Mạc Mậu Hợp (1560 - 1592) lên ngôi khi mới 2 tuổi, là vị vua thứ 5 của triều đại nhà Mạc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Sùng Khánh thứ 13 (1578), vị vua này từng bị sét đánh ở trong cung và bại liệt nửa mình. Sau khi chữa khỏi, ông bèn đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm năm Diên Khánh thứ 1. Nhưng vài năm sau đó, ông lại mắc căn bệnh ở mắt, chữa vài năm mới khỏi.
Trong sử sách, Mạc Mậu Hợp là một ông vua siêng chơi bời, kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần, bỏ bê chính sự dẫn tới cơ nghiệp nhà Mạc ngày một lụi bại.
Đặc biệt, ông là một người háo sắc. Thậm chí, Mạc Mậu Hợp còn không ngần ngại "mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân".
Mạc Mậu Hợp bị đánh giá là một ông vua háo sắc. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Nguyên lão tướng Nguyễn Quyện của nhà Mạc sinh được 2 người con gái. Con gái được gả cho Mạc Mậu Hợp làm hoàng hậu, con gái thứ là Nguyễn Thị Niên được gả cho tướng quân Bùi Văn Khuê.
Tháng 8/1592, Nguyễn Thị Niên vào cung thăm chị gái. Vua Mạc Mậu Hợp nhìn thấy Nguyễn Thị Niên liền bị sắc đẹp của nàng lôi cuốn và nảy sinh tình ý, muốn giữ lại bên mình.
Khi biết Nguyễn Thị Niên là vợ của tướng Bùi Văn Khuê, Mạc Mậu Hợp vẫn không từ bỏ suy nghĩ không nên đó. Ngược lại, ông đã triệu em gái vợ vào trong phòng và giữ lại trong cung tới sáng.
Ông dự định giữ Nguyễn Thị Niên lại luôn, sau đó triệu tướng Bùi Văn Khuê đang trấn thủ ngoài kinh về để giết.
Viết về sự kiện có một không hai này, trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc. Nguyễn thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung. Mậu Hợp ưng ý Nguyễn thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng”.
Biết được âm mưu của vua Mạc Mậu Hợp, Nguyễn Thị Niên vô cùng sợ hãi, lén sai người hầu cận chạy đi báo cho chồng. Biết chuyện, Bùi Văn Khuê không nghe theo mệnh lệnh của triều đình nữa, bèn dẫn quân bản bộ về giữ hạt Gia Viễn. Dù vua cho mời vào cung mấy lần, Bùi Văn Khuê cũng không tới. Vì thế, vua Mạc đã sai tướng dẫn quân tới hỏi tội.
Tháng 10/1592, Bùi Văn Khuê trưng binh chống giữ, sai con trai tới phủ Trịnh Tùng, khóc lóc kể sự tình và xin sang hàng. Chúa Trịnh Tùng lập tức thu nạp và sau đó Bùi Văn Khuê đã dẫn quân theo về Nam triều, triều khiến Bắc triều mất đi lực lượng thủy quân, vốn là thế mạnh của họ.
Sau đó, khi quân Nam triều tiến đánh, Mạc Mậu Hợp đã cho con trai là Mạc Toàn lên làm vua, còn mình làm tướng đi đánh giặc. Nhưng mọi việc đã quá muộn, không còn binh quyền, quân doanh tan tác, Mạc Mậu Hợp đã chạy trốn lên chùa làm sư hòng thoát thân. Tuy nhiên, ông vẫn mang theo kỹ nữ lên chùa.
Khi chạy trốn lên chùa, Mạc Mậu Hợp còn mang theo cả kỹ nữ. (Ảnh minh họa)
Không lâu sau khi trốn lên chùa, Mạc Mậu Hợp bị quân Nam triều bắt trói, cho lên voi chở về kinh thành Thăng Long. Cùng bị bắt với Mạc Mậu Hợp còn có 2 kỹ nữ theo ông chạy trốn lên chùa.
Tại Thăng Long, chúa Trịnh cho luận tội Mạc Mậu Hợp. Các quan bàn phải xử Mạc Mậu Hợp tội lăng trì để làm gương cho mọi người, nhưng xét thấy ông về hàng nên chúa Trịnh Tùng không bắt chịu cực hình. Thay vào đó, Mạc Mậu Hợp bị treo sống 3 ngày rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông.