Nhờ những tố chất bẩm sinh cộng với sự nỗ lực gấp nhiều lần so với những người bạn cùng trang lứa, “ngọc nữ” của bóng đá Việt Nam - Văn Thị Thanh không mất quá nhiều thời gian để khẳng định hình ảnh trên sân cỏ. Cô có mặt ở đội tuyển quốc gia khi mới 17 tuổi, gặt hái về nhiều thành tích ấn tượng sau thời gian huấn luyện chuyên nghiệp.
Tại SEA Games 22 trên sân nhà, trong giải đấu lớn đầu tiên của sự nghiệp, Văn Thị Thanh ghi bàn thắng quyết định giúp đội tuyển nữ nước nhà có được tấm huy chương vàng. Cô nhận danh hiệu Quả bóng vàng năm 2003; Quả bóng Bạc năm 2005 và là 1 trong 10 vận động viên xuất sắc của thể thao Việt Nam năm 2003 và 2005.
Cô có mặt ở đội tuyển quốc gia khi mới 17 tuổi.
Năm 2011, Văn Thị Thanh chính thức giải nghệ và lên xe hoa với người bạn học cùng đại học. Cả hai có với nhau một bé trai kháu khỉnh. Những tưởng đây là cái kết viên mãn cho tuyển thủ xuất sắc nhất của bóng đá nữ Việt Nam. Thế nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ, cô và chồng đi đến quyết định chia tay sau 6 năm chung sống.
Tốc độ, khéo léo cộng thêm những cú sút uy lực đã làm lên một Văn Thị Thanh mạnh mẽ trên sân cỏ. Ấy vậy mà đứng trước những sóng gió cuộc đời, cô lại đối diện bằng sự dịu dàng, nhẹ nhàng cực kỳ nữ tính.
Nhắc đến cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm, Văn Thị Thanh vẫn không khỏi tiếc nuối bởi cô dành cả thanh xuân để cố gắng cho tình yêu. Cũng chính vì thế mà khi hôn nhân gặp trục trặc, người phụ nữ mạnh mẽ, dứt khoát trên sân cỏ vẫn mất hai năm lưỡng lự giữa việc bước tiếp hay dừng lại. Ngọn lửa cháy mãi cũng đến lúc tàn, khi mọi cố gắng đều trở nên vô ích, cô và chồng quyết định chia tay trong lặng lẽ, đến bố mẹ hai bên cũng không hề hay biết.
Văn Thị Thanh giải nghệ và lên xe hoa với người bạn học cùng đại học nhưng ly hôn sau đó.
Chia tay trong yên lặng, Văn Thị Thanh một mình gặm nhấm nỗi buồn. Cô trở nên khép kín, ít nói và tìm đến những bản nhạc buồn, những bộ phim đẫm nước mắt như một cách để nuông chiều cảm xúc. Thanh tận hưởng nỗi buồn đến khi không thể buồn hơn được nữa, cũng là lúc cô nhận ra mình nên triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực đang ngày một ghì chặt bản thân.
Dường như những khổ luyện trong thể thao đã tạo nên khả năng chịu đựng nghịch cảnh ở các vận động viên thi đấu đỉnh cao. Ở Văn Thị Thanh và kiện tướng wushu Nguyễn Thúy Hiền đều có một điểm chung đó là bản lĩnh dám chấp nhận và đương đầu với những biến cố. Họ chỉ khác nhau ở chỗ, nếu như Thúy Hiền đã tự tạo “đề kháng” với nỗi buồn thì Văn Thị Thanh xem nỗi buồn như một loại vắc-xin, tiêm vào người để rồi không còn nỗi buồn nào có thể làm tổn thương cô một lần nữa.
Văn Thị Thanh một mình gặm nhấm nỗi buồn.
Trước khi ly hôn, con cái luôn là nguồn cơn của những đấu tranh tư tưởng, thì sau khi ly hôn, những đứa con chính là niềm an ủi, là động lực để mỗi người nhận ra “mình không thể buồn được mãi”. Văn Thị Thanh cũng không ngoại lệ. Cậu con trai chính là động lực để cô vực dậy tinh thần sau những ngày sống trong nước mắt.
Nghĩ đến con, cựu tiền vệ của đội tuyển nữ Việt Nam bắt đầu làm đủ nghề để lo cho cuộc sống. Thanh quay lại với niềm đam mê bóng đá ở vai trò huấn luyện viên. Đến thời điểm này, cô vẫn giữ quan điểm rằng “bóng đã đã sinh ra Văn Thị Thanh lần thứ hai”. Bởi đến với bóng đá, cô có tên tuổi, có kinh tế và có thể thay đổi bản thân sau bao biến cố trong cuộc sống.
Có thể nói cuộc đời đã chuyền cho Văn Thị Thanh một đường bóng chứa đựng bao khó khăn thử thách. Bằng bản lĩnh của “quả bóng vàng Việt Nam”, cô đón nhận, xử lý bóng và xuất sắc dứt điểm. Trong “trận đấu” về hôn nhân, Văn Thị Thanh có thể thất bại. Nhưng khi đứng trước những thử thách của cuộc đời, cô là người đã ghi bàn thắng quyết định. Để giờ đây khi đã vượt qua đủ những cung bậc cảm xúc sau ly hôn, cô nhận ra chính mình sẽ mang đến niềm vui cho bản thân, sẽ mở lòng hơn với những mối quan hệ mới dù có ít nhiều thận trọng sau một lần vấp ngã.
Những đứa con chính là niềm an ủi, là động lực để cô vượt qua nỗi buồn.
Ai đó sẽ nói rằng chỉ những người phụ nữ mạnh mẽ mới có thể tự mình vượt qua những khó khăn hậu ly hôn. Nhưng cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh đã chứng minh điều ngược lại. Tự nhận mình yếu đuối, dễ tủi thân nhưng chỉ cần dám đối diện, cô đã tự mình vượt qua nghịch cảnh. Để hôm nay khi nhìn lại, cô thầm cảm ơn những thời điểm khó khăn đã trui rèn nên một Văn Thị Thanh không chỉ mạnh mẽ trên sân cỏ mà còn bản lĩnh trong cuộc sống.