Ngày đầu ra mắt mẹ chồng tương lai báo nhà có nợ thì bạn sẽ phản ứng thế nào? Đoán chắc sẽ có người “chạy ngay đi”, nhưng vẫn có người sẵn sàng cùng chồng tương lai gánh khoản nợ này và chị Nguyễn Thị Tuyết Vương (hiện 38 tuổi, làm kế toán, sống tại TP.HCM) là một trong số đó.
Mẹ chồng miền Tây báo nợ 200 triệu, thử lòng nàng dâu ngay ngày đầu ra mắt
Quay ngược thời gian về hơn 12 năm trước, chị Vương theo chân bạn trai về ra mắt nhà anh. Mặc dù gia đình lúc đó không hề mắc nợ nhưng ngay từ lần đầu gặp gỡ, cô Nguyễn Thị Đào (75 tuổi, quê Bến Tre) đã thử thách nàng dâu: “Gia đình bác khổ lắm. Giờ cháu về đây, bác cũng chia sẻ thẳng là nhà bác còn đang thiếu nợ khoảng 200 triệu đồng. Bác cứ nói trước như vậy, cháu thấy sao?”.
“Con nói thiệt là con rất thương anh Minh nên con không nghĩ chuyện giàu nghèo, miễn sao hai vợ chồng thương nhau là được. Còn về khoản nợ thì không sao đâu bác, chúng con sẽ cố gắng, bác đừng lo về khoản nợ này”, chị Vương bình tĩnh trả lời cô Đào.
Chị Vương và cô Đào trong chương trình Mẹ chồng nàng dâu.
Chia sẻ trong chương trình Mẹ chồng nàng dâu, chị Vương cho biết cái chị nghĩ đến lúc đó không phải nợ nần mà là tình yêu của chị dành cho anh Minh (chồng hiện tại của chị). Cho nên, dù lúc đó kể cả mẹ thử thách số nợ 20 tỷ thì chị cũng không đắn đo mà cùng chồng cố gắng để vượt qua.
“Nợ thì mình sẽ trả được nhưng cái tình thì mình sẽ không thể kiếm được người đàn ông như vậy”, chị Vương bộc bạch. Nàng dâu cho biết thêm, ngay từ lần đầu gặp chị đã có ấn tượng tốt với mẹ chồng nhờ tính tình nhân hậu, vui vẻ và dễ gần.
Về phía cô Đào, câu trả lời của chị Vương khiến cô rất ấn tượng và cảm mến ngay. Cô cũng cho hay, cô thử lòng con vậy thôi chứ cô vốn là người dễ tính, tôn trọng con cái. Cô quan niệm: “Con mình ưng đâu thì mình ưng đó. Nếu mình không đồng ý, cấm cản, con không vui, không hạnh phúc thì biết làm sao?”.
Cũng trong lần đầu gặp mặt, chị Vương còn có một ấn tượng đẹp khác với cô Đào. Chị kể, khi về ra mắt chị cũng mặc một bộ đồ chỉn chu, sau đó chị thay bộ đồ ở nhà cho thoải mái, nhưng không ngờ bộ đồ đó lại khá ngắn nên “bị” mẹ bạn trai góp ý ngay. Tuy nhiên, chính sự góp ý chân thành đó lại khiến chị cảm thấy rất vui và gần gũi với cô Đào.
“Bình thường tôi hay mặc quần lửng và áo thun nên cứ nghĩ về quê mặc như vậy cũng được. Mẹ thấy tôi mặc vậy thì mẹ rất khéo, gọi tôi vào phòng bảo: ‘Con ơi, ở quê mình là vùng quê con à, khác với thành phố. Mình nhập gia tùy tục, con có thể thay bộ đồ nào dài hơn không?”. Nghe vậy tôi rất vui, vì mẹ thương nên mới nói với mình, chứ mẹ khó khăn để bụng thì mẹ sẽ nói với chồng là bạn con thế này thế kia rồi. Khi tôi thay bộ đồ ra, mẹ cũng rất vui vì tôi hiểu mẹ”, chị Vương kể lại.
