Tôi và chồng cũ là bạn thuở nhỏ. Từ khi yêu đến lúc kết hôn, anh ấy đều bao dung cho sự bướng bỉnh của tôi và chăm sóc vợ rất chu đáo. Nhưng 5 năm trước, chính người đàn ông này đã chìa đơn ly hôn ra trước mặt tôi.
Tôi cãi vã, khóc lóc như thế nào anh cũng phớt lờ, nhất quyết đòi ly hôn bằng được. Ngay cả khi tôi lấy ra con át chủ bài là 2 đứa con ra thuyết phục thì anh vẫn không thay đổi quyết định. Bây giờ tôi đã ly hôn được 5 năm nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng hậu ly hôn. Tôi hối hận từng ngày vì đã làm tổn thương chồng cũ quá sâu.
Năm năm này đủ để tôi nhìn lại bản thân mình, chính tôi đã tự phá hoại hạnh phúc của chính mình. Cuối cùng tôi cũng hiểu rằng một người đàn ông dù có yêu thương, chiều chuộng mình đến đâu nhưng một khi đã động đến 3 điểm mấu chốt này của anh ta, không sớm thì muộn vợ chồng ắt ly hôn.
(Ảnh minh họa)
1. Lén “tuồn” tiền về nhà mẹ đẻ mà không nói với chồng, đó là sự thiếu tôn trọng ở người bạn đời
Chồng là kinh tế chính trong nhà, còn tôi từ sau khi sinh hai con là ở nhà chăm con, lo việc nội trợ chứ không đi làm nữa. Hàng tháng chồng luôn đều đặn giao hết tiền lương cho tôi, chỉ giữ lại một chút để ăn sáng, uống cà phê.
Anh tin tưởng tôi mới vậy, nhưng tôi lại giấu anh “tuồn” tiền về nhà ngoại. Tôi đã trả học phí 4 năm đại học cho em trai, sắm sửa cho em đủ thứ như máy tính, xe máy mà không nói với chồng. Sở dĩ như vậy là do mẹ nói rằng sẽ trả lại tiền cho tôi ngay sau khi em trai tốt nghiệp.
Nhưng khi em trai tốt nghiệp, chưa thấy mẹ trả tôi được đồng nào thì mẹ lại hỏi mượn tiền tiếp để lo đám cưới, nhà cửa cho em trai. Thiết nghĩ bố mẹ là nông dân quanh năm bán lưng cho đất, bán mặt cho đời thì lấy đâu ra tiền, tôi là chị cần có trách nhiệm với em trai nên tôi lại bơm tiền cho em để tổ chức đám cưới.
Sau này khi chồng biết được, anh rất tức giận, trách tôi không bàn bạc với anh khi cho người thân mượn tiền, như vậy là thiếu tôn trọng anh. Tôi là người có lỗi trước, nhưng tôi lại không xin lỗi chồng mà ngược lại còn gây sự với anh, cho rằng mình giúp đỡ nhà mẹ đẻ là lẽ đương nhiên. Điều này đã trở thành ngòi nổ cho cuộc ly hôn của chúng tôi.
Tiền bạc vốn là vấn đề nhạy cảm, một khi đã là vợ chồng thì nên trao đổi, bàn bạc với nhau. Giấu giếm tức là bạn đang không tin tưởng, thiếu tôn trọng nửa kia. Mà tin tưởng và tôn trọng chính là yếu tố cơ bản để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một khi hai thứ này bị phá vỡ, điều đó có nghĩa là hôn nhân đang dần tới gần bờ vực đổ vỡ.
(Ảnh minh họa)
2. Tôi ham vui, trở nên bất cần, không chăm lo cho con cái, gia đình
Người nhàn rỗi nhiều ưu phiền, kẻ lười biếng nhiều bệnh tật, người bận rộn lắm niềm vui. Vì quá nhàn rồi, lười biếng mà tôi dần trở nên biến chất, ăn chơi đàn đúm với bạn bè suốt ngày. Dần dần tôi cũng không chăm lo chu đáo cho con cái, đến mức các con cũng phải la ó.
Thế nhưng nó như thói quen khó bỏ, tôi cứ mãi chìm đắm trong niềm vui một mình mà không thèm đếm xỉa đến cảm nghĩ của chồng con. Anh nhiều lần khuyên can nhưng tôi không nghe theo, vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Mãi đến sau khi ly hôn tôi mới nhận ra là mình sai. Muốn tổ ấm hạnh phúc cần có sự vun đắp của hai vợ chồng cũng như các thành viên trong gia đình. Một người vợ lười biếng, ham chơi, không biết vun vén cho gia đình thì cho dù người đàn ông đó trước đây yêu bạn đến bao nhiêu thì dần dần họ cũng chán, gia đình không thể hạnh phúc được.
(Ảnh minh họa)
3. Bố mẹ chính là một trong những “tử huyệt” của đàn ông, đừng lôi bố mẹ vào những cuộc cãi vã
Tôi đi sớm về khuya mỗi ngày khó tránh khỏi bị mẹ chồng càm ràm, nhắc nhở. Song tôi lại không thèm nghe, thậm chí có những lời không phải với bố mẹ chồng. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật tồi tệ.
Bố mẹ chính là một trong những “tử huyệt” của con cái. Nếu đổi lại là tôi, tôi cũng không thể chấp nhận được việc chồng nói những lời cay đắng, xúc phạm tới bố mẹ mình. Vậy mà tôi lại làm điều đó với anh.
Thậm chí khi hai vợ chồng cãi vã, đôi lúc tôi còn lôi những điểm không vừa lòng ở bố mẹ chồng ra để nói, chì chiết. Đây là một trong những điều tồi tệ nhất trong hôn nhân, giờ tôi nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn màng rồi.