Đừng lôi những điểm chưa hoàn hảo của vợ/chồng để phê bình và so sánh với người khác. (Ảnh minh họa).
Hôn nhân đổ vỡ không phải là chuyện tình cờ. Nó xảy ra không chỉ trong trường hợp phát hiện người bạn đời ngoại tình mà từ những nguyên nhân vụn vặt, thói quen tưởng chừng vô hại xảy ra hàng ngày. Dưới đây là những lý do phổ biến nhất khiến hôn nhân đổ vỡ:
Sự vô tâm
Sự vô tâm khi không nhận ra những thay đổi của nửa kia và có hành động, lời nói xoa dịu kịp thời là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Nhiều khi chỉ với một câu hỏi thăm, hành động phụ giúp hay những quan tâm yêu thương dịu dàng cũng đủ để đối phương cảm thấy ấm lòng và vui vẻ cả ngày chứ không nhất thiết phải tặng những món quà cầu kỳ, đắt đỏ.
Dành quá ít thời gian cho nhau
Công việc không nên ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống cá nhân. Dĩ nhiên, bạn không nên lờ đi trách nhiệm của mình trong công việc nhưng cũng không nên vì công việc mà bỏ qua trách nhiệm với gia đình.
Dù bận rộn đến mấy các cặp vợ chồng cũng cần sắp xếp thời gian để vun vén, chăm lo cho tổ ấm nhỏ. Chỉ có như vậy bạn mới tránh được tình trạng nhà vắng, bếp lạnh sau giờ làm việc.
Phê bình, so sánh trong hôn nhân
Việc giúp bạn đời sửa chữa sai lầm, hoàn thiện bản thân là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người liên tục lôi những điểm chưa hoàn hảo của vợ/chồng để phê bình và so sánh với người khác. Thậm chí có người còn nhắc đến quá khứ sai trái của đối phương để chỉ trích khiến họ bị tổn thương. Điều đó sẽ khiến "đối tác" cảm thấy mình bị xúc phạm quá mức, gây tác dụng ngược và khiến quan hệ hôn nhân rạn nứt, tan vỡ.
Xúc phạm
Nguyên nhân tiếp theo khiến hôn nhân bế tắc và có nguy cơ đổ vỡ chính là xúc phạm đối phương. Trong cơn tranh cãi người ta thường thiếu kiềm chế, hay dùng những câu từ thô tục để xúc phạm bạn đời. Điều này được ví như "thuốc độc" hôn nhân.
Hãy nhớ dù có tức giận, khó chịu đến đâu cũng không thể thốt ra những câu nói khiến bạn đời đau đớn vì những lời này còn khiến họ tổn thương hơn cả hành động vũ phu bạo hành.
Lừa dối
Nhiều người cho rằng ai cũng có sự riêng tư và bí mật. Tuy nhiên khi đã là vợ chồng thì không nên giấu giếm nhau bất cứ điều gì kể cả chuyện tài chính, bạn bè hay công việc. Hai người nên thành thật, chia sẻ với nhau mọi điều thì hôn nhân mới vững bền. Một khi hành vi lừa dối bị phát giác sẽ khiến bạn đời bị mất niềm tin và cảm thấy bị tổn thương, động chạm tới lòng tự ái.
Mâu thuẫn tiền bạc
Cuộc sống vật chất khó khăn, thiếu trước hụt sau là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình. Những mối lo cơm áo gạo tiền khiến con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích, gây gổ thay vì quan tâm, chăm sóc nhau.
Vì tiền hay nói đúng hơn là vì thiếu tiền, hoặc vì chuyện phân phối tiền không công bằng theo quan điểm của vợ hoặc chồng là nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi đường ai nấy đi. Thông thường, lý do chính gây ra các cuộc cãi lộn trong gia đình, không hẳn là mức sống mà là phương thức chi tiêu tiền. Vì vậy trước khi dắt nhau ra toà các bạn hãy đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc xã hội học để được hướng dẫn kế hoạch hoá ngân sách gia đình.
Im lặng
Sự im lặng quá lâu sẽ tạo nên bức tường xa cách giữa hai vợ chồng. (Ảnh minh họa).
Ông bà ta có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê”. Trong cơn nổi đóa tranh cãi sự im lặng rất cần thiết để cả hai có thể bình tĩnh lại, nhận ra được cái sai của mình và thông cảm với bạn đời. Tuy nhiên nếu im lặng quá lâu, ít giao tiếp với nhau sẽ tạo nên bức tường xa cách giữa hai vợ chồng.
Chỉ khi thẳng thắn giãi bày thì vấn đề mới được giải quyết dứt điểm. Nhiều khi sự im lặng, mất kết nối của hai vợ chồng lâu dần khiến tình cảm nhạt nhòa và dẫn đến sự đổ vỡ hôn nhân.
Sự kiểm soát
Sự kiểm soát, can thiệp quá nhiều vào công việc cũng như mối quan hệ của đối phương sẽ khiến họ cảm thấy ngột ngạt, bức bối. Đừng nhân danh tình yêu để kìm kẹp sự tự do của đối phương bởi mỗi người khi bước vào hôn nhân đều đã là người trưởng thành, nên để họ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn và cuộc sống của bản thân.