Nỗi bất hạnh của người đàn bà mang tiếng "nhốt" chồng

Số phận không chịu buông tha cho chị, bởi chồng chị từ một người bình thường bỗng phát bệnh thần kinh, cả ngày chỉ biết đi lang thang, la hét, đập phá đồ đạc và đánh vợ. Nhiều năm qua, chị Ngẫm buộc phải "nhốt" chồng trong căn buồng vài mét vuông.

Nỗi bất hạnh của người đàn bà mang tiếng "nhốt" chồng - 1

Chị Ngẫm với nỗi day dứt triền miên mà không biết cách nào có thể giữ được chồng. 

Con trai qua đời vì bệnh tim, không lâu sau con gái lại mắc bệnh thiểu năng trí tuệ khiến chị Lê Thị Ngẫm, SN 1977 (thôn Đồng Bình, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương) như muốn phát điên. 

Nhưng số phận vẫn chưa chịu buông tha cho chị, bởi không lâu sau đó chồng chị từ một người bình thường bỗng phát bệnh thần kinh, cả ngày chỉ biết đi lang thang, la hét, đập phá đồ đạc và đánh vợ. Nhiều năm qua, chị Ngẫm buộc phải "nhốt" chồng trong căn buồng vài mét vuông.

Tai ương không ngừng ập xuống

Gặp chị Ngẫm và trò chuyện với chị chúng tôi có cảm giác như trên đời này có bao nhiêu nỗi bất hạnh thì đều giáng xuống cuộc đời chị. Năm 2002, chị Ngẫm quyết định lập gia đình với anh Phạm Quang Phan (SN 1982). 

Lúc biết anh chị kết hôn nhiều người trong làng ngoài xã đã không khỏi ngỡ ngàng bởi lẽ chị hơn anh tận 5 tuổi. Bản thân những người thân trong gia đình của chị cũng ngăn cản rất nhiều vì họ cho rằng phụ nữ thường nhanh già hơn đàn ông. Chỉ cần vợ chồng bằng tuổi nhau thì người phụ nữ trông cũng sẽ già dặn hơn nhiều, nói gì đến việc chị hơn chồng mình 5 tuổi. 

Thế nên người thân chị lo rằng khi chị già đi thì người chồng trẻ sẽ "chán chê" mà kiếm mối khác. Nhưng bất chấp mọi lời khuyên can, chị vẫn quyết định sẽ xây dựng tổ ấm với anh. 

Chị Ngẫm nhớ lại: "Chả biết có nợ gì nhau từ kiếp trước hay không mà tôi và anh ấy cứ nhất quyết đến với nhau. Đâu chỉ gia đình tôi phản đối đâu mà bên gia đình anh ấy cũng can ngăn không muốn anh ấy lấy vợ hơn nhiều tuổi". 

Bất chấp sự ngăn cản của hai bên gia đình anh chị vẫn quyết đến với nhau. Và chỉ một năm sau đó họ sinh được cậu con trai đầu lòng khoẻ mạnh, xinh xắn. Nhưng 3 tháng sau sinh, sức khoẻ con trai chị bỗng dưng yếu đi nhiều. Khi đưa con đi bệnh viện khám thì bác sĩ thông báo em bé bị bệnh tim bẩm sinh dẫn đến teo não, 2 chân không đi lại được. Năm 2011, con trai của chị qua đời. 

Chị Ngẫm buồn rầu kể lại: "Sau khi cho con đi thăm khám tại bệnh viện và được bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh tim bẩm sinh khiến hai vợ chồng tôi chết lặng. Lúc đó hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc. Sau khi bình tĩnh lại thì nói với nhau dù tốn kém thế nào cũng phải cố chữa bệnh cho con. Hễ nghe nói ở đâu có thầy hay thuốc tốt là chúng tôi lại đưa con đến. Hơn 8 năm, cuộc sống của cháu đều phụ thuộc vào tôi. Đi đâu, làm gì tôi đều cõng cháu theo vì cháu không đi lại được. Nhìn con người ta khỏe mạnh, được được cắp sách đến trường mà tôi như thắt từng khúc ruột". 

Năm 2006, vợ chồng chị Ngẫm sinh thêm được cô con gái thứ 2. Lúc này, mọi hy vọng vợ chồng chị đều đặt vào cô con gái út. Nhưng đến 6 tuổi con gái anh chị lại được phát hiện mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. 

Chị Ngẫm bảo: "Sinh con ra, chỉ biết lấy con làm nguồn hy vọng. Thế mà nguồn hy vọng ấy của vợ chồng tôi lại bị ông trời dập tắt không thương tiếc. Tai ương nối tiếp tai ương, con trai lớn vừa mất thì lại phát hiện con gái út bị thiểu năng. Còn nỗi đau nào hơn thế không? Lúc đó tôi cũng không biết mình sẽ sống vì cái gì nữa?".

Chỗ dựa cuối cùng cũng bị ông trời "cướp" mất

Các con không may bị mắc trọng bệnh nhưng vợ chồng chị Ngẫm vẫn cố gắng động viên nhau để cùng vượt qua nỗi đau. Chị bảo, cuộc sống dù liên tiếp gặp phải tai ương nhưng chị chưa bao giờ hối hận vì đã lấy anh Phan. 

