Ngay từ giây phút con gái chào đời, Tiểu Triệu (30 tuổi, Trung Quốc) đã không có lấy một ánh mắt trìu mến. Nhìn đứa bé đỏ hỏn trong tay vợ, anh buông lời bông đùa: "Sao chẳng giống anh gì cả, có khi nào bị bế nhầm trong bệnh viện không?"
Vợ anh là Đan Lôi trừng mắt nhìn anh: “Làm gì có chuyện đó, mỗi đứa trẻ đều có vòng tay, hơn nữa con ruột của mình sao lại không nhận ra được?” Dẫu vậy, cô vẫn cố gắng an ủi chồng đừng suy nghĩ linh tinh, nhưng không ngờ, hạt giống nghi ngờ đã âm thầm được gieo vào lòng Tiểu Triệu từ lúc ấy.
Tiểu Triệu.
Đan Lôi là người rất chăm chỉ. Trong thời gian đi làm thuê, cô nhanh chóng được thăng lên vị trí quản lý cấp cơ sở, thu nhập cũng không tệ.
Khi con gái được 5 tháng tuổi, thấy chồng không chịu ra ngoài làm việc, cô đành chủ động đề nghị để chồng ở lại quê tìm việc, còn cô quay lại công ty cũ làm việc để kiếm tiền mua sữa cho con.
Vì bố mẹ chồng giúp trông con, mỗi tháng Đan Lôi đều gửi 2.000 tệ (khoảng 7,1 triệu đồng) về nhà làm sinh hoạt phí, còn tiền mua đồ cho con thì tính riêng.
Trong khi đó, Tiểu Triệu không có công ăn việc làm ổn định, đôi khi tiêu hết tiền còn quay sang đòi vợ, mà Đan Lôi vẫn sẵn lòng cho. Cô cứ nghĩ chỉ cần chăm chỉ, gia đình rồi sẽ có cuộc sống ổn định, tốt đẹp.
Nào ngờ, khi con gái được 4 tuổi, Tiểu Triệu đột nhiên làm ầm lên, lý do là vì con gái không giống mình và anh muốn đi làm xét nghiệm ADN.
Đan Lôi vô cùng tức giận. Chồng không kiếm ra tiền, cô còn có thể bao dung. Nhưng nghi ngờ thân phận của con, tức là đang nghi ngờ sự chung thủy của cô. Vì thế, cô không thể nào nhẫn nhịn được, liền nói với chồng: "Tin hay không tùy anh, không tin thì ly hôn".
Về chuyện này, bố mẹ Tiểu Triệu lại đứng về phía nàng dâu. Bà khẳng định, cháu nội giống hệt Tiểu Triệu hồi nhỏ, không cần phải xét nghiệm ADN.
Trước lời khuyên của bố mẹ, Tiểu Triệu vẫn không để tâm, khăng khăng cho rằng con không phải ruột thịt. Anh còn nói rằng, sau khi cưới, vợ liền đi làm ăn xa, vợ chồng thường xuyên xa cách, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Mẹ Tiểu Triệu đứng về phía con dâu.
Những lời này khiến Đan Lôi nổi giận lần nữa. Cô tức đến mức đứng bật dậy, chỉ tay vào mặt chồng mà nói: “Chúng ta kết hôn khi nào, mang thai khi nào, anh không tự biết à?”
“Tôi cảm thấy đứa trẻ không phải con ruột, vậy thì cô đồng ý đi làm xét nghiệm ADN đi”, Tiểu Triệu cũng không chịu thua.
Để làm xét nghiệm, Tiểu Triệu còn mời cả nhân viên hòa giải của địa phương đến. Cuối cùng, không còn cách nào, Đan Lôi đành đồng ý chuyện xét nghiệm ADN.
Nhân viên xét nghiệm, qua việc so sánh ngoại hình, đã có thể nhận thấy đứa bé khá giống Tiểu Triệu. Nhưng anh vẫn không chịu tin?
Trong quá trình trò chuyện với anh, người ta phát hiện ra gốc rễ của vấn đề chính là sự mất niềm tin. Thì ra, anh được bố mẹ hiện tại nhận nuôi từ nhỏ, và từ lâu nay anh luôn nghi ngờ họ đã mua anh về nuôi.
