Khi nhìn thấy bảng danh sách những món đồ cần phải có, thanh niên trẻ không biết phải làm sao (Ảnh minh họa)
Thách cưới là tập tục cưới hỏi không mấy xa lạ của một vài nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Mặc dù chuyện yêu nhau là của lứa đôi nhưng cưới xin thì vẫn là việc của gia đình và dòng họ.
Mới đây trên mạng xã hội vừa chia sẻ câu chuyện của một chàng trai đang đau đầu trước yêu cầu thách cưới của nhà người yêu mình. Khi nhìn thấy bảng danh sách những món đồ cần phải có, thanh niên trẻ không biết phải làm sao.
Chàng trai đăng tải câu chuyện của mình như sau:
"Nhà người yêu thách cưới 300 triệu và 6 cây vàng có phải là quá đáng lắm không?
Nói chung cuộc đời về cơ bản là buồn anh em ạ. Yêu nhau đậm sâu nhưng đến lúc cưới xin thì bố mẹ cô ấy nhất định đòi đủ 300 triệu và 6 cây vàng mới cho cưới. Mà vàng đợt này cao quá... Tôi nói thật, tôi là nhân viên phục vụ ở nhà hàng tại Vũng Tàu. Lương nhàng nhàng chỉ 6 triệu, mùa du lịch thì sẽ hơn nhưng cái năm nay coi như bỏ hết. Quen người yêu cũng được 9 tháng gần 1 năm rồi, đến khi đề cập đến hôn nhân thì nhà gái nhất quyết như vậy.
Nghĩ mà cay đắng. Nghèo nó là cái tội đấy!!! Trong lúc cùng quẫn tiền bạc chán nản tình cảm, tôi có nghe theo một ông anh quen thân. Ông ý bày cho cá độ bóng đá. Thế là đi tong luôn 20 củ. Giờ đến cái nhẫn cưới cũng chả có chứ nói gì đến 300 triệu với 6 cây vàng. Nghèo nó hay xui lắm!".
Bên cạnh lời tâm sự chán nản của chàng trai chính là những món đồ được thách cưới mà đọc xong ai cũng cảm thấy "choáng váng". Nếu muốn cưới người yêu, anh chàng phải có đủ 300 triệu tiền mặt, 6 cây vàng, chưa kể tiền cưới xin, mua sắm... Đừng nói tới mức lương 6 triệu, nếu đổi lại là lương 10 hay 20 triệu thì đây vẫn là con số trong mơ của nhiều chàng trai Việt.
Cũng chính vì thế chỉ trong vòng thời gian ngắn đăng tải, câu chuyện này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Thậm chí, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Nhiều người cho rằng anh chàng nên bỏ cô người yêu đi vì đời còn dài, ở phía trước sẽ có người phù hợp với mình hơn. Nhiều người lại khẳng định đấy là do anh chọn phải gia đình nhà gái quá "cao" so với thực lực của mình. Nồi nào thì úp vung nấy, dĩ nhiên, nhà gái có tiền, có quyền được yêu cầu 1 gia đình nhà trai tương xứng.
Vậy nếu gặp phải trường hợp này, chàng trai phải làm sao?
Thứ nhất, điều bạn cần làm là trao đổi thẳng thắn với vợ sắp cưới của mình về phong tục thách cưới bên nhà xem liệu thách như thế đã hợp lý chưa?
Bởi có nhà thách thật cao để nhà trai nản lòng, bỏ cuộc (trường hợp này do bất hòa, không thích chú rể và gia đình nhà trai). Nhưng nhìn chung lại, thách cưới cao chẳng qua là quá đề cao con gái nhà mình, để người ngoài nhìn vào thấy con nhà mình có giá....
Tránh tình trạng thách cao quá khiến chú rể phải bỏ cuộc, cô gái mang tiếng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, có một số nơi khác cố tình thách cưới thật cao nhưng sau đám cưới thì số tiền thách cưới đó được trao lại cho đôi vợ chồng trẻ để làm vốn liếng ban đầu khi ở riêng. Vì thế điều này 2 bạn nên thẳng thắn nói rõ với nhau. Tránh tình trạng thách cao quá khiến chú rể phải bỏ cuộc, cô gái mang tiếng. Hoặc cố cưới bằng được cho dù thách cưới quá cao, đôi vợ chồng trẻ đã phải còng lưng trả nợ....
Tiếp theo, nếu đã thẳng thắn mà 2 gia đình vẫn không tìm được tiếng nói chung, làm khó nhau đủ điều thì báo hiệu hạnh phúc sau này khó bền lâu. Nếu rơi vào trường hợp này, hãy mạnh mẽ bước ra khỏi vòng luẩn quẩn không hồi kết đó. Hãy tìm cho mình 1 người khác phù hợp, biết thông cảm với hoàn cảnh của mình hơn. Tình yêu thì cần lãng mạn, nhưng hôn nhân phải có sự tỉnh táo, đừng cố lao vào khi bạn biết rõ không có đường ra.
Nam giới khi chọn bạn đời, cần nhất là người phụ nữ biết cảm thông, chia sẻ, biết chung tay gánh vác gia đình, chăm sóc gia đình. Nhưng khi nam giới bị chạm đến cái tôi "đàn ông" của mình, đại đa số đều sẽ nổi xung lên, tung hê mọi thứ, có khi bỏ cả gia đình (cảm thấy không hòa hợp được, bị coi thường...), một số khác âm thầm chịu đựng, không phản ứng (số này không có bản lĩnh đàn ông, nhu nhược...).
Chuyện cưới xin cũng vậy, đây là một chuyện nhạy cảm có thể làm nổi xung lên tự ái người đàn ông. Bất đồng xảy ra lại làm rạn vỡ tình cảm gia đình.
Vì sao các cụ luôn dạy lấy vợ lấy chồng phải "môn đăng hộ đối" cũng là như thế. Hai bên thông gia phải có sự tương đồng giữa hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, kinh tế của cô dâu, chú rể... Nếu không có sự cân bằng thì cái cần nhất phải có là sự cảm thông, tránh bị nói sau lưng là "đũa mốc..." và còn nhiều câu khó nghe nữa.