5 năm làm dâu ở nhà chồng thì không ngày nào tôi được yên bình. (Ảnh minh họa)
Tôi năm nay 30 tuổi, tôi hiện làm mẹ đơn thân của một bé gái 3 tuổi. Tôi mới ly hôn chồng được 3 tháng. Tòa xử tôi được quyền nuôi con. Mẹ con tôi giờ vẫn ở trọ chứ chưa có nhà riêng. Cuộc sống tuy vẫn còn thiếu thốn nhưng tôi cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Sau mỗi ngày làm việc, được về đón con, ôm chầm lấy con là bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền trong tôi tan biến hết.
Tôi lấy chồng năm 25 tuổi. Chồng tôi làm kỹ sư IT cho một công ty của Nhật với mức lương cao. Nhìn bề ngoài, anh khá hiền lành, chững chạc. Ngày mới về ra mắt, mẹ anh cũng đon đả, cười cười nói nói nên tôi nghĩ bà cũng là người hiền lành, dễ tính. Nhưng mọi chuyện khác hẳn kể từ khi tôi về nhà anh làm dâu.
5 năm làm dâu ở nhà chồng thì không ngày nào tôi được yên bình. Mẹ chồng để ý, bắt bẻ tôi từng tí một. Mẹ chồng tôi nói rất nhiều. Bà quen thói chỉ tay năm ngón. Trong nhà chồng tôi còn bố chồng nhưng ông chẳng quyết được điều gì. Mọi chuyện trong nhà, từ con cá đến mớ rau muống, đều do mẹ chồng tôi quyết hết. Cái gì đúng ý bà thì không sao. Nếu làm trái ý bà thì nhất định bà không để yên.
Kể từ khi về làm dâu, ngày nào tôi cũng lo cơm nước, dọn dẹp đầy đủ. Ngay cả những hôm ốm mệt, tôi cũng cố gượng dậy làm. Nhưng dù có cố gắng thế nào, tôi cũng không thể làm vừa ý bà. Mẹ chồng tôi ở nhà rảnh rang, bà không cơm nước, dọn dẹp mà sang hàng xóm tám chuyện. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu bà không tám chuyện về tôi, nói xấu tôi và để tôi nghe thấy.
Không những thế, mỗi lần sang thăm nhà thông gia, mẹ chồng lại ngồi kể xấu tôi một thôi một hồi với bố mẹ. Rồi bà còn chê bố mẹ tôi không biết dạy con. Tôi biết chuyện, cảm thấy vừa cay đắng, vừa ức chế.
Tôi nhiều lần đòi chồng cho ra ngoài ở riêng. Tôi chấp nhận thuê nhà ở gần bố mẹ chồng cũng được nhưng tuyệt đối không ở cùng. Tuy nhiên, chồng tôi vốn tính nhu nhược. Anh được bố mẹ bao bọc lâu ngày nên cứ muốn sống mãi trong vòng tay của bố mẹ. Anh nói cả nhà có mình anh là con trai. Nếu ra ngoài ở riêng, anh sợ bị mọi người cười chê rồi nói ra, nói vào.
Ngày đến làm thủ tục ly hôn, chồng tôi đến từ rất sớm. Anh có vẻ gầy và già đi. Anh hỏi tôi có còn thương anh không, sao tôi lại làm như thế. (Ảnh minh họa)
Đến khi con gái ra đời, mâu thuẫn giữa tôi với mẹ chồng càng lên đỉnh điểm. Bà vốn không thích cháu gái nên tôi nhờ bà trông cháu, bà liên tục kêu than mệt mỏi, con tôi quấy khóc. Tôi thấy vậy nên cho cháu đi nhà trẻ. Bà mắng tôi không thương con, không thèm nhờ mẹ chồng. Đêm đó, vợ chồng tôi cãi nhau vì tôi muốn ra ngoài ở riêng nếu không tôi sẽ đơn phương ly hôn và giành quyền nuôi con.
Thấy vợ chồng tôi to tiếng, mẹ chồng tôi chưa nghe ra gì đã bênh con trai chằm chặp. Bà mắng mỏ, xỉa xói tôi là loại con dâu mất nết, bất hiếu. Bà ủng hộ chuyện vợ chồng tôi ly hôn và tuyên bố xanh rờn là bà sẽ cưới vợ khác cho con trai bà trong vòng "một nốt nhạc".
Giữa đêm, tôi để lại lá đơn xin ly hôn và đưa con về nhà ngoại. Trong thời gian đó, chồng tôi có gọi điện, nhắn tin và vài lần đến đón mẹ con tôi về nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói sẽ không về ở nhà đó nữa. Sau 3 lần hòa giải bất thành, tòa xử chúng tôi đồng thuận ly hôn. Tôi được quyền nuôi con gái.
Ngày đến làm thủ tục ly hôn, chồng tôi đến từ rất sớm. Anh có vẻ gầy và già đi. Anh hỏi tôi có còn thương anh không, sao tôi lại làm như thế. Tôi không nói gì. Anh nói: "Mẹ anh giờ già rồi. Mẹ chẳng sống được bao lâu nữa. Anh muốn báo hiếu với mẹ cho trọn vẹn. Nếu mai này em chưa lấy ai. Anh sẽ đến tìm em và bù đắp cho em. Ta sẽ làm lại từ đầu."
Nghe anh nói thế tôi chỉ cười nhạt: "Thôi phận em mỏng, chắc không có diễm phúc ấy lần 2 đâu. Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!"
Tôi dắt con bước đi, không quay đầu nhìn lại. Dù tôi biết, ở đằng xa, anh vẫn đang đứng nhìn mẹ con tôi.