Trẻ đến tuổi dậy thì là thời điểm rất nhạy cảm và khó khăn của cha mẹ trong việc trò chuyện và dạy dỗ con cái. (Ảnh minh họa)
Chị Thu Phương, mẹ em Bình, học sinh lớp 7 cho biết: Trước đây, con trai chị rất ngoan, chăm chỉ làm việc nhà giúp mẹ. Từ khi lên cấp 2, Bình đổi tính, thích thể hiện mình. Cách đây 1 tuần, chị Phương phát hoảng khi thấy con trai về nhà với cái đầu nhuộm vàng hoe. Chị Phương ra lệnh ngày hôm sau phải đi nhuộm tóc đen lại nhưng cu cậu không nghe. Bực mình, chị Phương ra "tối hậu thư": Nếu không nhuộm đen tóc lại thì đừng về nhà, thế là Bình bỏ nhà đi luôn.
Tuấn, 14 tuổi, bị mẹ cấm không được lên mạng chơi điện tử đã trốn mẹ ra hàng Internet ngồi lì cả ngày. Khi mẹ tìm được ở hàng Nét, Tuấn còn "mặc cả": Nếu không cho lên mạng ở nhà sẽ bỏ đi xa hơn để mẹ không tìm được.
Rất nhiều cha mẹ có con ở tuổi dậy thì đã phải thốt lên "tức đến phát khóc" hoặc "tức đến phát điên" khi con cái "bật" lại.
Theo BS Nguyễn Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tượng dậy thì là một hiện tượng sinh lý trong phát triển, nhưng liên quan đến biến đổi nội tiết, nên dễ dẫn đến các rối loạn, biến đổi trong đời sống tâm sinh lý của các em.
Ở góc độ nội tiết, sự hoạt hóa của tuyến yên, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận được tăng cường, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về chiều cao, trọng lượng cơ thể, các biểu hiện sinh dục phụ xuất hiện. Mặt khác, sự thay đổi trong lĩnh vực động cơ của nhân cách diễn ra cùng với động cơ học tập, nhu cầu trong giao tiếp bạn bè, việc lĩnh hội các chuẩn mực và giá trị môi trường của thiếu niên cũng bắt đầu diễn ra. Trong quan hệ với cha mẹ, trẻ muốn thoát khỏi sự áp đặt quan điểm dẫn đến việc trẻ hay làm ngược với ý muốn của cha mẹ.
Với trẻ gái ở cuối độ tuổi này có những biến đổi sâu xa và mạnh mẽ về tâm sinh lý. Trẻ thường thích rút vào một góc riêng ngay nơi chốn đông người. Đối với các bạn trai đồng trang lứa, các em gái tự nhiên thấy mình lớn hơn hẳn cả về vóc dáng lẫn những suy nghĩ và sở thích, chẳng còn say mê những trò chơi nghịch ngợm con nít của lũ con trai như trước đây.
Trong học tập, các em gái chịu khó chuyên cần và đương nhiên trổi vượt hơn các bạn trai, nhất là ở các môn ngoại ngữ, văn học, sử ký, địa lý và sinh vật. Nếu cho các em học các loại nhạc cụ như organ, dương cầm, đàn tranh ngay từ độ tuổi này, các em gái sẽ rất mau tiếp thu và phát triển năng khiếu nghệ thuật âm nhạc hơn các em trai.
Trẻ gái ở cuối độ tuổi dậy thì có những biến đổi sâu xa và mạnh mẽ về tâm sinh lý. (Ảnh minh họa)
Với trẻ trai, có thể thần tượng là một cầu thủ bóng đá nếu các em mê chơi môn túc cầu, bản thân sẽ bắt chước lối đi bóng, đầu tóc, số áo và cả đến những sở thích nho nhỏ của cầu thủ thần tượng ấy, không những ở các mặt tốt mà luôn cả các tật xấu. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng đừng quá lo lắng về điều này vì là thần tượng nên trẻ dễ thay đổi theo thời gian từ người này sang người khác. Bạn chỉ cần gợi ý cho trẻ những mẫu thần tượng mà bạn cho rằng đáng tin cậy.
Việc cần làm của cha mẹ khi có con ở tuổi dậy thì là nên làm bạn với con để cùng con vượt qua mọi khủng hoảng của lứa tuổi dậy thì để sau này các con sẽ can đảm và sáng suốt vượt qua nhiều khó khăn còn lớn hơn nữa trong cuộc đời. Đừng để con mình hụt hẫng, thiếu sự hướng dẫn nghiêm túc, khiến con rơi vào tình trạng tự mình mầy mò khám phá mà tự định hình những quan niệm và mặc cảm tai hại khôn lường về tính dục.