Suốt thời gian chung sống, vợ và mẹ tôi có va chạm nhưng không đáng kể. (Ảnh minh hoạ)
Tháng tới, vợ chồng tôi dự định sẽ tổ chức kỷ niệm ngày cưới sau 18 năm chung sống. Do những năm trước bận bịu nên tôi thất hứa về một buổi tiệc lãng mạn dành cho vợ vào dịp này.
Lần này, tôi muốn mời thêm bạn bè người thân chung vui và dành tặng cho vợ món quà đặc biệt. Cách đây mấy ngày, tôi dò hỏi xem vợ thích món quà gì, vợ đã trả lời ngay: “Em không cần quà, em chỉ cần anh thông báo với mọi người mình sẽ ra ở riêng”. Tôi bất ngờ trước câu trả lời đó của vợ và khi biết lý do, tôi thấy bối rối.
Vợ chồng tôi sống chung cùng ba mẹ từ khi mới cưới trong ngôi nhà cũ của gia đình. Đến nay, con trai lớn đang học lớp 11 còn con trai út chuẩn bị vào lớp 1. Ba mẹ tôi về hưu nên có nhiều thời gian để phụ giúp con cái.
Cả hai lần vượt cạn, vợ tôi đều sinh non, nếu không có ông bà, chúng tôi không biết phải xoay xở ra sao vì con rất khó nuôi. Sinh xong đứa con đầu, vợ tôi sợ đến mức hơn mười năm sau mới dám mang bầu tiếp.
Vợ chồng tôi lao đao khi con thường xuyên ốm đau, ăn uống kén chọn, mỗi năm đi viện không biết bao nhiêu lần. Trong những năm tháng đó, mẹ tôi tỉ mẩn lo lắng cho cháu từng chút một để vợ tôi có thời gian dành cho công việc.
Tôi còn nhớ, khi vợ sinh con thứ hai, mẹ tôi đã hơn 70 tuổi vẫn lọ mọ thức đêm bế cháu để vợ được ngủ. Cháu biếng ăn, hàng ngày bà cố gắng đi chợ thật sớm mua cá, tôm, ếch, lươn còn tươi rồi về cặm cụi nhặt từng cái xương nhỏ để cho cháu có bát cháo đủ dinh dưỡng.
Lúc còn khoẻ, mẹ kiêm luôn việc đi chợ nấu ăn cho cả nhà, chưa kể chăm cháu nhỏ. Đến mấy năm gần đây, sức khoẻ mẹ yếu đi, vợ tôi mới đảm đương việc bếp núc.
Tuy thương con cháu, không nề hà việc gì nhưng mẹ tôi khá khó tính và thường nói thẳng. Tôi biết, có nhiều lúc vợ không bằng lòng nhưng chọn cách im lặng. Mẹ thường phàn nàn vợ tôi mua sắm hoang phí khi thấy giày dép đầy kệ, áo quần để chật tủ. Chuyện nấu nướng cũng phật ý nhau khi không đồng quan điểm. Thỉnh thoảng vợ và mẹ tôi có lời qua tiếng lại nhưng không đến mức gay gắt.
Tôi cứ nghĩ những va chạm nhỏ nhặt đó, gia đình nào cũng có nên không để tâm. Nhưng không ngờ, vợ tôi găm ghi trong lòng và ngấm ngầm chuẩn bị cho công cuộc ra ở riêng đã khá lâu.
Lương bổng của vợ chồng tôi ở mức khá lại không phải lo chuyện nhà cửa nên mỗi tháng gửi tiết kiệm được một khoản. Tuy ở với ba mẹ nhưng chúng tôi không phải trợ giúp tài chính vì ông bà đã có lương hưu. Khoản tiết kiệm đó, tôi dự định một thời gian nữa sẽ sửa chữa lại nhà cửa và lo cho con cái học hành.
Cách đây mấy năm, vợ bàn với tôi mua một mảnh đất gần nhà ngoại vì giá khá rẻ. Vợ không hề đề cập đến chuyện ra riêng mà lấy lý do có hai đứa con trai, mua đất để dành mà sau này không ở, bán lại cũng có chút lời. Nghe vợ nói thế, tôi cũng đồng ý mua với giá thời điểm đó là 700 triệu.
Giờ đây, khi con cái đã lớn, ba mẹ tôi đau ốm luôn thì cô ấy lại đòi ra riêng. Vợ tôi lấy lý do muốn có khoảng trời riêng mình. Suốt chừng ấy năm sống chung, cô ấy phải nhẫn nhịn chịu đựng sự xét nét của mẹ chồng như thế là quá đủ.
Vợ tôi nhất định đòi ra riêng sau 18 năm sống chung với ba mẹ chồng. (Ảnh minh hoạ)
Lễ kỷ niệm ngày cưới thành kỷ niệm buồn
Tất nhiên tôi phản đối ý định ra riêng của vợ ngay trong ngày kỷ niệm ngày cưới ấy. Bởi gần 20 năm, ba mẹ tôi phụ giúp chúng tôi rất nhiều, giờ về già cần người đỡ đần lúc trái gió trở trời thì tôi nỡ lòng nào để ông bà sống một mình.
Tôi thất vọng khi người đầu gối tay ấp của mình muốn rũ bỏ trách nhiệm làm con dâu, ích kỷ chỉ muốn sống cho mình. Vợ tôi đã tính toán kĩ lưỡng chuyện này vì giờ con cái đã có thể tự lập, không cần ông bà giúp đỡ nữa, vả lại đất có sẵn, tiền tiết kiệm đủ để xây một căn nhà mới khang trang.
Tôi bảo: “Điều gì anh cũng có thể chiều em được nhưng việc này thì không, anh là con trai một, cần phải có trách nhiệm lo cho ba mẹ”. Nhưng vợ kiên quyết: “Sống chung gần 20 năm là được rồi. Nếu anh không đồng ý thì cứ ở với ba mẹ, em sẽ tự xây nhà và đưa các con theo”.
Tôi cứ nghĩ dịp kỷ niệm 18 năm ngày cưới sẽ ngập tràn hạnh phúc và viên mãn, nào ngờ lại xảy ra tình huống oái ăm này. Tôi định dần dần sẽ thuyết phục vợ suy nghĩ lại, không vội để ba mẹ biết chuyện vì sợ ông bà sẽ rất buồn. Nhưng với tính cách ương bướng của vợ, tôi không biết có xoay chuyển được tình thế không?