Người ái kỷ, còn được gọi là những người mắc hội chứng "rối loạn nhân cách ái kỷ". Họ là những người có xu hướng tự yêu bản thân thái quá, dẫn đến mức tự cao. Hay nói cách khác, họ coi bản thân là “cái rốn của vũ trụ”, họ thiếu sự đồng cảm và coi thường người khác, họ không màng đến cảm xúc của những người xung quanh.
Tuy nhiên, tôi đã không biết về khái niệm “người ái kỷ” mãi cho tới sau khi ly hôn. Trong lúc gặm nhấm nỗi buồn từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Khi đọc những dòng bình luận của mọi người, tôi mới nhận ra một sự thật cay đắng. Đó là tôi đã cưới phải một người chồng ái kỷ.
Thực ra từ yêu đến cưới, có nhiều dấu hiểu chỉ ra anh là một người ái kỷ, nhưng tôi đã không biết.
Ảnh minh họa.
1. Nếu mọi thứ tốt đẹp đến mức không thể tin được, thì có lẽ đó không phải sự thật
Khi gặp anh, tôi nghĩ rằng mình thật may mắn. Anh quyến rũ và có mọi thứ mà tôi từng hy vọng, mơ ước. Mọi thứ anh làm đều hoàn toàn khác biệt so với mọi chàng trai tôi từng hẹn hò, vì thế anh đã làm tôi say đắm. Trong mắt tôi, anh thật hoàn hảo, mọi thứ về anh đều đẹp đến mức không thể tin được.
Nhưng sau khi kết hôn, người đàn ông hoàn hảo đó đã biến mất. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao chồng lại thay đổi quá nhiều? Nhưng thực ra, anh không hề thay đổi, anh vẫn luôn như thế. Chẳng qua, anh là người ái kỷ, anh đã luôn “diễn” vì muốn có được tôi và tôi đã tin.
Người ái kỷ là vậy. Họ cố xây dựng hình tượng của bản thân hoàn mỹ, hoành tráng nhất có thể, tự đưa bản thân lên “9 tầng mây”.
Khi mới yêu, họ thường khiến bạn cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy chuyện tình yêu của mình như cổ tích và đối phương chính là hình mẫu hoàn hảo lý tưởng. Tuy nhiên, nếu mọi thứ tốt đẹp đến mức không thể tin được, thì có lẽ đó không phải sự thật. Nhưng để nhận ra điều này, có lẽ bạn đã kết hôn với anh ta và bị “vỡ mộng” rồi.
2. Cưới người ái kỷ, bạn sẽ bị kiểm soát về mọi thứ
Một dấu hiệu phổ biến của những người mắc chứng ái kỷ là họ tin rằng mình vượt trội hơn người khác và xứng đáng được đối xử đặc biệt. Vì thế, người khác phải tuân theo mong muốn của họ và các quy tắc không áp dụng cho họ.
Người ái kỷ cũng thường tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo, có nghĩa là họ muốn tất cả mọi thứ phải luôn ở mức tốt nhất, những gì “xứng đáng” với họ phải là thứ tốt nhất. Bởi thế, họ có xu hướng chỉ trích, kiểm soát nửa kia trong mọi vấn đề, bắt buộc đối phương phải làm theo ý họ để đạt được kết quả tốt nhất.
Chồng tôi cũng có tính khí này, anh ấy có ham muốn kiểm soát mạnh mẽ. Khi tôi mặc một chiếc quần jeans mới, chồng liền chê bai: “Chiếc quần quá chật, em mặc vậy làm sao đi ra ngoài được” và yêu cầu tôi thay ngay. Anh ấy đối xử với tôi giống như một đứa trẻ vậy, kiểm soát mọi thứ với lý do làm vậy là muốn tốt cho tôi.
Ảnh minh họa.
3. Người ái kỷ không bao giờ thừa nhận sai lầm và nổi nóng khi bị chỉ ra
Trong gia đình, chồng tôi luôn là người đúng. Anh ấy nghĩ rằng mình biết mọi thứ. Với anh, chỉ cần anh “chiến thắng”, cãi thắng là được chứ không quan tâm sự thật là gì. Nếu tôi chỉ ra lỗi sai, ngay lập tức anh sẽ nổi đóa.
Ngẫm lại, từ khi yêu đến lúc ly hôn, có lẽ tôi chưa bao giờ nhận được lời xin lỗi từ chồng, từ việc lớn đến việc nhỏ, thậm chí còn bị anh giận ngược lại. Cho dù anh đến muộn hoặc không nhớ ngày kỷ niệm của hai vợ chồng, nếu tôi trách cứ thì chồng sẽ đổ lỗi cho công việc quá bận rộn hoặc trách ngược lại rằng tôi luôn đòi hỏi mà không biết rằng anh cố gắng như vậy là vì tôi.
Ngay cả khi bị tôi bắt gặp anh nhắn tin tán tỉnh một người phụ nữ khác, chồng cũng không cảm thấy có lỗi gì. Anh ta hành xử như thể chuyện đó không có gì to tát vậy, chính tôi là kẻ “chuyện bé xé ra to”.
Không bao giờ thừa nhận sai lầm là một trong những dấu hiệu của người mắc chứng ái kỷ. Hai từ “xin lỗi” dường như không có trong từ điển của họ. Với họ, xin lỗi là việc gì đó thật khủng khiếp, điên rồ và bản thân không thể nào chấp nhận được.
Do đó, khi có người chỉ trích lỗi sai của mình, họ sẽ cố cãi thắng thì thôi, hoặc nổi đoá và công kích với bất kỳ ai muốn chỉ trích họ, quyết không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.
4. Cưới phải một người chồng ái kỷ, bạn luôn luôn là người chịu thiệt thòi
Người ái kỷ luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, họ yêu bản thân mình nhất sau đó mới đến những thứ xung quanh. Việc người yêu của mình có cần gì, có nhu cầu gì thì họ rất ít quan tâm hay coi trọng nên cuối cùng người thiệt thòi sẽ luôn là bạn.
Chồng tôi hầu như không lắng nghe quan điểm của tôi bao giờ, từ những chuyện đơn giản như mua máy giặt cho tới chuyện lớn như mua nhà. Khi tôi nói, anh ấy có thể vờ lắng nghe, nhưng rồi sẽ làm bất cứ điều gì anh ấy muốn, mặc kệ lời góp ý của tôi.
Ngay cả trên bàn ăn cũng vậy. Mặc dù biết tôi bị đau dạ dày nhưng vì thích ăn cay nên khi gọi món, anh đều chọn những món thật cay, hợp khẩu vị với mình và luôn gạt bỏ những món tôi gọi ra.
Ảnh minh họa
5. Người ái kỷ là bậc thầy thao túng người khác
Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng người khác, nên khi ở bên những người này, bạn sẽ có cảm giác như bản thân vô giá trị, mình thật vô dụng. Thậm chí, sẽ có lúc bạn cảm thấy rối bời, tuyệt vọng, nghĩ rằng nếu rời xa người đó sẽ chẳng còn ai cần bạn, sẽ chẳng còn ai “tốt” hơn anh ta.
Tôi cũng từng rơi vào “cái bẫy” đó, bị người chồng ái kỷ của mình thao túng tâm trí, khiến nhiều lúc tôi đã nghi ngờ chính mình. Mãi về sau tôi mới nhận ra, không phải bản thân không đủ tốt mà là do tôi thiếu kiến thức về ái kỷ.