Không dám lấy chồng khi nhìn hai chị gái lần lượt ly hôn

Chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, ám ảnh về sự tan vỡ, ly dị là một trong những lý do dẫn đến tư tưởng ngại kết hôn ở nhiều người trẻ.

Không dám lấy chồng khi nhìn hai chị gái lần lượt ly hôn - 1

Nhiều bạn trẻ không còn háo hức bước vào đời sống hôn nhân (ảnh minh họa)

Sống độc thân hoặc thích yêu không ràng buộc đã trở thành xu hướng của nhiều người trẻ hiện đại. Có rất nhiều nguyên nhân khiến họ ngại kết hôn như yêu thích tự do, sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm và những áp lực khác liên quan đến hôn nhân, gia đình… Bên cạnh đó, việc tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân ngày càng gia tăng cũng khiến niềm tin về hạnh phúc gia đình của nhiều người trẻ bị suy giảm. Và khi có thể độc lập về kinh tế, cảm xúc, họ không còn háo hức bước vào đời sống hôn nhân.

Ám ảnh về sự đổ vỡ

Chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, ám ảnh về sự tan vỡ, ly dị là một trong những lý do dẫn đến tư tưởng ngại kết hôn ở nhiều người trẻ. Hằng ngày, những câu chuyện ngoại tình, đánh ghen, hôn nhân đổ vỡ được chia sẻ nhan nhản trên mạng xã hội… hoặc chuyện tan vỡ diễn ra ngay trong gia đình khiến người trẻ sợ “bước vào vết xe đổ” và không sẵn sàng kết hôn.

Phương Thảo (25 tuổi) hiểu rõ điều này hơn ai hết bởi cô có đến hai lần chứng kiến hôn nhân của người thân đổ vỡ. Thảo vốn có tuổi thơ không mấy hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã nhau. Cô nhận ra bố là người đàn ông gia trưởng, lười nhác và vũ phu nhưng cũng bất lực trong việc khuyên mẹ ly hôn. Mẹ cô cam chịu vì muốn ba cô con gái có một gia đình trọn vẹn.

Lớn lên, Thảo lại chứng kiến hai chị gái lần lượt ly hôn, người chị thứ nhất ly hôn vì chồng ngoại tình, người chị thứ hai ly hôn vì mâu thuẫn với gia đình chồng. Niềm tin về hôn nhân của cô gái 25 tuổi hoàn toàn sụp đổ. Cô sợ bước vào “vết xe đổ” của mẹ và hai chị nên không muốn kết hôn.

“Mình nhận thấy kết hôn không hạnh phúc bằng sống độc thân nên từ chối lấy chồng. Mẹ mình, chị mình luôn nói, mỗi người một số phận, họ khổ không có nghĩa là mình cũng khổ nhưng mình vẫn không tin hôn nhân sẽ đem lại hạnh phúc cho mình”, Thảo tâm sự.

Không dám lấy chồng khi nhìn hai chị gái lần lượt ly hôn - 2

Ám ảnh về sự đổ vỡ, nhiều bạn trẻ ngại kết hôn (ảnh minh họa)

Ám ảnh về sự đổ vỡ của Thùy Duyên (29 tuổi) không đến từ việc chứng kiến sự tan vỡ của người khác mà đến từ trải nghiệm của chính mình. Cô từng bị mối tình 5 năm phản bội nên không còn niềm tin vào tình yêu.

Duyên và bạn trai cũ quen nhau từ thời sinh viên. Họ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, chông chênh, hứa hẹn với nhau về một tương lai tốt đẹp. Nhưng khi cả hai ổn định cuộc sống, chuẩn bị bước tới hôn nhân thì cô lại bị bạn trai “cắm sừng”. Phải mất rất nhiều thời gian, cô mới thoát ra được ký ức đau khổ này và kể từ đó luôn ngần ngại trước các mối quan hệ tình cảm.

“Từ sau chuyện buồn đó, mình tập trung nhiều hơn vào bản thân và thấy rằng, yêu đương, kết hôn, sinh con không phải là mục tiêu duy nhất của cuộc sống. Mình tìm thấy nhiều niềm vui khác, thay vì mất thời gian cho một mối quan hệ bấp bênh, mình dành thời gian nâng cấp bản thân, hưởng thụ cuộc sống”, Duyên nói.

Không ít người trẻ dù tích cực với chuyện kết hôn nhưng không thể tìm được đối tượng phù hợp để yêu và cưới. Không hiểu bản thân thực sự muốn gì ở hôn nhân, không có những tiêu chí cụ thể cho người bạn đời khiến họ rối rắm trong việc tìm kiếm vợ/chồng. Bên cạnh đó, ngại yêu, ngại tìm hiểu hoặc bận rộn không có thời gian cho chuyện yêu đương cũng là vấn đề nhiều người trẻ gặp phải.

Ngại kết hôn vì… nghèo

Trong hôn nhân, kinh tế là yếu tố then chốt. Ổn định nhà cửa và kinh tế sẽ giúp các cặp vợ chồng tránh được những xung đột về mặt tài chính, đảm bảo con cái có cuộc sống tốt hơn. Chính vì thế, nhiều người trẻ ngại kết hôn khi chưa ổn định kinh tế.

Nguyễn Hoàng (27 tuổi) chia sẻ, anh muốn có cảm giác chắc chắn khi kết hôn mà sự chắc chắn ở đây chính là nhà cửa và nguồn tài chính vững vàng. Bởi vậy, với mức lương bấp bênh hiện tại, Hoàng không hề nghĩ đến chuyện cưới xin dù đã 27 tuổi.

“Lương bình quân hàng tháng của mình là hơn 10 triệu đồng, với mức lương này, mình không đủ tự tin để yêu chứ đừng nói là cưới. Hơn 10 triệu đồng/tháng lo cho bản thân thì đủ chứ thêm vợ con thì cuộc sống chật vật biết chừng nào. Chưa kể khoản tiền tổ chức đám cưới cũng không hề nhỏ. Nói chung, nhắc đến chuyện lấy vợ là mình thấy lười”, Hoàng chia sẻ.

Minh Nguyệt (32 tuổi) cũng trì hoãn việc kết hôn vì lý do kinh tế. Nguyệt chia sẻ, với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố, cộng thêm việc chưa có nhà, cô lo lắng khi bước vào hôn nhân, cuộc sống sẽ càng thêm chật vật. Nhìn bạn bè làm nhiều công việc cùng lúc vẫn than vãn không đủ tiền thuê nhà, nuôi con, Minh Nguyệt càng thấy ngại lấy chồng.

Nhiều người trẻ quan niệm, chỉ khi có sự nghiệp ổn định, kinh tế vững vàng mới nên tính đến chuyện hôn nhân. Quan niệm này khiến họ thiếu tự tin bước vào hôn nhân khi bản thân chưa thể đạt được những mục tiêu đó.