Hôm kia tôi bắt gặp một cặp vợ chồng sắp ly hôn. Tôi thấy người vợ chỉ thẳng vào mặt chồng, giận dữ hét lớn:
- Anh đã hứa sẽ ở bên cạnh em cả đời bất kể có chuyện gì xảy ra, nhưng tại sao bây giờ anh lại thất hứa? Con chúng ta đã được 5 tuổi rồi, anh lại nói rằng anh không yêu em nữa. Anh nói anh đã có người phụ nữ khác, muốn ly hôn để ở bên cô ta là sao? Cô ta có điểm gì hơn em chứ?
- Em là người phụ nữ tốt, là anh đã phụ lòng em. Nhưng em quá mạnh mẽ, quá nghiêm khắc với anh, tính khí thì thất thường. Chính điều đó đã ép anh phải ở bên cô ấy. Em có thể tự bê được bình nước 20 lít lên 7 tầng lầu, vòi nước, bóng đèn trong nhà hỏng em cũng tự sửa được. Điều đó khiến anh cảm thấy mình thật yếu kém. Còn khi ở bên cô ấy, anh được bao bọc, bảo vệ cho ai đó, cho anh cảm giác tự hào, thấy mình đáng mặt đàn ông hơn. Cô ấy cũng dịu dàng với anh hơn…
Người phụ nữ cho chồng một cái tát. Anh chồng im lặng không nói nữa, cũng không đánh trả. Không biết hai người đó có ly hôn không, nhưng tôi biết cô ấy không nỡ.
(Ảnh minh họa)
Tôi luôn tự hỏi mình đã sai ở đâu, tại sao anh lại đối xử với tôi như thế. Tôi oán trách chồng và nghĩ mình không sai, cho đến khi nghe cuộc trò chuyện của cặp vợ chồng kia, nhờ bình nước 20 lít hai người nhắc đến tôi mới nhận ra mình đã sai ở đâu, đồng thời đúc rút được 3 bài học trong hôn nhân.
1. Là phụ nữ, đôi khi cũng phải tỏ ra yếu mềm để được che chở
Trong hôn nhân, nếu phụ nữ quá mạnh mẽ sẽ khiến chồng cảm thấy thừa thãi, khi đó không những tự làm khổ mình mà còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tôi từng quá mạnh mẽ nên chồng chẳng thèm để ý đến nỗi khổ tâm, sự khó khăn vất vả của vợ. Thậm chí, anh còn nghĩ kiểu gì tôi chẳng vượt qua được rồi cứ bỏ mặc tôi tự loay hoay.
Con ốm con đau, gia đình có việc gì chồng cũng thờ ơ, vì cho rằng tôi rất mạnh mẽ, từng vượt qua nhiều biến cố hơn thế thì những việc “nhỏ nhặt” đó có đáng là gì. Tôi thì cứ phải cố, cố nữa, cố mãi cho đến một thời điểm nào đó thì… gục ngã.
Phụ nữ dù giỏi giang đến bao, dù lạnh lùng thế nào cũng luôn muốn được che chở, bảo vệ và yêu thương... Vậy nên đừng gồng mình để cố trở thành người mạnh mẽ, có ích gì đâu! Khi mệt mỏi, chán nản, đau yếu hãy cứ tựa vào vai chồng. Hãy nũng nịu với họ bởi đàn ông thích che chở cho một người phụ nữ yếu đuối hơn là thích một người phụ nữ mạnh mẽ để cho họ tựa lưng.
Bất kể dù biết những việc sửa chữa điện nước cũng đừng tự mình xách búa làm một mình. Hãy cho chồng cơ hội thể hiện và anh ấy sẽ cảm thấy mình có ý nghĩa thế nào trong gia đình. Mà khi đó, bạn cũng nhàn nhã, rảnh tay hơn bao nhiêu.
(Ảnh minh họa)
2. Nếu nói quá nhiều về việc ly hôn, có thể điều đó sẽ thành sự thật
Còn nhớ ngày đó, tôi đã thốt ra 2 từ ly hôn rất nhiều lần. Mỗi lần cãi nhau to tôi lại dọa ly hôn. Mỗi lần như vậy, chồng thường là người xuống nước trước và xin lỗi tôi rồi cứ thế hai vợ chồng làm hòa.
Nhưng sau đó tôi lại vô tình phát hiện ra anh ngoại tình. Để khiến anh quay về bên gia đình, tôi lại gây áp lực cho anh, thường xuyên đem chuyện ly hôn ra dọa. Bởi, anh rất sợ ly hôn mà, sợ ly hôn rồi không được ở gần con nữa.
Tôi cứ tưởng anh ấy sẽ lại sợ mà chia tay người tình, quay về bên gia đình. Nhưng không ngờ lần này lại khác, nói quá nhiều lần chuyện ly hôn rồi giờ anh ấy lại ly hôn thật.
Hai từ ly hôn không phải là chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn vợ chồng. Cứ hễ cãi nhau lại dọa ly hôn chứng tỏ bạn không quá coi trọng cuộc hôn nhân này nên mới dễ dàng nghĩ đến nó. Người chồng bị vợ “đe dọa” thì lòng tự trọng, tính tự tôn sẽ bị tổn thương nặng nề. Đến một lúc nào đó, chồng làm thật thì người đau khổ lại chính là bạn đấy.
(Ảnh minh họa)
3. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ không bao giờ lỗi từ một phía là do nhiều bên “hùn vốn”
Khi một cuộc hôn nhân phải đặt dấu chấm hết, đó là lỗi từ cả hai phía, chẳng qua là ai ít ai nhiều mà thôi. Như cuộc hôn nhân của tôi kết thúc, đúng là do chồng tôi có người phụ nữ khác bên ngoài.
Nhưng thực ra cũng là do tôi quá mạnh mẽ khiến anh không có cảm giác được bao bọc, che chở cho người phụ nữ anh yêu. Cũng là do tôi không biết trân trọng, quản lý cuộc hôn nhân của mình. Nếu tôi hiểu được những điều này ngay từ đầu, có lẽ tôi đã không ly hôn...
Nhưng chuyện đã xảy ra rồi thì dù có nói thế nào cũng vô ích. Thay vì dằn vặt, trách móc nhau vì những lỗi lầm trong quá khứ, hãy rút ra bài học để tiến về phía trước, để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.