Tôi với chồng yêu nhau 3 năm mới cưới. Trong suốt khoảng thời gian hẹn hò, tài chính 2 đứa luôn minh bạch rõ ràng. Chồng tôi cũng chia sẻ, bản thân anh đi làm mỗi tháng nhận lương đều đưa mẹ giữ hộ vì sợ đàn ông cầm tiền lại tiêu phung phí. Sau này kết hôn, anh sẽ lấy tiền đó lo cho tổ ấm riêng.
Thấy anh biết tu chí như thế tôi cũng mừng. Hơn nữa thi thoảng về nhà anh chơi, gặp mẹ anh niềm nở, vun vén tình cảm cho hai đứa tôi lại càng yên tâm. Vậy nhưng khi ngày cưới hỏi được xác định thì tôi mới nhận ra, mẹ anh có nhiều tính toán hơn tôi nghĩ.
Ngày cưới hỏi được xác định thì tôi mới nhận ra, mẹ anh có nhiều tính toán hơn tôi nghĩ. (Ảnh minh họa)
Để chuẩn bị cho hôn sự, chúng tôi phải mua sắm rất nhiều song chồng tôi giục mẹ đưa lại số tiền đã gửi bà để chủ động chi tiêu, bà lại khó chịu bảo:
“Đám cưới là việc trọng đại chung của 2 đứa, bên nhà gái cũng phải lo một nửa chi phí. Không thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho nhà trai lo được”.
Chồng tôi nói mãi bà mới đưa tiền nhưng đưa tiền theo kiểu “nhỏ giọt”. Thực sự khi ấy tôi đã thấy có chút không thoải mái trong lòng nhưng nghĩ đám cưới sắp diễn ra nên cố nhẫn nhịn cho xong việc.
Rồi cách cưới vài ngày, mẹ chồng tương lai nhắn tin bảo tôi sang nhà bà có việc cần nói. Lúc đầu tôi còn tưởng bà có điều gì muốn dặn dò, nhắc nhở 2 đứa chuẩn bị thêm cho đám cưới. Ai ngờ bà gọi tôi với chồng vào bảo:
“Trước khi 2 đứa chính thức thành vợ chồng, mẹ muốn nói chuyện thẳng thắn với các con về vấn đề tài chính trước và sau kết hôn. Sau này hai đứa là vợ chồng, mẹ không can thiệp nhưng tài sản trước cưới phải minh bạch, rõ ràng. Hôm nay mẹ nói rõ để con hiểu, tài sản trước hôn nhân của con trai mẹ, mẹ sẽ giữ. Đấy là mồ hôi công sức của nó đi làm bao nhiêu năm mới dành dụm, tích cóp được, không cớ gì tính thành của chung”.
Nghe lý lẽ mẹ chồng nói, tôi sốc thực sự vì không thể tin nổi bà lại tính toán tới thế. Hơn nữa trước đấy, chồng tôi nói rằng sau cưới anh sẽ lấy khoản tiền gửi mẹ đưa tôi quản lý. 2 đứa thống nhất tài chính vợ chồng thu về một mối. Ngạc nhiên, tôi đưa mắt nhìn sang chồng. Anh cũng bất ngờ trước hành xử của mẹ mình, ấp úng hỏi lại:
“Mẹ… tiền đó con chỉ gửi mẹ… còn sau cưới con sẽ…”.
Không để con trai nói hết câu, bà sẵng giọng luôn:
“Con không cần nói nhiều,… việc mẹ đã quyết. Hai đứa cứ thế mà làm”.
Tôi đứng bên bèn nhẹ nhàng lên tiếng:
“Vâng, cháu hiểu và rất tôn trọng quyết định của bác. Tài sản trước cưới của anh Vũ (tên chồng tôi) là của riêng anh ấy, giống như cháu, gần 10 năm đi làm cũng để ra được 1 khoản. Năm ngoái cháu đầu tư mua mảnh đất, năm nay giá tăng gấp đôi. Cháu tính bàn với anh Vũ sau cưới sẽ bán mảnh đất ấy mua căn chung cư rộng rãi 2 đứa ở, hoặc dồn tiền xây luôn nhà trên mảnh đất ấy. Nhưng giờ bác đã nói vậy thì thôi, tốt nhất tiền ai người ấy giữ cho thoải mái”.
Quả nhiên vừa nghe tôi nói, mặt bà biến sắc. (Ảnh minh họa)
Quả nhiên vừa nghe tôi nói, mặt bà biến sắc, nhìn rõ vẻ bần thần nhưng tôi cũng không quan tâm mà xin phép về luôn. Song ngay sáng sớm hôm sau bà gọi điện cho tôi bảo:
“Hôm qua bác suy nghĩ mãi. Bác biết các con đang tuổi trẻ, cưới xong thích ở riêng cho nên bác tính tốt nhất làm theo phương án của con. Sau cưới, 2 đứa tập trung tài chính để xây nhà. Bác sẽ giao trả tiền của Vũ cho các con cầm, bác cũng chuẩn bị sẵn 1 khoản gọi là góp thêm với các con”.
Để mẹ anh nói xong, tôi dạ vâng bảo cần thêm thời gian suy nghĩ và bàn bạc với bố mẹ đẻ của mình. Thực ra, phần nào hiểu tính mẹ chồng tương lai tính toán quá, tôi mới cố tình nói thế để bà hiểu rằng, con trai bà có tài sản trước hôn nhân thì tôi cũng có, thậm chí còn nhiều hơn. Có điều đã xác định là vợ chồng thì đừng tính toán của chung của riêng. Quan trọng là phải biết tập trung vun vén cho tổ ấm, khi ấy cuộc sống hôn nhân mới bền vững, dài lâu được.