi sẽ ra khỏi nhà này. Anh ký vào đơn để mai tôi gửi tòa. Nhà này của anh, anh muốn làm vương làm tướng gì tôi không can dự. Sống với người chồng sống vô tâm, thiếu trách nhiệm như anh, tôi quá mệt mỏi rồi”.
Nhìn đơn ly hôn đã ký sẵn tên của vợ, chồng tôi đỏ mặt, ngồi ngây người. Mấy gã bạn nhậu của anh cũng ngơ ngác nhìn nhau rồi bỏ vội ly bia trên tay xuống bàn, nháy mắt nhau:
“Thôi, gia đình có việc, chúng tôi xin phép về luôn”.
Lần này chồng tôi không dám giữ chân bạn lại uống tiếp nữa. Bởi nhìn lá đơn trên bàn, anh hiểu là vợ không đùa. Anh quá biết tính tôi, rất quả quyết, không nói thì thôi, còn nói là sẽ làm. Vậy là khi hội bạn ra khỏi cửa, anh vội vàng kéo tay vợ xin lỗi nhưng tôi vẫn một mạch dẫn con về bên ngoại.
Mấy ngày nay, anh liên tục nhắn tin, gọi điện giục vợ về để đôi bên ngồi nói chuyện lại nhưng tôi bơ không nghe máy. Lần này tôi sẽ khiến anh phải thực sự nhận ra sự vô tâm, ích kỷ của bản thân để sửa đổi. Nếu không, tôi sẽ chọn ly hôn không nuối tiếc.