Khi mẹ chồng đi khỏi, Giang bật khóc nức nở. (Ảnh minh họa)
Tùng và Giang kết hôn được 4 năm nhưng chưa có con. Hai vợ chồng thuê một căn nhà nhỏ ở Hà Nội để đi làm công nhân.
Nhà Tùng ở Hà Nam còn Giang quê Sơn La. Mỗi Tết, hai vợ chồng Giang đều về quê nội ăn Tết cùng bố mẹ. Từ ngày lấy chồng, do đường xa, Giang mới chỉ về ngoại chơi Tết được 1 lần. Số lần cô về quê thăm bố mẹ đẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tết này, Giang ngỏ ý muốn về ngoại sớm hơn từ mùng 2 để ăn Tết cùng bố mẹ nhưng bị gia đình nhà chồng từ chối khéo. Dẫu cảm thấy không thoải mái nhưng Giang vẫn cố gắng lo chu toàn mọi việc ở nhà chồng.
Tuy nhiên, năm nay, do kinh tế khó khăn, thu nhập của cả hai vợ chồng Giang đều bị giảm sút. Thưởng Tết cũng bị cắt giảm nhiều so với năm ngoái.
Cầm 12 triệu về quê lo cho cả dịp nghỉ Tết, Giang cũng phải đau đầu vì quá nhiều thứ phải lo. Sau khi cân nhắc, hai vợ chồng thống nhất cắt giảm 80% khoản lì xì đầu năm mới cho trẻ nhỏ. Chỉ mừng tuổi những chỗ thân thiết. Số tiền sẽ dao động từ 10 đến 50 nghìn đồng tùy mức độ.
Ban đầu, Giang cũng không nghĩ ngợi quá nhiều về vấn đề này. Cô chỉ nghĩ có nhiều mừng nhiều, ít mừng ít. Hơn nữa, mừng tuổi trẻ con để lấy may đầu năm mới nên ít nhiều cũng là tấm lòng của vợ chồng cô rồi.
Vả lại, vợ chồng cô cũng chưa có con, không phải "mừng trả nợ" ai nên cũng không nặng nề. Nghĩ vậy, Giang vẫn như mọi lần, cẩn thận bỏ tiền vào phong bao lì xì đỏ với nhiều hình thù ngộ nghĩnh và vui vẻ mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong ngày đầu năm. Thế nhưng, mọi chuyện lại không hề đơn giản như Giang nghĩ.
Mới mùng 2 Tết, vừa dứt cuộc điện thoại với mẹ đẻ để hỏi han không khí Tết trên quê, Giang đã bị mẹ chồng dội cho gáo nước lạnh vì một chuyện vốn dĩ không đáng bị đem ra nói ngày Tết.
"Hôm nay mẹ vào trong xóm chơi Tết, thấy bà Nga nói bóng gió là chả biết năm nay kinh tế khó khăn thế nào, đến vợ chồng thằng Tùng, cái Giang mọi năm toàn mừng tuổi 50 nghìn trở lên mà năm nay giảm xuống còn có 10 nghìn. Giá cả thì leo thang, 10 nghìn giờ chỉ mua được mớ rau", bà Tuyết – mẹ chồng Giang nói.
Nghe xong, Giang sững người nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường.
"Mẹ ơi, năm nay kinh tế khó khăn thật ấy. Nhiều người bị mất việc còn không có tiền mà tiêu Tết. Mình cũng phải tiết kiệm để đủ chi tiêu mẹ ạ. Bọn con còn lên Tết ngoại nữa", Giang giải thích với mẹ.
"Ừ biết là thế nhưng các bà ấy nói giọng dè bỉu lắm. Thà không có thì thôi, thời đại nào rồi mà còn mừng tuổi 10 nghìn. Con cứ mừng tuổi lấy 20, 50 nghìn. Khi nào lên quê con thì mừng 10 nghìn cũng được. Trên ấy nghèo, 10 nghìn còn có giá chứ dưới này đúng là 10 nghìn chỉ mua được mớ rau", bà Tuyết chép miệng nói.
Chưa đợi Giang đáp lời, bà Tuyết tiếp tục nói: "À, mọi người còn bảo vợ chồng con đi khám xem thế nào chứ 4 năm rồi mà không con cái gì. Cẩn thận lại một đống tiền chữa đẻ thì khổ".
Nghe đến đây, Giang sững người. Hóa ra, không phải mẹ chồng đồng cảm với cô mà bà cảm thấy xấu hổ với hàng xóm khi con dâu mừng tuổi 10 nghìn. Không những thế, bà còn khinh rẻ quê cô nghèo. Sau tất cả, hay đây chỉ là cái cớ để bà nhắc nhở chuyện con cái của vợ chồng cô trong ngày đầu năm này.
Khi mẹ chồng đi khỏi, Giang bật khóc nức nở. Bao nhiêu năm đi lấy chồng, cô luôn vun vén cho gia đình nhà chồng. Nhớ bố, nhớ mẹ còn không được về Tết sớm, nhẫn nhịn cho yên cửa yên nhà mà giờ chỉ vì chuyện mừng tuổi ít, mừng tuổi nhiều mà cô bị đem ra dè bỉu chuyện con cái.
Càng nghĩ, Giang càng xót xa…