Tôi và chồng đã kết hôn được 10 năm. Trong mắt người ngoài, đại gia đình tôi rất hòa thuận, nhưng trong mắt tôi thì không phải vậy. Tôi luôn có cảm giác mẹ thiên vị vợ chồng em trai hơn.
Dưới chồng còn một cậu em trai kém 5 tuổi. Chồng tôi ngày trước học kém nên chỉ học hết cấp 3 rồi ra đi làm, còn em chồng lại hoàn toàn khác. Chú học giỏi, trúng tuyển vào trường y, tốt nghiệp ra làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở thành phố, sau đó cưới được cô vợ người thành phố luôn.
Chú kết hôn được 2 năm thì bố chồng qua đời, để mẹ bơ vơ sống một mình không yên tâm nên chúng tôi bàn với nhau ai sẽ là người đón mẹ về sống cùng. Tuy chú có nhà có xe, điều kiện kinh tế tốt hơn nhưng vì tính chất công việc nên hay đi sớm về muộn, sợ chăm sóc mẹ không được chu đáo.
Nhà tôi lại cách nhà mẹ không xa. Ở quê không khí cũng trong lành hơn so với thành phố nên sau khi bàn bạc, mẹ chồng về sống cùng vợ chồng tôi. Còn vợ chồng chú mỗi tháng sẽ gửi thêm cho vợ chồng tôi một khoản để lo cho mẹ, khi nào sắp xếp được thời gian sẽ về thăm bà.
Thực ra tôi không thích ở chung với mẹ chồng, vì bà nổi tiếng khó tính. Song, vì trách nhiệm nên tôi vẫn đón bà về và chăm sóc chu đáo. Mỗi ngày tôi đều dậy dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho mẹ chồng, đưa con đi học rồi mới đi làm.
Mẹ chồng thường xuyên so sánh vợ chồng tôi với vợ chồng chú, nhưng tôi đều không so đo. (Ảnh minh họa)
Dẫu vậy, mẹ chồng vẫn không hài lòng, luôn than ngắn thở dài rồi suốt ngày so sánh vợ chồng tôi với vợ chồng chú. Cái gì chú gửi về bà đều quý như vàng mười, nâng niu, trân trọng, đem khoe khắp làng trên xóm dưới. Còn tôi tặng mẹ cái gì, bà đều dè bỉu, chê đồ rẻ tiền và chẳng mấy khi đụng tới.
Hiểu tính mẹ chồng, tôi chẳng so đo làm gì cho mất hòa khí trong nhà. Cho đến một ngày tôi đổ bệnh, vì không thể dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho mẹ chồng nên tôi đành nhờ chồng trước khi đi làm thì mua cho mẹ cốc cháo ăn tạm. Nhưng mẹ chê cơm đường cháo chợ không ăn, xông vào phòng chửi mắng tôi thậm tệ:
- Cô đừng có giả ốm, bình thường khỏe như trâu có làm sao đâu. Mỗi tháng các em đều gửi về bao nhiêu tiền mà cô chuẩn bị bữa sáng cho tôi cũng không xong. Cô cầm tiền của các em không thấy hổ thẹn à, hay cô dấm dúi số tiền đó về cho nhà ngoại? Cô mau dậy nấu bữa sáng đi, định để bà già này chết đói à?
Bình thường bà bóng gió thì thôi đi, nay còn nói lời cay nghiệt như vậy. Tức giận, tôi liền lên tiếng:
- Mẹ à, mỗi tháng chú gửi về 2 triệu nhưng hộp sữa con mua cho mẹ cũng hơn 1 triệu rồi. Mà cứ cho vợ chồng con không tốn nghìn nào nuôi mẹ đi, nhưng chúng con cũng bỏ công bỏ sức mà. Ngày ngày con nấu cơm, giặt giũ, đấm bóp cho mẹ. Mẹ đi khám bệnh cũng là con nghỉ việc để chở mẹ đi, con có bao giờ kêu than nửa lời không mà mẹ lại nói lời cay nghiệt với con như vậy?
Khi tôi ốm, mẹ chồng vẫn bắt tôi dậy nấu bữa sáng cho bà. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên mẹ chồng vẫn ngang bướng, nói rằng đó là nghĩa vụ của con cái với bố mẹ, rồi trách tôi bất hiếu khi dám cãi lại bà. Sau đó, mẹ nằng nặc đòi lên thành phố ở cùng vợ chồng chú. Không thể thuyết phục được, các con đành chiều theo ý bà.
Nhưng chỉ một tháng sau khi mẹ chồng chuyển đến ở với con trai út, em dâu lại tức giận bỏ về nhà mẹ đẻ, một hai đòi ly hôn. Hóa ra vì khoảng cách tuổi tác, khác nhau trong thói quen sống nên mẹ chồng và em dâu thường xuyên cãi vã.
Em dâu xuất thân từ gia đình giàu có, được chiều chuộng quen rồi nên không giỏi việc bếp núc. Hơn nữa, vì công việc bận rộn nên một ngày 3 bữa thì mất 2 bữa cô chú ăn ở ngoài rồi, giờ mẹ chồng lại bắt dậy sớm đi chợ, cơm nước ngày 3 bữa cho bà thì sao em dâu làm được chứ. Đó là chưa kể tới những việc nhỏ nhặt khác.
Chú đứng giữa lại hay bênh mẹ, khuyên vợ nhẫn nhịn và phụng dưỡng mẹ chồng nên thành ra vợ chồng gần như cãi nhau mỗi ngày. Cuối cùng em dâu bắt chồng phải lựa chọn một là ly hôn, hai là gửi mẹ chồng về lại nhà tôi.
Căn nhà vợ chồng chú đang ở là do bố mẹ em dâu mua cho, giờ ly hôn thì chú phải dọn ra đường ở. Xót con trai, không nỡ các cháu phải xa bố mẹ nên mẹ chồng đành dọn đồ về nhà tôi. Tôi cũng không trách móc bà chuyện cũ, vẫn một lòng chăm sóc mẹ chồng.
Nhưng tôi để ý, từ ngày quay về tính tình mẹ chồng hòa nhã hơn hẳn, không còn so sánh vợ chồng tôi với vợ chồng chú như trước nữa, thỉnh thoảng còn chủ động giúp tôi quét cái nhà, nhặt rau. Có lẽ sau một tháng ở nhà vợ chồng chú, bà đã nhận ra cái sai của mình rồi.