Ngày còn là sinh viên ở Hà Nội, trong khi các bạn bay nhảy với tuổi trẻ thì tôi làm thêm đủ nghề từ gia sư đến bán sách cũ cho cửa hàng trên đường Láng, phát tờ rơi thuê ở cổng trường,… Tôi luôn tâm niệm mình phải cố gắng kiếm tiền để bố mẹ đỡ vất vả.
Ảnh minh họa: Pexels
Khi lấy chồng, lúc đầu tôi cũng có một công việc ổn định tại một trường đại học tư thục. Nhưng do trường hoạt động kém hiệu quả rồi giải thể nên chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp.
Thời điểm đó, chồng đang mở rộng kinh doanh nên muốn tôi ở nhà chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái học hành để anh có thời gian tập trung công việc. Tôi thấy hợp lý nên đồng ý.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là "của chồng, công vợ". Cả hai đều phải có trách nhiệm đóng góp trong quá trình xây dựng gia đình, bằng cách nào thì tùy mỗi nhà.
Tôi ở nhà chăm gia đình nên mọi việc nhà, con cái học hành phải tự lo hết, anh đi làm tối muộn mới về. Nếu hôm nào anh về mà nhà cửa luộm thuộm một chút là anh la ó, nói nặng nhẹ. Tôi luôn giữ im lặng vì nghĩ anh bị căng thẳng công việc.
Vì ở nhà nên tôi không có khoản thu nhập nào. Mọi chi tiêu trong gia đình và bản thân đều phụ thuộc vào chồng. Mỗi lần chi tiêu gì, tôi đều phải ghi chép đầy đủ để cuối tháng anh xem.
Đã từ lâu tôi quên mất khái niệm mua sắm quần áo, phấn son cho bản thân. Bởi mỗi khi hết tiền, tôi hỏi thì chồng lại khó chịu, càu nhàu: “Tiêu gì mà lắm thế?”.
Cũng chính sự im lặng của tôi khiến chồng tôi làm tới, anh tỏ ra coi thường vợ, luôn bóng gió nói vợ bạn nhanh nhẹn, biết tính toán và lo toan không chậm chạp như tôi. Khi con gái đi học bị điểm kém, anh mắng tôi không biết dạy con.
Có lần, cả nhà đang vui vẻ ăn cơm. Thấy món rau tôi xào hơi mặn, anh hỏi "kho rau hay sao", rồi bảo tôi có mỗi việc nấu cơm cũng không làm được.
Đỉnh điểm vừa qua, mẹ tôi bị ốm, phải nằm viện 1 tháng, tôi bàn với anh về chăm mẹ mấy ngày, anh lập tức nói: "Nhà bao việc, cô đi thì ai chăm sóc bố con tôi". Dù anh nói vậy nhưng tôi vẫn quyết định về chăm mẹ.
Khi tôi bắt xe về quê, anh chỉ đưa tôi 500.000 đồng tiền xe mà không mảy may nghĩ đến biếu mẹ chút tiền lúc ốm đau.
Tôi bật khóc và nhận ra mình không bằng một người giúp việc. Bao năm qua, tôi hùng hục làm việc nhà, phục vụ chồng con mà vẫn bị chồng coi thường. Khi bố mẹ ốm đau, tôi không có đồng nào để báo hiếu.
Tôi như người tỉnh giấc mộng khi nhìn thấy hình ảnh mình trong gương đã già đi nhiều, da dẻ nhăn sạm, mắt quầng thâm.
Không biết từ khi nào tôi trở nên phụ thuộc, cam chịu thế này. Ngày mai tôi sẽ nói chuyện với anh về việc đi làm trở lại. Bất kể anh có đồng ý hay không, tôi cũng sẽ đi tìm việc để được là chính mình, không còn phải lệ thuộc vào ai.