Theo trang 163, chị Viên ở Quý Dương, Quý Châu (Trung Quốc) là chủ của một siêu thị nhỏ. Năm 2020, chị quen biết với một người đàn ông họ Trần. Người đàn ông này tự giới thiệu bản thân là “chủ tịch giàu có” của một công ty thương mại điện tử quốc tế. Chỉ sau vài tháng chính thức hẹn hò, Trần đột nhiên đề nghị chị Viên nhập một lô giày về bán trong siêu thị.
"Thời điểm đó, tôi đang mở một siêu thị và không thể bán hàng với số lượng nhiều như vậy được. Thế nhưng anh Trần lại nói rằng buôn bán càng nhiều thì kiếm càng nhiều tiền. Theo đó, siêu thị sẽ phát triển hơn", chị Viên kể lại.
Mừng thầm vì nghĩ bạn trai lo cho sự nghiệp của mình, chị Viên đã nghe theo lời Trần, nhập về hơn 3.600 đôi giày với tổng tiền hàng là 250.000 NDT (hơn 888 triệu đồng). Thời điểm hàng nghìn đôi giày về tay, chị Viên đã nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai của cả hai.
Trước đó, chị Viên từng hoài nghi và lo không thể bán được số giày nhập về. Lúc ấy, Trần cam đoan với chị: "Anh có mấy nghìn cửa hàng nhỏ. Em chỉ cần bán số giày cho các chuỗi cửa hàng này là được. Lượng hàng theo đó cũng hết nhanh thôi".
Người phụ nữ khốn đốn vì còn tồn hơn 2.300 đôi giày trong nhà.
Siêu thị của chị Viên vốn đang kinh doanh tốt nhưng vì bỏ ra số tiền lớn đầu tư cho số giày kia nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Bên cạnh số tiền đầu tư 250.000 NDT mua giày bán sỉ, chị Viên còn bị Trần dụ bỏ vốn mua tiền ảo.
Chị Viên cho hay: "Anh ta bảo tôi đầu tư vào một nền tảng tiền ảo gọi là RADR. Anh ta nói vợ chồng phải đồng tâm và tin tưởng lẫn nhau. Giá trị sau này có thể lên đến hơn trăm triệu NDT. Giàu rồi thì chúng ta có thể cùng nhau đi du lịch".
Nghe theo lời ngon ngọt của Trần, chị Viên đã bỏ ra gần 160.000 NDT (hơn 568 triệu đồng) để mua tiền ảo. Trần nói rằng cứ đến tháng 5 hàng năm thì tiền ảo sẽ tăng giá, khi đó chỉ cần bán ra thì sẽ kiếm được số tiền lớn. Chẳng ngờ, nền tảng tiền ảo RADR đột ngột dừng hoạt động khiến chị mất trắng hơn nửa tỷ đồng. Trong khi đó, số giày nhập về cũng không bán được bao nhiêu, hiện còn lại tới hơn 2.300 đôi.
Mất số tiền lớn, siêu thị nhỏ của chị Viên có nguy cơ phải đóng cửa. Trần lúc này mới lộ bộ mặt thật là một kẻ lừa đảo. Hóa ra, hình tượng “chủ tịch giàu có” là do anh ta tự tạo nên để mê hoặc và đánh lừa chị Viên. Khi thấy chị sắp mất hết tất cả, anh ta ngang nhiên đòi chia tay với chị.
Theo lời Trần, hai lần đầu tư trước đó là chị Viên tự nguyện, không liên quan đến anh ta. Bản thân anh ta chỉ là người đưa ý kiến, chị Viên mới là người quyết định mọi chuyện. Bỗng chốc mất cả tình và tiền, chị Viên vừa đau lòng vừa tức giận nhìn những hộp giày chất đống trong nhà, quyết định báo cảnh sát để nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, chị cũng đang cố gắng bán những đôi giày để gỡ gạc lại phần nào tiền vốn.
Trước đó, một người phụ nữ họ Zhang ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bị bạn trai lừa hơn 28 tỷ đồng với lý do “đầu tư cho tương lai của chúng mình”.
Cụ thể, chị Zhang quen người đàn ông họ Yang (46 tuổi) qua một trang web hẹn hò có tên Jiayuan. Yang tự giới thiệu bản thân là nhân viên tài chính ngân hàng. Biết chị Zhang đang có ý định mua nhà cho con, Yang nói anh ta đang để ý một căn biệt thự giá 70 triệu NDT. Anh ta còn đồng ý bán căn nhà trị giá 20 triệu NDT của mình và chuyển vào biệt thự sống cùng mẹ con chị Zhang.
Sau đó, anh ta dụ chị Zhang mở một liên kết có tên Trung tâm giao dịch tiền tệ kỹ thuật số Singapore, khẳng định chắc nịch rằng mua tiền ở đây chắc chắn sẽ không bị lỗ, trái lại còn có khả năng đẻ lãi rất cao. Như vậy, hai người không chỉ có tiền mua biệt thự mà còn thoải mái sống sung sướng về sau.
Trong khoảng thời gian từ 24/3 đến 9/4, chị Zhang chuyển cho Yang hơn 8 triệu NDT, trong đó có hơn 2 triệu NDT là tiền đi mượn. Tuy nhiên, chị Zhang nhanh chóng phát hiện tiền trong liên kết đó không rút ra được, trong khi Yang cũng biến mất. Sự việc sau đó đã được trình báo lên cảnh sát.