Cô Đào chia sẻ thêm: "3 đứa con dâu đứa nào cũng vậy, mẹ đưa đồ cũ đều lấy mặc hết rồi kéo ra vườn phụ mẹ hết. Tôi thấy thương quá, con dâu mà tính toán thì nó sẽ không dám mặc bộ đồ mình đâu, nó không suy nghĩ gì hết thì nó mới mặc đồ của mình”.
Mẹ thương con dâu hơn con gái ruột và kỷ niệm ngày đi sinh đáng nhớ
Chị Vương là người miền Trung, lấy chồng ở miền Nam nên vào ngày cưới, sau khi tiệc tàn và gia đình về hết, chị không khỏi cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Lúc này, mẹ chồng liền khẽ khàng tới ôm chị và an ủi: “Đây là gia đình thứ hai của con, ba mẹ cũng là ba mẹ của con, có chồng con và các anh chị em ở đây nữa nên con đừng buồn. Con đi vào nhà đi". Hành động đó của mẹ chồng khiến nàng dâu xúc động mãi không thôi, và cũng kể từ giây phút đó, chị coi đây chính là quê hương thứ hai của mình.
Khi về làm dâu, chị Vương không nề hà bất cứ việc gì, cái gì chưa biết thì sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ mẹ để sớm hòa nhập với nếp sống của gia đình chồng. Chị cho biết, chị và mẹ chồng hợp nhau ở nhiều điểm, suốt 12 năm qua mẹ chồng nàng dâu chưa bao giờ to tiếng với nhau mà tình cảm ngày càng thêm khăng khít.
Cô Đào bảo, cô thương cả 3 người con dâu hơn con gái. Cô quan niệm: “Con gái đi lấy chồng, lo chuyện nhà chồng, chỉ thỉnh thoảng mới ghé về chơi. Còn con dâu là người ở cùng, kề cạnh mình suốt đời. Tôi đi mổ, 3 con dâu thay nhau về chăm sóc, tắm rửa cho tôi, còn con gái chỉ về thăm rồi đi”.
Cũng vì thương con thương cháu, sợ các con lo lắng cho mình nên cô Đào cũng cố gắng giữ gìn sức khỏe để các con an tâm công tác. “Trước hà tiện 20% thì giờ chỉ dám hà tiện 10% thôi, bớt bớt lại để các con yên tâm”, cô Đào hài hước nói.
Một kỷ niệm nữa mà chị Vương không bao giờ quên đó chính là ngày chị sinh con gái đầu lòng. Hôm đó khi nghe tin chị đi sinh, cô Đào liền thu dọn quần áo bắt xe lên thành phố chăm con dâu đẻ. Cô chăm con dâu rất cẩn thận, bác sĩ dặn dò gì là cô làm đấy. Mỗi khi thấy con dâu đau, cô lại xót xa, cuống quýt gọi bác sĩ.
Vì sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng chị Vương quên cả dép ở phòng sinh, nên ngày xuất viện chị không có dép để đi. Thấy con dâu không có dép đi, mẹ chồng liền rút đôi dép mình đang đi ra nhường cho con dâu.
“Con mới sinh xong đi dép vào cho đỡ lạnh chân, mẹ đi chân không cũng được, mẹ ở dưới quê đi quen rồi. Nhìn mẹ đi chân không tôi rất thương, mà mẹ bảo tôi không mang thì mẹ buồn nên tôi đành đi. Vậy là mẹ đi chân không từ bệnh viện về dưới quê.
Mà ở dưới quê xe không vào tận nhà được, có một đoạn đường đất sỏi đá mẹ cứ thế đi chân không khiến tôi rất thương. Vì sinh con đầu lòng, hai vợ chồng không có kinh nghiệm, bối rối nên cũng không nghĩ được đến việc ghé chợ mua đôi dép cho mẹ”, chị Vương kể lại.
Không chỉ được mẹ chồng quý mến coi như con gái ruột, chị Vương còn có người chị chồng rất tốt, yêu thương các em. Gia đình chị tuy đông anh chị em nhưng mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó và yêu thương lẫn nhau.