Kết hôn 4 năm, vợ chồng tôi đã sinh được một bé trai 3 tuổi. Chúng tôi ở riêng sau đám cưới, cách không xa nhà bố mẹ chồng. Tôi vừa đi công tác 4 ngày trở về. Bước vào nhà nhìn thấy 3 thứ, tôi chán nản và tuyệt vọng quyết đoán ly hôn, giải thoát mình khỏi hôn nhân để mong “đổi đời”.
1. Rác khắp nơi, chồng lười biếng không chịu chia sẻ việc nhà với vợ
Mở cửa ra, đập vào mắt tôi đầu tiên là rác. Suốt thời gian tôi vắng nhà, chồng không hề động tay vào chiếc chổi hay giẻ lau nhà. Chẳng những thế anh ấy còn xả rác khắp nơi, từ phòng khách cho tới nhà bếp, phòng ngủ, tiện đâu vứt đó, không cần quan tâm đến không gian bừa bộn ra sao.
Ảnh minh họa
Bốn năm hôn nhân, chồng tôi vẫn luôn như vậy, người làm việc nhà duy nhất chỉ có tôi. Chỉ cần tôi vắng nhà một, hai ngày thì nhà cửa chẳng khác gì “bãi chiến trường”. Chồng tôi thấy rác rưởi khắp nơi vẫn có thể thản nhiên bước qua mặc kệ.
Nhà là của chung, chồng không chịu chia sẻ việc nhà với vợ trái lại còn bày ra để vợ dọn. Ai nói đó chỉ là việc vặt thì cứ thử dọn dẹp đằng đẵng nhiều năm trời không ngơi nghỉ ngày nào, để xem họ còn coi đó là việc vặt?
Tôi không chịu được sự bẩn thỉu, bừa bộn trong nhà, quan trọng hơn phải tạo môi trường sạch sẽ, trong lành cho con. Những năm qua tôi luôn cố gắng tự mình làm hết nhưng tới giờ tôi thực sự thấy chán chường không muốn cố gắng nữa.
2. Để mặc con cái, đó là một người bố vô trách nhiệm
Vừa thấy tôi về, bác hàng xóm vội chạy sang bảo tôi ra đầu ngõ mà đón con về. Tôi tất tả chạy ra thì thấy chồng đang mải mê “chém gió” với mấy người khác ở quán nước, để mặc con tự chơi một mình đến nỗi thằng bé ngã xuống cống, cả người toàn bùn đất hôi thối và xây xước mấy chỗ.
Vội vàng tắm rửa sạch sẽ cho con, hỏi ra thì biết con chưa ăn gì, bụng đói từ trưa. Đang nấu cho con ăn thì mẹ chồng gọi điện sang hỏi tôi về lúc nào, rồi mắng tôi té tát: “Cô thừa biết chồng không trông được con thì trước khi đi công tác phải sắp xếp chu đáo chứ. Đừng để hai bố con nó ở nhà với nhau, nó lại mang thằng bé sang bắt tội ông bà già này”.
Ông bà không giúp trông cháu, tôi chẳng trách móc vì đó không phải trách nhiệm của họ. Nhưng còn chồng tôi, dù đã làm bố mà quá vô trách nhiệm với con, đến việc đảm bảo con được ăn no và an toàn cũng không làm nổi. Con đối với anh ta chỉ là gánh nặng và sự phiền phức.
Ảnh minh họa
3. Hóa đơn điện nước trên bàn chưa thanh toán, chồng vô trách nhiệm về kinh tế
Cho con ăn xong, lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy hóa đơn điện nước và mạng internet vẫn để trên bàn chưa thanh toán, dù thời gian đã cách 3 ngày. Tôi bật cười cay đắng. Chồng để đó chờ tôi về giải quyết đây mà.
Bốn năm hôn nhân, số lần chồng đưa tiền cho tôi để chi tiêu và nuôi con chắc đếm trên đầu ngón tay, mà mỗi lần cũng chỉ 1 - 2 triệu. Có thời điểm tôi bị bệnh nhưng vì sợ con thiếu thốn vẫn phải cố gắng làm ngày làm đêm, tưởng chừng muốn kiệt sức. Đâu chỉ nuôi con và lo cho bản thân, tôi còn phải nuôi cả chồng cùng những chi phí đối nội đối ngoại, công việc phía gia đình chồng.
Muốn gồng gánh để giữ gia đình trọn vẹn cho con nhưng tới lúc này tôi cảm thấy quá mệt mỏi. Tôi tự hỏi mình làm vậy có đáng hay không? Dù đã khuyên nhủ nhẹ nhàng cho tới gay gắt, luôn cố gắng tạo điều kiện để chồng tìm việc và bồi dưỡng chuyên môn nhưng thứ tôi nhận lại chỉ là sự vô trách nhiệm của chồng.
Với 3 điều nhìn thấy khi đi công tác về, tôi quyết định ly hôn để “đổi đời”. Không phải đổi đời giàu sang mà tôi hi vọng một cuộc sống mới nhẹ nhàng, tươi sáng và vui vẻ hơn cho hai mẹ con tôi.