Câu chuyện hy hữa xảy ra tại An Huy, Trung Quốc. Cụ thể, để con làm bài tập nhanh hơn bà mẹ đã bắt con trai ra ngoài sân nắng gắt để học.
Cậu bé tầm 7-8 tuổi đầu không đội mũ, mồ hôi nhễ nhại, thỉnh thoảng cậu bé lại phải lau mồ hôi vừa làm bài tập.
Theo lời người mẹ khoe, biện pháp cô đang áp dụng rất hiệu quả bởi nó khiến con trai làm bài tập nhanh hơn, không lề mề như khi ngồi trong phòng mát có máy điều hòa nhiệt độ.
Cậu bé phải ngồi trong thời tiết nắng nóng để làm bài tập. Ảnh: Sohu
Cô nói: “Bình thường khi ngồi trong phòng điều hòa, với một bài tập tương tự, con mất 1 tiếng để hoàn thành, nhưng khi ngồi dưới cái nắng chói chang thì chỉ cần 10 phút”.
Đoạn video sau khi đăng tải đã khiến người mẹ hứng vô số gạch đá của cư dân mạng.
"Cô này có phải mẹ ruột của cậu bé không? Nếu là mẹ ruột sao lại đối xử với con mình như vậy?"
"Làm bài dưới ánh nắng mặt trời không tốt cho mắt trẻ, dễ gây cận thị"
"Tôi thấy làm như vậy tàn nhẫn quá"
"Làm như vậy không chỉ gây say nắng mà còn dễ khiến con dễ phản kháng"
"Đây không phải là cách giáo dục đúng đắn. Cha mẹ thông minh sẽ không bao giờ làm điều này"
"Đây là hành hạ trẻ em chứ dạy dỗ gì chứ"...
Hầu hết mọi người đều cho rằng, dù cách làm của người mẹ có tác dụng đẩy nhanh thời gian làm bài của cậu bé nhưng tác hại thì nhiều vô kể: Ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến cho trẻ thấy sợ mỗi khi tới giờ học chứ không còn hào hứng trong học tập nữa.
Dù đổ mồ hôi nhễ nhại nhưng cậu bé vẫn phải ngồi và tiếp tục làm xong bài tập. Ảnh: Sohu
Phương pháp dạy con đúng cách
Không phải cha mẹ nào cũng nắm được phương pháp giáo dục con đúng cách. Nhiều người cho rằng việc nghiêm khắc thậm chí là đòn roi là cần thiết để con ngoan ngoãn và nghe lời hơn tuy nhiên không phải ai cũng biết ứng dụng sự tinh tế trong nuôi dạy con cái.
Việc nuôi dạy con là một quá trình dài, nếu áp dụng đúng phương pháp bạo lực thô bạo sẽ khiến con sợ hãi dần thu mình thậm chí mắc những bệnh về tâm lý. Dưới đây là những cách bố mẹ cần tìm hiểu để áp dụng vào phương pháp dạy con sao cho đúng:
Nói những lời tích cực
Có 2 đứa trẻ đang làm bài tập, một người mẹ nói: "Viết cho đẹp vào, đừng có mà cẩu thả", nhưng bọn trẻ vẫn viết xấu. Trong khi đó, người mẹ khác thì nói: "Mẹ thấy con rất cố gắng, chữ này đẹp hơn hôm trước rồi đó con", kết quả đứa trẻ viết bài rất nhanh và đẹp.
Những lời nói tích cực của cha mẹ luôn có tác động rất lớn đối với trẻ. Nó sẽ mang tới cho trẻ lòng can đảm và sức mạnh để cố gắng nhiều hơn nữa.
Giữ ranh giới với con cái
Có một thực tế cho thấy, mâu thuẫn lớn nhất trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là sự thiếu ý thức về ranh giới. Trẻ con không phải là đất sét để cha mẹ tùy ý nặn thành những thứ mình muốn. Con cái cần có cuộc sống riêng và sở thích riêng.
Cha mẹ nào mà chẳng yêu thương con mình, luôn muốn dành những thứ tốt nhất cho con, nhưng họ cần phải biết dừng lại đúng lúc. Càng thương con bao nhiêu thì càng phải biết chừa chỗ cho con trưởng thành bấy nhiêu.
Hỗ trợ trẻ khám phá thế giới
Sự trưởng thành của trẻ không thể tách rời với việc khám phá thế giới. Mỗi vấn đề khó khăn trẻ mắc phải là cơ hội để chúng vượt qua và phát triển tốt hơn.
Cha mẹ khôn ngoan sẽ không ra lệnh hay cấm cản con mình, thay vào đó họ sẽ là người quan sát, đồng hành để con bước ra thế giới.
Đồng hành cùng con cái
Trong quá trình lớn lên của trẻ không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm và gây ra rắc rối. Tất cả những điều đó đều không có gì quá ghê gớm, điều kinh khủng là cha mẹ đặt con mình vào tình thế bị cô lập, bất lực.
Cha mẹ nên là nơi trẻ cảm thấy được an toàn và gia đình là nơi bình yên mỗi khi trẻ gặp khó khăn. Việc thấu hiểu, ủng hộ sẽ giúp con cái can đảm vượt qua khó khăn.
Hiểu rằng mỗi đứa trẻ không giống nhau
Có những đứa trẻ làm gì cũng chậm chạp hơn người khác, điều này khiến cho cha mẹ phiền lòng. Thế nhưng, đó không phải là đứa trẻ ngốc nghếch, chỉ cần chúng không bỏ cuộc, sau một thời gian tích lũy sức mạnh, đến một thời điểm thích hợp chúng sẽ bùng nổ.
Những đứa trẻ chậm chạp cần được cha mẹ thông cảm và chấp nhận, vì chúng đã cố gắng đi một đoạn đường dài hơn những người khác.
Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo ở con cái
Trong cuộc sống, không khó để nhận thấy có những bậc cha mẹ khó chấp nhận thất bại của con mình. Những đứa trẻ lớn lên với sự kỳ vọng hoàn hảo, chúng thường không dám thử điều mình thích, sợ mắc sai lầm và rất khó để tự lập.
Thay vì ép con mình trở thành một đứa trẻ hoàn hảo, cha mẹ nên chấp nhận khuyết điểm và tin tưởng để trẻ trở nên tốt hơn.
Dạy trẻ học cách đối mặt với thất bại
Đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua những lần vấp ngã lớn nhỏ trong cuộc đời. Đối mặt với thất bại có một số đứa trẻ không muốn chấp nhận.
Trước những thất bại, điều đầu tiên trẻ cần là sự ủng hộ vô điều kiện về mặt tinh thần từ cha mẹ, sau đó học cách can đảm đối mặt với thử thách và khó khăn.
Cha mẹ cần dạy con cách bình tĩnh trước khó khăn và động viên những lúc con cần nhất.
Khuyến khích và đánh giá cao
Việc la mắng, chỉ trích chỉ kìm hãm sự phát triển của con cái, chỉ có sự khích lệ, động viên mới khiến trẻ ngày càng tốt hơn.
Điều cha mẹ cần làm là khẳng định nỗ lực, coi trọng thái độ hơn thành tích, khuyến khích sự sáng tạo và khen ngợi sự kiên trì của trẻ.