Trắng tay sau 3 thập kỷ bên người chồng mê đỏ đen

Suốt 30 năm người phụ nữ vật vã thoát khỏi cuộc hôn nhân này và ra đi với hai bàn tay trắng.

Người phụ nữ đã trải qua bi kịch cuộc sống khi ở bên người chồng nghiện đỏ đen suốt thời gian dài.

Người phụ nữ đã trải qua bi kịch cuộc sống khi ở bên người chồng nghiện đỏ đen suốt thời gian dài.

Chuyện chưa kể tập 72 cùng tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đến với những chia sẻ của khách mời là Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi, TP.HCM). Nữ chính đã trải qua bi kịch cuộc sống khi ở bên người chồng nghiện đỏ đen suốt thời gian dài.

Chị Nhung cho biết, chị gặp chồng khi mới vừa tròn 16 tuổi, lúc đó anh đi học nghề may ở nhà anh rể cũng gần nhà chị. Ngoài thời gian học, anh còn vào viện chăm ba mắc bệnh nan y và đêm về phụ mẹ công việc làm đậu phụ để sáng bán. Chứng kiến sự chịu thương chịu khó của anh, chị cảm mến từ lúc nào không hay.

Chị động viên, an ủi anh rất nhiều. Đến khi anh ngỏ ý muốn quen thì chị sợ sẽ ảnh hưởng tới việc học nên nghỉ chơi. Dù tránh mặt nhưng chị vẫn để ý tới anh, chị thấy tâm trạng của anh tồi tệ hơn và thường hút thuốc rất nhiều. Chị lại mủi lòng rồi chấp nhận bên anh.

Sau 5 năm, cô gái ngây thơ sinh ra trong một gia đình khá giả được chiều chuộng từ bé đã chấp nhận làm đám cưới với chàng trai nghèo có hiếu, chịu khó. Chị mê muội bỏ qua hết lời khuyên ngăn của bố mẹ rằng, gia đình anh rất phức tạp. Lúc này, chị chỉ nghĩ anh đã là thợ giỏi, có thể lo được cho vợ con nên không quan tâm quá nhiều.

Cưới nhau rồi, hai vợ chồng ở chung với mẹ chồng. Anh ở nhà làm thợ may kiếm tiền, chị làm công việc nội trợ. Tuy nhiên cuộc sống hạnh phúc không kéo dài bao lâu, anh dần bỏ bê làm ăn và càng ngày, anh càng đam mê bài bạc với mấy người trong xóm.

Thấy chồng không chịu may đồ cho người ta, gia đình không còn tiền, chị phải ra ngoài vớt bèo đi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống, không một lời than thở.

Dùng mọi cách vẫn không khuyên bảo được chồng, chị đành nhờ mẹ chồng nói giúp nhưng mẹ chồng thẳng thừng: “Kệ nó, để nó chơi đi, kêu nó về chi để hàng xóm nói nó sợ vợ”. Câu nói của mẹ chồng khiến chị như chết lặng, không còn chỗ nào để bấu víu.

Quá tuyệt vọng, chị uống thuốc tự vẫn nhưng không thành. Sau lần đó, anh chỉ ở nhà được một ngày rồi đâu lại vào đó.

Nhận thấy bản thân đã đánh cược với mạng sống mà vẫn không thay đổi được chồng, chị quyết định tự tìm lối thoát cho mình. Chị đề nghị anh dạy cách may rồi chị nhận đồ về may để kiếm thêm thu nhập.

Một thời gian sau, chị phát hiện ngoài cờ bạc, anh còn đam mê chơi lô đề. Anh giấu chị mượn tiền của anh chị em trong nhà rất nhiều. Sau đó, anh chị em chồng lên kế hoạch “cướp” ngôi nhà hai vợ chồng chị đang ở cùng mẹ chồng và đuổi cả hai ra ngoài giữa đêm.

Đêm đó, chị và anh phải về nhà bố mẹ đẻ ở nhờ. Suốt mấy tháng ở nhà bố mẹ đẻ, chị vẫn thấy anh lén lút chơi lô đề mà không dám nói cho bố mẹ.

