Tuy đi lại khó khăn nhưng Hương vẫn nhiệt tình làm tình nguyện
Cơ duyên gặp gỡ và tình yêu định mệnh
Cặp vợ chồng mà người ta vẫn gọi là “chuyện tình cổ tích” giữa đời thường là Đỗ Thu Hương (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) và Nguyễn Trung Mạnh (quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Sinh ra bình thường như bao người, nhưng cơn sốt rét năm 8 tuổi đã khiến đôi chân của chị bị tê liệt, co rúm. Nhìn tương lai của đứa con bé bỏng đang tuổi ăn tuổi lớn dần sụp đổ trước mắt, bố mẹ chị chạy ngược xuôi vay mượn tiền làm phẫu thuật hạ bàn chân cho con.
Chia sẻ về những ngày sau phẫu thuật, chị Hương cho biết, dù thân xác bị giày vò, đau nhói như ngàn cái đinh đâm thẳng vào da thịt, nhưng, bệnh tình của mình vẫn không thuyên giảm. Hy vọng cuối cùng của gia đình là ca phẫu thuật năm 2003 tại Bệnh viện 108 nhưng rồi niềm hy vọng cũng bị dập tắt hoàn toàn.
Cuộc đời cô gái bé nhỏ gắn liền với chiếc xe lăn từ đó. Ở tuổi 18, cái tuổi tràn trề sức sống và khát vọng với bao người thì chị lại ném mình trong bốn bức tường kín với sự tự ti và mặc cảm. Nỗi ám ảnh về ngoại hình khiến chị Hương ngày càng sống khép mình, trái tim nhỏ bé ấy dường như đã khép chặt lại.
Tuy nhiên, sự sống như được “hồi sinh” khi chị Hương tình cờ xem một clip của một người khuyết tật dạy cách làm tranh giấy. Chị mê mẩn tìm tòi và đăng kí theo học tại trung tâm dạy nghề. Nhờ sự cần mẫn, khéo léo và niềm đam mê với những bức tranh giấy cuộn, chị Hương mở được một shop bán tranh giấy cuộn online do mình làm chủ.
Ngoài công việc làm tranh giấy cuộn, quảng bá và bán sản phẩm, chị còn tham gia các hoạt động từ thiện, giao lưu các bạn đồng cảnh để chia sẻ câu chuyện tình yêu, cuộc sống… Vì thấy nhiều bạn còn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, Hương đã trích số tiền bán tranh thu được ủng hộ quỹ của nhóm Ước mơ xanh Hà Nội.
Anh chị gặp nhau trong một lần làm tình nguyện (chị Hương ngồi giữa, anh Mạnh ngồi bên phải)
Những lần giao lưu tại nhóm tình nguyện cũng là nơi tình yêu bắt đầu của chị với anh Nguyễn Trung Mạnh - một thanh niên đẹp trai và hoàn toàn khỏe mạnh. Anh Mạnh là một chàng trai gốc Thái Bình lên thành phố lập nghiệp.
Chia sẻ về ấn tượng đầu tiên với người vợ khuyết tật, anh Mạnh vui vẻ kể lại: “Lần đầu tiên nhìn thấy cô gái nhỏ bé, dù vất vả để di chuyển trên chiếc xe lăn nhưng vẫn hồ hởi, xông xáo giúp đỡ mọi người khiến tôi thực sự ấn tượng. Chính nụ cười hồn nhiên, trái tim ấm áp của Hương đã khiến tôi rung động. Sau buổi đầu gặp mặt, về nhà tôi quyết tìm facebook của Hương để nhắn tin làm quen”.
Tình yêu của chị Hương bắt đầu từ những điều giản dị
Những cuộc điện thoại, những tin nhắn chuyện trò ngày càng nhiều hơn. Chị chia sẻ với anh về công việc làm tranh giấy, về những ngày tháng tủi nhục khi sống trong hình hài khiếm khuyết, còn anh kể với chị về quê hương mình, về nỗi vất vả nhọc nhằn của chàng trai nghèo lên thành phố lập nghiệp. Giữa họ dần hình thành sự đồng cảm sâu sắc, từ những người bạn tri kỷ, họ yêu nhau lúc nào không hay.
