Theo đó, người phụ nữ ở Giang Tây, Trung Quốc này đã lấy chồng được 8 năm. Mỗi tháng khi chồng đưa lương cho mình, cô đều phải chi gần hết số tiền đó để giúp bố mẹ chồng trả nợ, cứ thế đến nay vẫn chưa trả hết.
Cô dâu đã rất nghi ngờ về khoản nợ trên, bởi lẽ bố mẹ chồng cô sống rất tằn tiện, làm sao có thể nợ nần nhiều đến nỗi còng lưng trả nhiều năm không xong.
Sau nhiều lần gặng hỏi người chồng mới nói thật rằng nguồn gốc khoản nợ đó chính là tiền sính lễ nộp cho bố mẹ cô 8 năm trước. Bố mẹ cô dâu thời điểm đó đã yêu cầu tiền sính lễ là 680 nghìn nhân dân tệ (gần 2,3 tỷ đồng) mới chịu gả con gái đi.
Theo lời người chồng, dù bố mẹ không có điều kiện nhưng đã cố gắng chạy vạy để có đủ số tiền cưới vợ cho mình.
Cô gái bật khóc khi nghe nguyên nhân có khoản nợ hiện tại. Ảnh: Sohu.
Còn cô dâu vốn tưởng bố mẹ chồng lo khoản đó nên không để ý nhiều. Không ngờ sau khi về làm dâu, vợ chồng cô phải cùng họ xoay xở trả dần.
Khi biết sự thật, người phụ nữ thất vọng và khá suy sụp. Cô rất hối hận vì trước đây không ngăn bố mẹ đẻ nhận số tiền đó, khiến cho chất lượng cuộc sống sau khi kết hôn không được tốt lắm, làm ra bao nhiêu cũng chỉ để trả nợ.
"Giá bố mẹ bằng lòng cho tôi một nửa số tiền ấy làm của hồi môn thì chồng tôi đã không phải làm việc vất vả như vậy. Tôi không thể hiểu được quyết định của bố mẹ mình, về cơ bản đó là hành động bán con gái", người phụ nữ chia sẻ. Cô do dự về việc có nên về nhà hỏi bố mẹ, sợ nếu hỏi thì xảy ra xung đột, còn nếu không hỏi rõ thì cảm thấy khó đối mặt với gia đình mình.
Bài đăng của cô gái nhận được nhiều bình luận lên án như:
"Cha mẹ đòi sính lễ với giá trên trời thực sự không xứng đáng làm cha mẹ"; "Đây là việc bán con gái"; "Tham lam thách cưới số tiền lớn, cuối cùng con gái họ phải è cổ ra làm việc để trả; họ có hiểu điều đó không?"...
Có thể nói ít chủ đề nào gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc nhiều như vấn nạn sính lễ.
Câu chuyện "hét giá" cô dâu khiến nhà trai còng lưng trả nợ vẫn xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần quan trọng của hôn lễ, gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, thậm chí là tài sản như nhà, xe, để trao cho nhà gái.
Đầu năm nay, bài báo với tiêu đề "Cô dâu ở Giang Tây đòi sính lễ nhà trai ở Thượng Hải mức giá 2,75 triệu USD" đã vươn lên dẫn đầu danh sách tìm kiếm trên nhiều nền tảng mạng xã hội, gây xôn xao dư luận nước này. Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn. Đó có thể là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải nào đó mà nhà trai phải tặng nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.
Chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tập tục này. Dù vậy, yếu tố bị coi là trở ngại để ổn định "thị trường hôn nhân" vùng nông thôn này, vấn nạn sính lễ vẫn tồn tại.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ". Tuy nhiên ngày nay, nghi lễ xưa đã nhường chỗ cho "mức giá của cô dâu". Sinh lễ được hiểu cụ thể là "tiền bồi thường" mà nhà trai phải gửi nhà gái và hỗ trợ tài chính với cặp đôi mới cưới.
Tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông và An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ sính lễ cho riêng mình vì sợ bị buộc tội "bán con gái". Thay vào đó, họ đưa lại cho cô dâu để dùng cho cuộc sống sau này.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ". Ảnh minh họa.
Tương tự tại các tỉnh thuộc vùng thượng lưu sông Dương Tử như Tứ Xuyên, Hồ Bắc hay Trùng Khánh, cô dâu cũng là người giữ sính lễ. Ngoài ra, họ còn được cha mẹ ruột cho thêm của hồi môn với tài sản tương đương với nhà trai.
Nhưng ở các tỉnh thành phía nam như Quảng Đông, Phúc Kiến hay Giang Tây, cha mẹ cô dâu là người giữ sính lễ. Họ coi khoản tiền này như hình thức "báo đáp công lao dưỡng dục". Sau đám cưới, cha mẹ chỉ đưa lại cho cô dâu một khoản nhỏ làm của hồi môn.
Theo nghiên cứu của ông Li Yongping, chuyên gia xã hội học của Đại học Nankai, "mức giá cô dâu" cao nhất là khu vực nông thôn ở Hà Nam, phía bắc tỉnh An Huy.
Một trong những lý do khiến các tỉnh thành phía Bắc có mức sính lễ cao vì cha mẹ có thói quen đưa hết tiền cho con gái. Do tiền cuối cùng đều thuộc về vợ chồng mới cưới, nên nhà gái không lo bị buộc tội "bán con gái" và thoải mái "mặc cả". Trong khi đó tại phía nam, nếu nhà gái "đòi quá nhiều" sẽ bị nói "coi con gái như món hàng".
Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ chênh lệch giới tính tại Trung Quốc (như năm 2022 là 104 nam: 100 nữ) là một trong những yếu tố khiến sính lễ "tăng chóng mặt".
Tình trạng sính lễ "tăng không có điểm dừng" khiến cơ hội lấy vợ của nam giới Trung Quốc bị thu hẹp là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.
Đơn cử như tại tỉnh Giang Tây, theo số liệu từ Cục thống kê, GDP tỉnh này đứng thứ 15 trong số 31 tỉnh thành. Trong khi giá sính lễ trung bình của tỉnh lên tới 250.000 tệ (khoảng 900 triệu đồng).
Jiang Chou, một thanh niên đến từ Cám Châu, Giang Tây kể việc kết hôn năm 2014 với cô gái cùng làng. "Giá cô dâu" khi đó là 168.000 tệ (khoảng 600 triệu đồng). Sau đám cưới, người đàn ông này phải nỗ lực làm việc tại Bắc Kinh nhiều năm mới trả đủ số tiền vay để cưới vợ.
Nhưng không phải ai ở Giang Tây cũng đủ khả năng tài chính để lấy vợ như Jiang Chou. Dù năm 2021, luật dân sự Trung Quốc đưa ra quy định "không đẩy giá sính lễ quá cao" và "nhà trai được trả lại sính lễ nếu cặp đôi chưa sống chung hay kết hôn", nhưng nhiều người ở Giang Tây nhận định, điều này khó thực hiện tại địa phương của họ.
"Nếu không đáp ứng đủ sính lễ thì khó lấy vợ lắm", Jiang Chou bộc bạch.
Các chuyên gia đã từng phân tích, cảnh báo nhiều, diễn biến trên "thị trường hôn nhân" như vậy không có nghĩa là giá trị của người phụ nữ trong xã hội tăng lên mà họ càng giống "một món hàng" được mua bán.
Thực tế, nhiều cô gái sau khi kết hôn cũng phải còng lưng trả nợ cho đám cưới của chính mình, bị nhà chồng "khai thác" tối đa để... trừ nợ.
Chênh lệch giới tính cũng gây hệ quả lớn, khiến tình trạng phụ nữ bị cướp đoạt, bị xâm hại diễn ra phổ biến hơn.