Ở mỗi vùng miền lại có tục thách cưới khác nhau (ảnh minh hoạ)
Một trong những nghi thức không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Việt là lễ nạp tài (được tiến hành đồng thời trong lễ ăn hỏi). Nhà trai sẽ chuẩn bị một phong bì tiền đem sang nhà gái cùng với đồ sính lễ. Tiền này còn được gọi là tiền dẫn cưới, tiền thách cưới, lễ tiền đen.
Tiền dẫn cưới được xem như món quà, lời cảm ơn chân thành của nhà trai dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô con dâu họ sắp rước về. Số tiền này có thể tuỳ thuộc vào tấm lòng thành của nhà trai, quy định của gia đình cô dâu hoặc theo phong tục ở quê hương nhà gái tuỳ vào từng vùng miền. Bởi có sự khác biệt đó mà không ít đôi trẻ vấp phải tình huống tréo ngoe khi hai bên nhà trai, nhà gái gặp mặt bàn bạc về lễ cưới.
Lê Thị Loan (28 tuổi) sống tại một làng quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, kể về phong tục “thách cưới” rất thú vị ở quê mình. Cô cho hay, mỗi một đám cưới, thủ tục, lễ lạt hoàn toàn phải theo ý nhà gái, trong đó, số tiền nhà trai phải đem đến nhà gái ở thời điểm hiện tại là khoảng 30 triệu đồng. Đây là đã luật bất thành văn, những gia đình có con trai sắp cưới vợ đều phải tự dò hỏi để biết đường chuẩn bị.
“Mình lấy chồng năm 2018, tức là cách đây 2 năm, số tiền thách cưới là 25 triệu đồng, kèm theo 3 lễ trầu cau, bánh trái, đầu lợn, mỗi lễ trị giá 2,5 triệu đồng. Chị gái mình lấy chồng năm 2008, số tiền thách cưới mới chỉ là 4 triệu đồng và dĩ nhiên các lễ trầu cau, đầu lợn không thể thiếu. Vậy mà theo thời gian, tiền thách cưới tăng lên, hiện giờ đã là 30 triệu đồng rồi", Loan kể.
Loan cho biết thêm, số tiền này được nhà trai gửi nhà gái vào hôm đến chơi nhà, chứ không hề công khai trong lễ ăn hỏi. Tuy vậy, bằng cách rỉ tai nhau, dân làng vẫn biết được tiền thách cưới hiện tại ở làng là bao nhiêu để khi nhà có việc hỷ thì chuẩn bị tinh thần lo liệu.
“Cũng có gia đình nhà trai khá giả thì đem đến nhà gái nhiều hơn số tiền đó, có thể là 50, 60 triệu hoặc nhiều hơn. Làng mình gọi đó là “phá giá”. Nhưng hiếm nhà gái nào nhận hết số tiền đó lắm. Mình nghe nói, có trường hợp, bố mẹ cô dâu sau khi mở phong bì ra thấy nhiều tiền quá còn đem đến nhà trai trả bớt. Họ chỉ lấy đủ số tiền theo bà con làng xóm thôi”, Loan nói.
Có làng quê thách cưới đến vài chục triệu đồng (ảnh minh hoạ)
Giáp với làng quê của Lê Loan, một ngôi làng khác kinh tế phát triển hơn nhưng thủ tục thách cưới lại hoàn toàn khác. Cô cho biết, ở quê họ, nhà trai chỉ cần đem đến nhà gái một cặp gà trống mái, cùng với các tráp cưới trầu cau, bánh trái, chè, hoa quả. Nhưng bù lại, nhà trai sẽ giúp nhà gái lo liệu toàn bộ rạp cưới, bàn ghế, bát đũa… “Số tiền này tính ra cũng không ít hơn tiền thách cưới ở làng mình là mấy nhưng các cô dâu làng mình lại bị mang tiếng là “cô dâu tiền triệu”, Loan chia sẻ.
Đến tận khi bản thân lấy chồng, Phương Thảo (Ninh Bình) mới biết thủ lục làm lễ cưới ở quê mình. Thảo kể, lễ nạp tài ở quê cô rất đơn giản. Trong ngày ăn hỏi, nhà trai sẽ đem đến nhà gái 3 lễ chay gồm trầu cau, bánh trái, nhà nào phức tạp hơn thì thêm 1 lễ xôi, gà hoặc đầu lợn. Cùng với đó, nhà trai sẽ đem thêm một tráp nhỏ, trong đó đựng số tiền dẫn cưới là 9 nghìn đồng hoặc 99 nghìn đồng. Nhà gái sẽ bỏ thêm vào đó 1 nghìn hoặc 10 nghìn đồng cho tròn trịa với hàm ý vợ chồng thương nhau “chín bỏ làm mười”.
“Thế nên khi nghe kể ở nơi nào đó thách cưới đến vài chục triệu đồng mình sốc lắm. Kể chuyện với các bạn, mình hay nói đùa là con gái làng mình rẻ quá, gần như cho không nhà trai”, Thảo cười.
Cũng có những nơi, số tiền thách cưới tuỳ vào lòng thành của nhà trai, có nhiều gửi nhiều, có ít gửi ít, hoàn toàn không có bất cứ quy định chung nào.
Đào Hằng (Hà Nam, tổ chức đám cưới vào năm 2018) chia sẻ, trong buổi chơi nhà, nhà trai có hỏi bố mẹ cô về số tiền thách cưới. Bố mẹ cô chỉ đáp: “Cái này tuỳ tâm nhà bên ấy, không có cũng không sao. Miễn hai đứa nó cưới nhau về sống yên ấm, hạnh phúc là mừng rồi”. Sau đó, trong lễ ăn hỏi, gia đình nhà trai có gửi bố mẹ cô một phong bì 10 triệu đồng, cũng chỉ lặng lẽ bỏ vào tráp nhỏ kèm sính lễ chứ không một lần đề cập đến.
Trong khi đó, gia đình Nguyễn Phượng (quê Thái Bình) lại không nhận một đồng tiền dẫn cưới của nhà trai. Lễ ăn hỏi của Phượng không có gì ngoài sính lễ, tráp cưới mà ngay cả những thứ đó cũng được chuẩn bị rất đơn giản.
“Đến giờ mẹ mình vẫn hay đùa: “Cô có người rước là may lắm rồi còn thách cưới nữa thì ế hả?”. Nói vui thôi chứ mình nghĩ, mỗi nơi một phong tục khác nhau, cũng nên tôn trọng và cân nhắc mong muốn của nhà gái”, Phượng nói.