Lúc đầu, các cặp đôi có thể bước vào hôn nhân với một viễn cảnh tươi đẹp về tương lai và có niềm tin vững chắc vào tình yêu. Tuy nhiên theo thời gian, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống có thể dần dần làm xói mòn tình cảm ban đầu hai vợ chồng dành cho nhau và thậm chí ly hôn.
Một người phụ nữ ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chia sẻ, mới đây chị đã về nhà chồng cũ lấy một số đồ đạc cá nhân của mình. Khi bước vào cánh cửa quen thuộc, chị được các con chạy ùa ra đón và ôm chầm lấy. Khuôn mặt chúng tràn ngập niềm vui khi được gặp lại mẹ.
Những đứa trẻ vẫn chưa biết rằng bố mẹ chúng đã ly hôn.
Nhìn gương mặt ngây thơ của các con, người phụ nữ vô cùng đau đớn.
Hai đứa con trai của chị đang ăn cơm trắng với vài sợi bún nấu cùng nước lã, và tất cả đều lạnh như băng. Rõ ràng ở nhà không ai nấu cơm cho các con ăn, các con lại còn quá nhỏ, không thể tự vào bếp được.
Nhìn hai đứa con trai, người phụ nữ ôm đứa con út vào lòng mà khóc như chưa từng được khóc. Nhưng cậu bé nào có biết gì đâu, nhìn mẹ bằng ánh mắt ngây thơ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Người phụ nữ cho biết, sau khi ly hôn, chồng cũ phớt lờ mọi việc và để con ở nhà cho bà nội chăm sóc. Bà nội thì bận rộn với công việc đồng áng, để 2 đứa nhỏ ở nhà tự trông nhau.
Nhìn thấy bộ dạng bẩn thỉu của hai anh em, người phụ nữ trong lòng có cảm xúc lẫn lộn. “Kể từ khi ly hôn, tôi không thể buông bỏ 2 đứa con của mình. Tôi cũng nghĩ đến việc đấu tranh giành quyền nuôi con, nhưng dù thế nào chồng cũ cũng không chịu để tôi đưa chúng đi. Bây giờ nhìn hai đứa con tội nghiệp, tôi bắt đầu hối hận vì đã ly hôn.
Nếu tôi không ly hôn thì ít nhất chúng nó cũng có một mái ấm đầy đủ và một bữa cơm nóng hổi do mẹ nấu. Khi ấy chỉ có tôi là người cảm thấy bị đối xử bất công nhưng ít ra con cũng được hạnh phúc”, người phụ nữ nghẹn ngào.
Nhìn thứ con trai ăn mà người phụ nữ bật khóc.
Câu chuyện này đã lấy đi nước mắt của nhiều người khi được chia sẻ trên mạng xã hội. Một số cư dân mạng bình luận: “Phụ nữ nên thận trọng khi chọn lựa bạn đời và trong hôn nhân. Bởi khi hôn nhân không thể duy trì thì nếu ly hôn, bạn sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đặc biệt là khi đã có con. Ly hôn thì con cái khổ, không ly hôn thì chính mình khổ”, “Khi ly hôn, người đau khổ nhất không phải là hai người, mà chính là con cái”, “Nhìn mà tôi cũng khóc theo, thương 2 đứa nhỏ quá”,…
Nên ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
Nhiều người coi ly hôn là một cách giải thoát khi hôn nhân không còn hạnh phúc, trong khi số khác chọn nhẫn nhịn để con có đủ cha mẹ. Vậy nên ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con? Câu hỏi này gây ra nhiều tranh cãi.
Khi ly hôn, nạn nhân chịu nhiều nỗi khổ nhất chính là con cái - các “sản phẩm” của tình yêu. Bởi khi ấy, những đứa trẻ bị mất đi sự yêu thương, chăm lo của bố hay mẹ hoặc thậm chí là của cả hai. Khổ hơn nữa khi nhiều bậc làm cha làm mẹ nhân danh tình thương yêu để lấy con cái ra làm cái cớ cho việc tranh giành, nói xấu nhau, lôi kéo con cái ra để cô lập người còn lại.
Chính vì sợ con bị tổn thương, muốn cho con có mái ấm đủ đầy nên nhiều người vẫn khuyên vợ chồng có gì từ từ bảo nhau, nhẫn nhịn đi một chút để con cái được sống cả bố lẫn mẹ. Cha mẹ nên hi sinh hạnh phúc của mình vì con cái.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bạn có nghĩ tới hậu quả của việc các con lớn lên trong một ngôi nhà mà bố mẹ không hề yêu thương lẫn nhau sẽ như thế nào chưa? Hai vợ chồng có thể “diễn kịch”, tỏ vẻ ân ái trước mặt các con, nhưng bạn có chắc sẽ không bị con phát hiện. Trẻ em ngày nay rất tinh ý, chúng có thể nhận ra được sự thay đổi.
Chưa kể tới việc nếu nửa kia của bạn có khuynh hướng bạo lực, tính lăng nhăng, ham mê cờ bạc, rượu chè,… thì con cái của bạn có thể bị “nhiễm” bởi những tính xấu đó. Hoặc đứa trẻ đó lớn lên cũng có thể sẽ học cách nhẫn nhịn giống bố mẹ mình, luôn chịu đựng dù không hạnh phúc và phải chịu bất công. Vì vậy, đôi khi ly hôn không phải chỉ vì bản thân mà còn vì tương lai của con cái.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ly hôn là việc rất quan trọng. Đừng quá vội vàng, đừng đưa ra quyết định ly hôn quá dễ dàng, nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định để giảm thiểu sự tổn thương, buồn đau xuống mức thấp nhất có thể.