Rồi chị quyết định qua Mỹ để “bệnh” của anh không còn nữa. Năm 1989, chị sinh con trai ở Mỹ và tới năm 1995, cả gia đình mới trở về Việt Nam.

Tưởng rằng 6 năm bên Mỹ sẽ khiến anh hết “nghiện” và trở thành con người mới nhưng chị đã lầm. Về nước, anh lại tiếp xúc môi trường cũ khiến mẹ chồng phải bán nhà, chia tiền đều cho các con. Sau đó, mẹ chồng mua một căn nhà khác để sống cùng vợ chồng chị.

Hậu quả của việc anh chơi lô đề dẫn tới nợ nần chồng chất, dân xã hội đen đến tận nhà đòi rất nhiều lần. “Tôi sợ hàng xóm biết chuyện thì mình xấu hổ, sợ cha mẹ mình biết chuyện cũng không được nên giấu hết tất cả. Xã hội đen đến, tôi nhận hết để không làm lớn chuyện. Một chuỗi những năm tháng đi tìm tiền trả nợ cho anh...”, chị nhớ lại.

Đỉnh điểm nhất là khi anh dọa ép chị cầm cố căn nhà cho ngân hàng lấy tiền chơi tiếp khiến tiền lãi và tiền nợ cứ tăng lên, dẫn đến mất hết nhà cửa.

“Khi tôi tạo được căn nhà thứ hai, anh hứa anh bỏ nhưng rồi lại tiếp tục. Năm 2012, mỗi tháng tôi đưa anh 5 triệu để tiêu vặt nhưng vài ngày đã hết. Tôi thắc mắc thì anh lớn tiếng khiến tôi chỉ biết im lặng để hàng xóm không nghe thấy. Chính vì điều đó nên anh lấn át tôi bao nhiêu năm trời. Nhiều lúc tuyệt vọng, tôi muốn thoát ra nhưng anh dùng con làm con tin tạo áp lực”, chị kể.

Chị đã nghĩ khi nào con đủ 18 tuổi sẽ rời khỏi anh nhưng khi con vào đại học, chị lại nghĩ để con tốt nghiệp rồi ra riêng vẫn chưa muộn. Chưa bao giờ chị nói cho con biết về câu chuyện của chồng vì sợ con không coi trọng ba.

Năm con trai 22 tuổi, trong một lần vợ chồng cãi lộn, chị đã nói hết cho con nghe và con nói: “Mẹ, mình ra riêng ngay. Mẹ sợ gì chứ, cùng lắm con vừa đi làm vừa đi học. Mẹ không ra thì con ra”. Thấy con trai quyết tâm quá nên chị nghe theo con.

Khi đề nghi ly hôn, chồng đòi lấy hết căn nhà chị đứng tên mới chịu ký tên nên chị chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng.

“Tòa vừa cho tờ giấy quyết định ly hôn, 2 tháng sau tôi lên 4 ký. Mấy chục năm sống cùng anh, tôi không lên nổi 1 ký, người ốm vì lúc nào cũng buồn phiền. Bây giờ tôi cảm thấy may mắn vì sau khi trải nghiệm được cuộc hôn nhân đó, nó tạo nên tôi một con người hôm nay. Cái khó làm tôi ló ra cái khôn, phải tự học hỏi trong nghịch cảnh, tự biết làm mọi thứ để tồn tại trong cuộc sống”, chị vui vẻ chia sẻ.

Trong 28 năm sống chung và 2 năm ly thân, ngoài mất căn nhà chị đứng tên, mẹ một con còn tiết lộ: "Số tiền thanh toán nợ cho anh đến mấy chục cây vàng".

Qua chương trình, chị muốn gửi lời cám ơn thật lòng tới chồng cũ rằng: “Nếu anh không đối xử với tôi như vậy, tôi không có ngày hôm nay. Tôi không có cuộc sống hiện tại rất tốt đẹp”.