Tôi là người chịu ấm ức nhất với những lần trách móc, giận dỗi vô cớ từ mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Đi lấy chồng thấm thoát đã 8 năm, cuộc sống sau hôn nhân của tôi đáng lẽ rất mỹ mãn nếu không bị mẹ chồng "quay xe", ghét tôi từ mấy năm nay. Đã từng có mấy năm tôi được lòng mẹ chồng lắm, bà rất ưng ý vì tôi ngoan ngoãn, chịu khó và luôn coi trọng gia đình nhà chồng.
Đẻ đứa đầu, tôi được mẹ chồng tạo điều kiện hết mức, từ trông cháu, đến giúp tôi cả việc pha sữa, nấu cháo cho con ăn… Cho đến khi cách đây mấy năm, sức khỏe của mẹ chồng tôi không tốt, bà bị bệnh đau dạ dày, từ đó bị ám ảnh bởi các món ăn mà bà cho là ăn vào sẽ làm đau dạ dày.
Mẹ chồng bị đau dạ dày tôi cũng lo lắng lắm, tìm mọi cách để đưa mẹ đi thăm khám, rồi còn hỏi những bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày… Song, có lẽ mẹ chồng tôi vì suy nghĩ nhiều quá nên thành ra, không nghe con cháu lại cứ nghe người ngoài, ai mách uống thuốc gì cũng uống, ai bảo ăn cái này, uống cái kia mà bị đau dạ dày là mẹ tôi "cạch mặt" không ăn.
Áp lực mỗi ngày lại đổ dồn cho tôi, tôi đi chợ mua gì, nấu nướng ra sao cũng phải hỏi mẹ chồng cho thật kỹ, nhưng thực tế tôi không thể biết được hết ý muốn của mẹ chồng. Nấu cơm khô mẹ chồng giận, bỏ bát không ăn. Nấu canh cho một chút cà chua thôi mẹ chồng tôi cũng giận.
Tôi nghĩ, người già lại có bệnh thì ai cũng thế, có khi lúc mình già lại kiêng hơn thế í. Một hôm, mẹ chồng tôi nói thích ăn cá, tôi vui vẻ ra chợ mua một con cá to về ăn, phần đầu đuôi nấu canh, phần thân cá làm một nồi cá kho thật ngon. Dọn cơm ra, tôi hí hửng mời cả nhà ra ăn, nhưng niềm vui của tôi sớm vụt tắt.
Mẹ chồng tôi gắp một chút cá kho ăn thử rồi lè lưỡi chê: "Bỏ cả cân hạt tiêu vào à mà sao cay thế!". Tôi giải thích: "Con chỉ cho vài lát giềng và một chút hạt tiêu xay rắc vào gọi là lấy vị, không cay chút nào đâu ạ". Mẹ chồng tôi tỏ vẻ không hài lòng, bà không ăn cá kho nữa mà chuyển món canh cá.
Tôi đang ăn mà thót tim vì nghe tiếng mẹ chồng tôi để mạnh cái bát xuống bàn ăn, bà quẳng đũa xuống và nổi giận: "Tao không ăn cay bỏ ăn cá kho đã đành, giờ canh cá cũng nấu chua loét thế này, muốn tao bục dạ dày, chết sớm à?". Rồi bà bỏ ăn đi thẳng vào phòng ngủ đóng cửa cái rầm.
Bố chồng và chồng tôi ăn cá đều cho rằng tôi không hề có ác ý, cá kho chỉ có chút hạt tiêu làm cho các bớt tanh và thơm hơn. Canh chỉ vài lát dứa, khế để lấy vị chua thanh, chứ không hề chua loét. Nếu không, còn gì là món cá nữa. Mọi người an ủi, nhưng lúc đó tôi cảm thấy tủi thân lắm, tôi cố gắng nấu ăn ngon, vậy mà...
Sau bữa ăn hôm đó, mẹ chồng tôi hoàn toàn thay đổi cách đối xử với tôi. Mẹ chồng tôi cả ngày không nói với tôi câu gì, coi tôi như không có ở trong nhà. Bà tự vào bếp để nấu món ăn cho riêng mình… Đến lúc tôi sinh đứa thứ 2, mẹ chồng tôi cũng không quan tâm, cũng không giúp đỡ tôi nữa. Tôi thành chủ đề nói xấu của mẹ chồng mỗi ngày đi tập thể dục, đi chợ với các bà hàng xóm.
Mẹ chồng tôi tính rất tốt, nhưng do tuổi tác và ám ảnh bệnh tật mà thay đổi tính nết, đã ghét rồi thì tôi làm gì cũng không vừa lòng nữa. Vợ chồng tôi đủ điều kiện để ra ngoài ở riêng nhưng không nỡ, vì muốn ở cùng để chăm sóc bố mẹ. Nhưng ở lại, tôi là người chịu ấm ức nhất với những lần trách móc, giận dỗi vô cớ từ mẹ chồng.
Bị mẹ chồng ghét, muốn tôi ra khỏi nhà chỉ vì những lỗi ngớ ngẩn, tôi phải làm gì để được mẹ chồng quý mến, chung sống hòa bình như lúc trước?
(Độc giả giấu tên)