Bởi trong cuộc sống vợ chồng, anh Phan luôn cố gắng thể hiện mình là trụ cột của gia đình. Ngoài việc làm nông anh chấp nhận làm đủ thứ nghề để có thêm thu nhập nuôi và chữa bệnh cho các con. Biết vợ vất vả và thiệt thòi nên anh cũng thường xuyên giúp đỡ chị việc nhà và động viên chị cố gắng. 

"Khi con trai mất và con gái bị bệnh thiểu năng, anh ấy luôn động viên tôi là rồi chúng ta sẽ có những đứa con khác. Em không phải lo tuổi già cô độc đâu. Vậy mà giờ đây chỗ dựa còn lại duy nhất của tôi trên cuộc đời này cũng bị ông trời "cướp" mất" - chị Ngẫm bật khóc khi chia sẻ chuyện đời mình với chúng tôi.

Nỗi bất hạnh của người đàn bà mang tiếng "nhốt" chồng - 2

Nhiều lúc nhìn chồng suy tư, chị Ngẫm tin rằng anh Phan hiểu được những gì đang xảy ra.

Một ngày tháng 2-2010, sau khi đi làm phụ vữa về, anh Phan có biểu hiện lạ, nói cười luyên thuyên, đập phá đồ đạc và đánh vợ. Sau khi đi khám tại bệnh viện, anh Phan được xác nhận mắc chứng bệnh thần kinh. 

Thời kỳ đầu anh Phan bị bệnh, chị Ngẫm và những người thân trong gia đình cũng cố gắng chạy vạy, vay mượn tiền bạc cho anh đi bệnh viện thăm khám, điều trị. Nhưng chữa trị tốn kém mà bệnh tình anh Phan không hề thuyên giảm. Hễ phát bệnh là anh Phan lại bỏ đi lang thang khiến chị Ngẫm phải nhiều lần bỏ công, bỏ việc đi tìm chồng. 

Thậm chí, khi đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, anh Phan cũng nhiều lần trốn viện. Có lần anh Phan lang thang sang tận địa bàn Nam Định khiến gia đình phải khó khăn lắm mới tìm thấy. Tìm được chồng mang về nhà thì anh Phan lại la hét, đập phá đồ đạc và lao vào đánh vợ. 

"Năm 2017, khi không còn đủ sức điều trị, tôi nhờ người sửa căn buồng nhỏ trái nhà, làm song sắt và để chồng ở trong đó. Đến bữa ăn, tôi đưa cơm cho chồng và mọi sinh hoạt đều trong căn buồng rộng vài mét vuông. Nhiều người trong làng bảo tôi "nhốt" chồng nhưng không làm vậy thì không thể có thời gian đi làm kiếm sống. Nếu không làm vậy thì anh ấy lại đánh tôi… Hầu như đêm anh ấy không ngủ, anh ấy lấy tay đập song sắt kêu gào. Nhìn chồng như vậy tôi xót lắm nhưng biết phải làm sao?" - chị Ngẫm nghẹn ngào. 

Cũng theo lời chị Ngẫm chia sẻ, ngoài những lúc lên cơn ra anh Phan cứ lặng lẽ, trầm tư khiến chị có cảm giác như anh vẫn nhận thức được những bất hạnh mà mình đang phải trải qua. Những lúc như vậy chị Ngẫm lại thấy thương chồng nhiều hơn.

Mấy ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua chị Ngẫm bị lên mộng ở mắt, khiến mắt sưng húp không nhìn thấy gì nên chị đành phải nghỉ việc ở nhà. Chị bảo, không đi làm thì chẳng có tiền đâu mà nuôi chồng, nuôi con. Những ngày an nhàn "bất đắc dĩ" này lại khiến chị đau khổ nhiều hơn. Nhìn cảnh chồng la hét trong căn buồng nhỏ chị lại nhớ đến quãng thời gian anh chị hạnh phúc. Chị bảo: "Anh ấy phát bệnh thần kinh thế này cũng rất có thể do suy nghĩ quá nhiều về bệnh tật của các con. Thế mà bề ngoài lúc nào anh ấy cũng tỏ ra cứng rắn để làm chỗ dựa cho tôi". 

Chia tay gia đình chị Ngẫm, ánh mắt ngây dại, nụ cười vô hồn xen lẫn những tiếng la hét của người chồng mắc bệnh thần kinh trong gian buồng khoá trái vẫn ám ảnh chúng tôi. 

Chúng tôi cũng không thể quên được câu nói nhói lòng của chị Ngẫm rằng: "Nhiều lúc nhìn cảnh chồng, con bệnh tật tôi bất lực quá chỉ muốn mình làm một liều thuốc ngủ để kết thúc những tháng ngày đau khổ dài dằng dặc. Thế nhưng nghĩ đến cảnh nếu mình chết đi rồi thì lấy ai là người chăm sóc chồng con, tôi lại không đành lòng. Sau mỗi lần như thế tôi lại chỉ ước mình có thật nhiều sức khoẻ để "theo đuổi" được chồng, con cho đến tận cuối đời". 

Ông Vũ Văn Diệu - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình chị Ngẫm nuôi chồng, nuôi con bệnh tật nhiều năm rất thương cảm. Qua bài viết, chính quyền xã mong các tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm hãy dang rộng vòng tay giúp đỡ gia đình chị Ngẫm để xoa dịu nỗi đau, giúp chị ấy vượt lên số phận, có thêm kinh phí, động lực nuôi người con gái bệnh tật, nuôi chồng thần kinh".