Trước sự chất vấn của con trai, mẹ anh bật khóc và tiết lộ bí mật nhiều năm. Bà cho biết, bố ruột Tiểu Triệu mất trong một tai nạn, mẹ ruột bị ung thư. Trước khi bệnh nặng, bà nhờ bạn thân chăm sóc con trai.
Đúng lúc ấy, mẹ nuôi hiện tại của anh kết hôn nhiều năm mà chưa có con, nên đồng ý nhận nuôi. Để tránh rắc rối sau này, bà đã làm đầy đủ thủ tục hợp pháp.
Từ đó đến nay, bà luôn coi Tiểu Triệu như con ruột, chưa từng che giấu thân thế. Nhưng Tiểu Triệu vẫn không tin, luôn nghĩ bố mẹ ruột mình là người khác.
Có lẽ chính sự nghi ngờ đó khiến anh mất lòng tin vào tất cả. Anh cảm thấy ai quanh mình cũng đang lừa dối.
Kết quả xét nghiệm ADN cuối cùng đã có. Trên giấy trắng mực đen ghi rõ: “Xác suất quan hệ huyết thống giữa Tiểu Triệu và con gái là 99,9999%".
Tiểu Triệu nhìn bản kết quả, lại thốt ra một câu: “Tôi chưa sẵn sàng để làm bố”.
Cuối cùng, Đan Lôi quyết định ly hôn. Tiểu Triệu nhận được kết quả, nhưng đánh mất gia đình. Trong tình trạng tâm lý bất ổn đó, quyền nuôi con đương nhiên thuộc về Đan Lôi.
Niềm tin – nền móng thầm lặng nhưng vững chắc của hôn nhân
Trong hôn nhân, tình yêu là khởi đầu, nhưng niềm tin mới là sợi dây gắn kết bền vững theo năm tháng. Không có niềm tin, mọi lời thề nguyền cũng chỉ là sáo rỗng, mọi hành động tốt đẹp cũng dễ bị nghi ngờ và méo mó. Một cái nhìn thiếu tin tưởng, một lời nói mập mờ cũng có thể trở thành mồi lửa châm ngòi cho những tổn thương kéo dài.
Niềm tin không phải là thứ có sẵn, mà được xây dựng từng ngày, bằng sự trung thực, kiên nhẫn, và cả những lần tha thứ. Đặc biệt trong những giai đoạn vợ chồng phải sống xa nhau, chia sẻ ít đi, thử thách nhiều lên, thì niềm tin lại càng cần được nuôi dưỡng như một ngọn lửa âm ỉ giữ ấm gia đình.
Hôn nhân không thể tồn tại nếu thiếu đi sự tin tưởng. Bởi lẽ, chỉ cần một vết nứt nhỏ cũng có thể khiến tổ ấm tưởng chừng kiên cố bỗng trở thành chiếc vỏ rỗng, dễ dàng sụp đổ trước những hoài nghi.
Để xây dựng và giữ gìn niềm tin trong hôn nhân, mỗi người cần:
- Trung thực và rõ ràng trong giao tiếp: Thẳng thắn nói về cảm xúc, mong muốn, cả những giới hạn của bản thân. Đừng để sự im lặng tạo khoảng cách.
- Giữ lời hứa, nhất quán trong hành động: Những việc nhỏ như đúng giờ, chia sẻ việc nhà, hay không giấu diếm tài chính… đều góp phần củng cố niềm tin theo thời gian.
- Tôn trọng không gian cá nhân: Tin tưởng không có nghĩa là kiểm soát. Một người chồng hay vợ đáng tin là người không cần theo dõi, nhưng vẫn khiến đối phương an tâm.
- Biết xin lỗi và sửa sai: Sai lầm là điều không thể tránh trong hôn nhân, nhưng cách hành xử sau khi mắc lỗi mới là điều quyết định niềm tin có thể phục hồi hay không.
Hôn nhân không bền nhờ những lời hoa mỹ, mà sống lâu nhờ hai chữ “tin nhau”. Bởi khi niềm tin còn, mọi tổn thương đều có thể hàn gắn. Nhưng một khi niềm tin mất đi, dù có tình yêu, hôn nhân cũng khó bền vững.