Chồng nguyện suốt đời làm đôi chân cho vợ bình an
Ngày anh quyết định công khai tình cảm với chị cũng là ngày cả hai vấp phải sự phản đối quyết liệt từ tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nghe tin con trai yêu một cô gái khuyết tật, bố mẹ anh sốc không nói nên lời, liên tục gọi điện khuyên ngăn con suy nghĩ lại. Ngày đưa chị về ra mắt, anh nhận được vô vàn lời nói cay nghiệt và những gièm pha. Những câu nói đó chẳng khác gì những vết dao cứa vào lòng khiến anh chị tổn thương rất nhiều.
Dù vấp phải nhiều khó khăn, thử thách nhưng anh vẫn luôn đứng ra bảo vệ chị
“Tôi không nhớ nổi mình đã phải khóc bao đêm trong những ngày ấy. Từ khi biết chuyện nhà anh Mạnh phản đối kịch liệt, bố mẹ tôi cũng khuyên ngăn tôi từ bỏ vì sợ tôi sẽ khổ. Nhìn những giọt nước mắt tủi hờn của mẹ, tôi càng thấy xót xa cho số phận nghiệt ngã của mình”, chị xúc động nhớ lại.
Trải qua bao nhiêu sóng gió, tưởng chừng như có lúc phải chia xa vì sự phản đối kịch liệt của gia đình. Nhưng cuối cùng, tình yêu ấy cũng làm lay động lòng người. Chính tình cảm chân thành, sự hy sinh cao cả cộng với bản lĩnh của người đàn ông đã giúp anh phá bỏ những định kiến của mọi người để đến bên chị, bảo vệ và che chở cho chị.
Thế rồi, đám cưới anh chị cũng được cha mẹ hai bên đồng ý và được tổ chức vào một ngày đầu năm 2015, trước sự chứng kiến của họ hàng và bạn bè. Giây phút trao nhẫn cưới, anh Mạnh thầm nguyện ước sẽ làm đôi chân cho chị suốt quãng đời còn lại để bù đắp những thiệt thòi mà chị đã phải trải qua.
Sau bao nhiêu khó khăn, đám cưới của anh chị được tổ chức vào năm 2015
Đầu năm 2016, hạnh phúc nhân đôi khi gia đình nhỏ chào đón thêm một bé trai kháu khỉnh. Lúc này, mọi chi phí, sinh hoạt và gánh nặng gia đình lại tăng lên và dồn hết lên vai anh Mạnh. Vất vả là thế, nhưng anh không kêu ca nửa lời vì anh biết vợ anh là người rất nhạy cảm và hay suy nghĩ. Anh kiếm việc làm thêm và tự xoay sở cho tổ ấm riêng của mình bớt khó khăn.
Chị Hương tâm sự: "Trải qua gần 6 năm chung sống, tôi hạnh phúc với tổ ấm riêng của mình. Hiện tại, gia đình tôi đang chuẩn bị đón thêm một thành viên mới".
Hiện tại, chị đang mang bầu đứa con thứ hai, năm sau gia đình sẽ đón thêm thành viên mới.
Tin rằng, hạnh phúc và tình yêu sẽ luôn song hành bên anh chị, là điểm tựa vững chắc để cặp đôi luôn đồng hành, cùng nhau bước tiếp con đường đầy ước mơ và hy vọng!
Tật nguyền đôi chân, song trái tim bao dung vô hạn… Khi được hỏi lý do khiến một chàng trai mạnh khỏe, đẹp trai là mơ ước của biết bao cô gái như anh lại đồng ý lấy một cô gái khuyết tật như vậy. Anh không ngần ngại trả lời: “Vợ tôi tuy không khỏe mạnh, đi lại được bình thường như bao người khác, nhưng đổi lại cô ấy có trái tim yêu thương và bao dung vô hạn. Cô ấy là người vợ luôn biết chia sẻ cảm xúc, biết đồng cảm với những khó khăn của chồng. Tôi luôn tự nhủ với bản thân sẽ làm đôi chân của cô ấy, đưa cô ấy đi tiếp chặng đường còn lại trong cuộc đời.” |