Công việc trước đây của tôi thu nhập khá cao, có nhiều cơ hội thăng tiến nhưng phải thường xuyên di chuyển, đi công tác liên tục. Sau khi kết hôn, sinh con, để có thời gian lo cho gia đình, tôi quyết định chuyển việc về gần nhà, chấp nhận lương thấp hơn, đổi lại có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Tiếc rằng chồng tôi không những không hiểu những hi sinh của vợ. Ngược lại anh lại thường xuyên mang tài chính ra làm cán cân phân chia trách nhiệm gia đình. Anh tự áp đặt tất cả việc chăm con, chăm bố mẹ già, vun vén nội trợ rồi lo việc họ mạc đôi bên đều một mình tôi gánh. Vợ ý kiến, anh cười nhạt bảo:
“Lương cô chưa bằng 1/2 lương tôi, đương nhiên phải làm những việc khác bù vào”.
Mỗi lần tôi ý kiến, anh lại lôi vấn đề lương bổng của hai vợ chồng ra so sánh. (Ảnh minh họa)
Vậy là ngày khỏe cũng như ốm, đi làm về tôi lại phải tất tưởi xoay xở với cả núi việc không tên. Chồng đi làm về chỉ vắt chân xem điện thoại, hoặc ra quán nước ngồi. Vợ nhờ đi đón con, anh gắt:
“Công việc phân chia rõ ràng, cô đừng có đùn đẩy cho chồng”.
Không những thế, mỗi khi có khách tới nhà hoặc ngồi kể chuyện với ai, anh lại mang chuyện vợ thu nhập thấp hơn để khoe rằng, lấy tôi anh không được nhờ vả gì, kinh tế gia đình anh phải lo hết. Không ít lần tôi ức chế nói lại, tuy nhiên anh ngang ngược khẳng định:
“Tôi nói có gì sai. Lương cô chỉ đủ nuôi thân, có giúp ích gì được cho gia đình mà kể công kể của với chồng?”.
Cũng vì kiếm ra nhiều tiền hơn mà chồng tôi sống tính toán, so đo với vợ từng tí. Mỗi khi thấy vợ mua đồ, anh lại xét nét hỏi giá rồi bóng gió:
“Lương bập bõm được vài đồng vẫn chịu khó sắm sửa thế. Đừng có bòn rút vào tiền ăn tôi đưa để mua sắm linh tinh. Tôi phát hiện ra sẽ cắt hết các khoản, lúc ấy cô đừng có kêu”.
Hôm ấy đi làm về muộn, nấu nướng cho cả nhà ăn xong, tôi quay lên giặt quần áo lại thấy máy giặt hỏng nên chạy xuống giục chồng:
“Anh gọi thợ tới kiểm tra máy giặt giúp em. Hoặc không mình mua máy giặt mới cũng được anh ạ. Máy hỏng mấy lần, tiền sửa tốn kém gần bằng nửa tiền mua máy mới”.
Nhìn chồng ngồi im không phản hồi lại, tưởng chưa nghe rõ, tôi giục tiếp. Ai ngờ anh đập bàn quát:
“Không sửa cũng chẳng mua gì hết. Máy hỏng cô không giặt tay được à? Việc cô nhàn, lương thấp thì phải chịu khó làm việc chân tay đi cho đỡ tốn tiền vào các khoản mua máy móc”.
Câu nói của chồng thực sự khiến tôi ức nghẹn họng. Biết rằng có đôi co mãi cũng chỉ to tiếng cãi vã nên tôi lẳng lặng lên tầng. Song ngày hôm sau, thay vì dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu sáng như mọi khi, tôi đưa luôn con ra ngoài ăn, gửi thằng bé vào lớp rồi đi làm. Chồng tôi không thấy vợ, gọi ầm:
“Cô dở chứng gì mà sáng nay để nguyên nhà cửa luộm thuộm không dọn, quần áo bẩn vất ngổn ngang không giặt thế này? Còn đồ ăn của tôi đâu, sao không nấu?”.
Tôi cười đáp:
“Những việc đó chiếm 2/3 thời gian, sức lực của tôi mà lại bị anh xem nhẹ hơn tiền. Vậy nên từ nay tôi không làm nữa, dành thời gian kiếm tiền chẳng phải hơn à?”.
Bị chồng trách mắng, tôi ngó lơ để anh nếm mùi. (Ảnh minh họa)
Vài ngày liên tiếp như thế, chồng tôi bắt đầu hoảng. Đi làm về, mở cửa vào nhà thấy quần áo bẩn để lâu ngày không được giặt bốc mùi hôi hám, nhà cửa bụi bẩn tầng tầng lớp lớp, anh hoảng quá gọi vợ thương lượng. Khi ấy tôi mới lên tiếng:
“Giờ thì anh đã hiểu, những việc không tên, không trực tiếp tạo ra tiền tôi làm mỗi ngày vì cái gia đình này nó đáng giá như thế nào rồi chứ?”.
Anh không quát lại vợ như mọi khi, ngược lại nhẹ nhàng xuống nước:
“Ừ, anh biết rồi. Để anh mua máy giặt mới. Vợ đừng đình công kiểu này nữa. Nhà mình một ngày vắng tay em vun vén là không thể được”.
Từ hôm ấy, chồng tôi bắt đầu thay đổi. Tuy cũng không giúp vợ được nhiều việc nhà nhưng có tham gia, đặc biệt biết trân trọng công sức của vợ chứ không vô tâm như trước nữa.